Thảm án Lệ Chi viên, án oan ngút trời hay tấn thảm kịch vĩ nhân

Sau khi hạ độc vua Lê Thái Tông và gây thảm án Lệ Chi viên, Nguyễn Thị Anh đã dùng quyền lực để ép sử gia Ngô Sỹ Liên bẻ cong ngòi bút và vẽ lên chuyện Nguyễn Thị Lộ ngủ với vua.

Gần 600 năm qua, vụ án Lệ Chi viên với án oan ngút trời “giết vua”, cùng bản án thảm khốc “tru di tam tộc” nhằm vào anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi cùng vợ ông Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ vẫn còn là một ẩn số “tàn độc”.

Trăn trở, day dứt, xót xa với tấn thảm kịch oan nghiệt bậc nhất trong lịch sử nước Việt, không chấp nhận với những điểm còn tranh sáng, tranh tối trong sử sách xưa, nghĩ đến trách nhiệm của người cầm bút, nhà văn Hoàng Minh Tường đã cất công truy tìm tư liệu, nghiền ngẫm lịch sử, bóc tách những vấn đề tồn nghi và làm rõ những góc khuất vốn bị mù mờ do các sử gia xưa để lại.

Cuộc chiến phe cánh trong triều đình nhà Lê mở ra, Ức trai Nguyễn Trãi là một nạn nhân oan khiên trong lịch sử. Hình ảnh cắt từ vở cải lương Bên ánh sao Khuê

Cuộc chiến phe cánh trong triều đình nhà Lê mở ra, Ức trai Nguyễn Trãi là một nạn nhân oan khiên trong lịch sử. Hình ảnh cắt từ vở cải lương Bên ánh sao Khuê

Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử Thảm kịch vĩ nhân (NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành mới đây), nhà văn Hoàng Minh Tường đã kể lại toàn bộ vụ thảm án tàn khốc diễn ra trong 27 ngày, tính từ ngày sinh hoàng tử Lê Tư Thành (vua Lê Thánh Tông sau này) đến ngày Ức Trai Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ba họ lên đoạn đầu đài.

Mở đầu câu chuyện, Hoàng Minh Tường đề cập đến sự tồn tại của một tài liệu “độc nhất vô nhị” có thể là chiêu tuyết (rửa oan hờn) hoàn toàn cho Ức Trai tiên sinh và Lễ nghi học sĩ. Đó là một thư tịch Hán Nôm cổ, gồm 5 quyển, có tuổi đời hơn 500 năm, được lưu giữ trong ngôi đình cổ ở làng Động. Thư tịch này là trước tác của cụ Ứng Nhân Đoàn Khâm, một trong những học trò của Nguyễn Khuê, con trai cả Nguyễn Trãi có tên là Long Thành tạp ký. Bộ sách này có tính xác thực cao khi nó được ghi chép như sử ký thực lục. Hơn nữa nó lại trực tiếp chép về thời đại tác giả Đoàn Khâm sống (tác giả tham gia gián tiếp vào bộ máy quan lại đương triều: làm thư lại cho Đinh Phúc, sau Phúc chết làm nha lại ở bí thư các) và ghi chép nhiều việc mà bộ Đại Việt sử ký của Ngô Sỹ Liên né tránh,…

Sự tồn tại của bộ sách đặc biệt này đã đưa hai “nhà buôn văn hóa” là Đỗ Chí Cao và Ngô Thấp đến với ông trưởng tộc họ Đoàn xứ Đoài, rồi sau đó là hai dịch giả: giáo sư Hán học Hoàng Nguyên và “Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt (nhà ngoại cảm) cùng chủ nhiệm Nguyễn Trãi club Huỳnh Đạo. Tuyến nhân vật hiện đại này tuy mỗi người một vẻ, mỗi người một hoàn cảnh, một tâm trạng, nhưng tất cả các nhân đều có một mẫu số chung là đều kính trọng, tôn vinh Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ, nên họ đã tìm mọi cách trả lại danh dự cho hai danh nhân văn hóa sau cái chết oan khuất cách đây gần 577 năm.

