Thăm bãi cọc Cao Quỳ bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử

Trên con đường nhựa phẳng lỳ rộng hơn ba cây số từ Quốc lộ 10 qua những cánhđồng, dãy núi đá vôi cảnh sắc 'sơn thủy hữu tình' dẫn vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ,ta có cảm giác như đang bước ra từ cuốn sách lịch sử, trở về cố hương - nơi diễn ranhững trận chiến hào hùng của ông cha chống giặc ngoại xâm phương Bắc.

Thuyền và cây gỗ hình thuyền được tìm thấy khi thi công đường vào bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Giang Chinh

Thuyền và cây gỗ hình thuyền được tìm thấy khi thi công đường vào bãi cọc Cao Quỳ. Ảnh: Giang Chinh

Cuối năm 2019, trong quá trình lao động sản xuất, người dân địa phương phát hiện bãi cọc gỗ Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đây là phát hiện rất quan trọng giúp ngành khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu, làm sáng rõ nhiều vấn đề lịch sử quan trọng. Các nhà nghiên cứu khẳng định, bãi cọc Cao Quỳ có niên đại từ cuối thế kỷ XIII, là chứng tích quan trọng của quân dân nhà Trần trong chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 3 (năm 1288) đánh đuổi đế quốc Nguyên Mông trên đất Hải Phòng.

Đầu năm 2020, người dân xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên tiếp tục phát hiện được 13 cọc gỗ dưới đáy ao của một gia đình. Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật khẩn cấp, bước đầu nhận định bãi cọc gỗ này cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288 trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Sự kiện này lần nữa cho thấy, khu vực dọc sông Bạch Đằng, từ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá tới bến Rừng nhiều khả năng còn nhiều di tích, di chỉ chưa được phát hiện.

Những nghiên cứu lịch sử từ xưa tới nay đều khẳng định, địa phận thành phố Hải Phòng ngày nay là địa bàn trọng yếu của cả 3 trận quyết chiến trên Sông Bạch Đằng. Trải dài phía hữu ngạn Sông Bạch Đằng, chính là những trận địa cọc, nơi đóng đại bản doanh, tích trữ lương thảo, bài binh bố trận, là địa bàn chủ yếu diễn ra các trận đánh của Đức vương Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo. Đặc biệt, các chiến thắng của dân tộc ta trên dòng Sông Bạch Đằng gắn liền với trận địa độc đáo, có một không hai trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, đó là trận địa cọc gỗ, vận dụng linh hoạt quy luật lên xuống của con nước thủy triều vùng cửa biển, đều dùng nước triều lập trận, đều vót cây rừng làm cọc chống tàu thuyền quân địch.

Liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, trên địa bàn thành phố Hải Phòng hiện có ít nhất 142 đình, đền, miếu thờ ghi lại công lao của các danh tướng, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Không những thế, khu vực này còn được ví như “Hạ Long trên cạn” với những dãy núi đá vôi nối tiếp nhau, kết hợp một số sông ngòi đan xen cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn…, tạo nên cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp, độc đáo, hùng vĩ mà trách nhiệm của hậu thế là phải giữ gìn, bảo vệ.

Việc phát hiện các bãi cọc trên địa bàn huyện cho thấy thế trận trong các cuộc chiến chống hoặc ngoại xâm không chỉ giới hạn trên Sông Bạch Đằng, mà còn kéo dài trên các tuyến sông khác, trong đó trục giao tranh chính là Sông Bạch Đằng và Sông Đá Bạc. Dọc tuyến sông này hiện còn lưu giữ nhiều địa danh gắn với các trận chiến thắng oanh liệt của cha ông ta như: Tràng Kênh, núi U Bò, Hoàng Tông, Phượng Hoàng, Áng Hồ, Áng Lác (nơi đóng quân), Hang Lương (nơi cất giấu lương thực), cửa Bạch Đằng… và còn nhiều nhiều di chỉ, hiện vật chưa được phát hiện.

Bãi cọc Cao Quỳ bên dòng Bạch Đằng giang lịch sử. Ảnh: TL

Giáo sư sử học Nguyễn Minh Giang nhận định, việc phát hiện ra bãi cọc Cao Quỳ làm thay đổi hoàn toàn nhận thức trong quá trình nghiên cứu lịch sử các chiến thắng trên Sông Bạch Đằng. Đó là cuộc chiến tranh trải dài trên suốt dải đất từ Hải Dương, đầu nguồn Lục Đầu Giang, đến Hải Phòng và Quảng Ninh, chứ không phải chỉ diễn ra ở vùng cửa sông như lâu nay chúng ta vẫn quan niệm.

Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố Hải Phòng cho rằng, cụm di tích liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng này hoàn toàn có thể trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp quốc gia, tiến tới có thể đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới… Do đó, UBND thành phố Hải Phòng đã quyết định đầu tư xây dựng khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ và tuyến đường vào bãi cọc kết nối với Quốc lộ 10 dưới chân cầu Đá Bạc ngay bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Đánh giá cao những quyết định đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đích thân dự các lễ khởi công và khánh thành dự án vô cùng ý nghĩa này.

Và như một cơ duyên, trong quá trình thi công tuyến đường vào bãi cọc Cao Quỳ, người dân lại tìm thấy chiếc thuyền gỗ dài hơn 8m nằm ở độ sâu 1m, gần chân núi đá vôi, cách bãi cọc khoảng 300m. Sau vài ngày, công nhân lại đào thấy một cây gỗ hình thuyền được đẽo nhọn dài 7m. Cả hai hiện vật hiện được lưu giữ tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Bạch Đằng Giang, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, chờ các nhà khoa học, quân sự tổ chức hội thảo đánh giá. Theo một số nhà khoa học, vị trí tìm thấy thuyền gỗ nằm bên con lạch triều cổ, bắt nguồn từ Sông Đá Bạc, nơi phát lộ bãi cọc Cao Quỳ chảy qua xã Liên Khê, thông ra Sông Giá. Với mục đích để ngăn đường lui của quân xâm lược Mông Nguyên, quân và dân nhà Trần đã cho đóng cọc tại cửa con lạch triều. Và sau cả nghìn năm, con lạch triều đã bị phù sa bồi đắp, trở thành ruộng vườn, làng mạc.

Bãi cọc Cao Quỳ cùng với Khu di tích Bạch Đằng Giang vừa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia kết nối trên một trục đường giao thông mới mở trải dài qua những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng. Đây là những điểm đến du ngoạn đầu Xuân đang níu kéo bao bàn chân du khách xa gần đến để tưởng nhớ về quá khứ oai hùng của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước./.

Vũ Đức Tâm

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/tham-bai-coc-cao-quy-ben-dong-bach-dang-giang-lich-su-n23850.html