Tiểu thuyết Thảm kịch vĩ nhân của nhà văn Hoàng Minh Tường.

Thế nhưng, đúng vào ngày rằm trung thu, trước ngày giỗ Ức Trai tiên sinh và quan Lễ nghi học sĩ (16 tháng 8 âm) một ngày, chuyện không hay đã xảy ra, kẻ trộm đã đột nhập hậu cung đình làng Động lấy đi bản gốc bộ Long Thành tạp ký. Điều an ủi nhất là bộ sách này mới được hai dịch giả: giáo sư Hán học Hoàng Nguyên và “Thọt bỉ nhân” Bùi La Việt dịch và chuyển âm xong.

Từ nội dung của bộ Long Thành tạp ký, tấm màn hắc ám của chốn thâm cung từng bước vén bỏ, toàn bộ cuộc tranh giành vương quyền và màn kịch tội ác được dựng lên để sát hại một bậc vĩ nhân đã bị phơi bày. Thủ phạm chính của màn kịch này không ai khác chính là hoàng hậu Nguyễn Thị Anh, vợ thứ của vua Lê Thánh Tông, mẹ của vua Lê Nhân Tông.

Theo nguồn mạch của cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Thị Anh có quan hệ bất chính và có mang trước khi được tiến cử vào cung. Sau khi biến vua Thái Tông trở thành tôi đòi của ái tình, Nguyễn Thị Anh đã xúi vua phế biếm ngôi hoàng thái tử của Nghi Dân. Đến khi sinh Bang Cơ (vua Lê Nhân Tông sau này), vua phế hoàng hậu Dương Thị Bí xuống làm thứ nhân, để Nguyễn Thị Anh lên ngôi hoàng hậu và tấn phong Bang Cơ mới gần 2 tháng tuổi lên ngôi thái tử.

Chuyện thay ngôi đổi chủ tạm lắng xuống, thì người vợ thứ 6 của vua Thái Tông là tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao sinh hạ quý tử (hoàng tử Lê Tư Thành, sau vua Lê Thánh Tông). Lo sợ ngôi thái tử của Bang Cơ khó bề giữ nổi (rơi vào thế bất lợi và bị rơi vào mối nghi ngờ không phải con của Thái Tông), Nguyễn Thị Anh đã tìm hãm hại mẹ con Ngô Thị Ngọc Giao, nhưng nhờ có vợ chồng Nguyễn Trãi hết lòng che chở, nên 2 mẹ con nhiều lần thoát nạn. Xuất phát từ lý này, Nguyễn Thị Anh đã tìm cách hãm hại Nguyễn Trãi.

Cuối tháng 7 và đầu tháng 8 âm lịch (1442), khi vua Lê Thái Tông đi tuần phía Đông, Nguyễn Thị Anh đã ra tay…

Sau hạ độc vua và gây ra thảm án Lệ Chi viên với bản án tàn khốc “tru di tam tộc” đối với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ, Nguyễn Thị Anh đã dùng quyền lực ép sử gia Ngô Sỹ Liên bẻ cong ngòi bút, vẽ lên chuyện Nguyễn Thị Lộ ngủ với vua và gây ra cái chết cho ngài. Trong cuốn tiểu thuyết, Hoàng Minh Tường đã bày tỏ thái độ bất bình, ông đã đưa ra nhiều dẫn chứng để bác bỏ hoàn toàn chi tiết này.

Bên cạnh những nội dung kể trên, cuốn tiểu thuyết còn đề cập đến các mặt của cuộc khủng hoảng quyền lực, những góc cạnh trong đời sống chính trị - xã hội thời Lê sơ, cuộc tiếp xúc giữa quá khứ và hiện tại,... hay câu chuyện về người trí thức trong mối quan hệ với quyền lực, cũng như tư cách của họ trước bão giông thời đại…

Minh Châu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tham-an-le-chi-vien-an-oan-ngut-troi-hay-tan-tham-kich-vi-nhan-post1024360.html