Tham ăn, béo phì cũng do gen

Nguyên nhân gen 'BDNF' hay còn gọi là gen 'tham ăn' gây ra tình trạng béo phì đã được các nhà khoa học lý giải.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế Đại học Georgetown (Mỹ) cho biết, họ đã tìm được nguyên nhân tại sao đột biến trên gen BDNF lại gây ra tình trạng béo phì.

Gen BDNF liên quan đến tình trạng béo phì

Gen BDNF liên quan đến tình trạng béo phì

Thí nghiệm trên chuột cho thấy, nếu con chuột bị đột biến gen BDNF, gen liên quan tới yếu tố dinh dưỡng thần kinh trong não, thông tin "ngừng ăn" trong cơ thể nó bị chặn lại do phản ứng của não đối với hormone thèm ăn đã bị cắt đứt.

Có nhiều gen liên quan đến tình trạng béo phì. Một trong số đó là gen BDNF, có vai trò trong việc tăng cân ở động vật. Nhưng tại sao lại có mối liên hệ này thì trước đây chưa ai giải thích được.

Trong nghiên cứu trên, những con chuột được tạo đột biến gen ăn nhiều hơn 80% so với những con bình thường.

Sau bữa ăn, những hormone như isulin hay leptin sẽ "báo" cho não biết cơ thể đã no và không nên ăn tiếp. Nhưng ở chuột bị đột biến, thông điệp này không được chuyển từ các hormone trong máu đến não chính xác.

Tiến sĩ Baoji Xu, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết: "Nếu gen BDNF có vấn đề, các tế bào thần kinh sẽ không thể trao đổi thông tin và tín hiệu từ các hormone isulin hay lepti sẽ vô hiệu, tình trạng thèm ăn vẫn tiếp diễn."

Còn theo tiến sĩ Sadaf Farooqi, chuyên gia nghiên cứu mối liên hệ giữa gen và béo phì tại Đại học Cambridge (Anh): "Gen có vai trò vô cùng to lớn nhưng thường bị đánh giá thấp. Khoảng 40 - 70% sự khác biệt về cân nặng giữa hai người là do gen." Tuy nhiên, tiến sĩ Sadaf Farooqi cho rằng nghiên cứu trên mới chỉ thực hiện hoàn toàn trên loài chuột và đột biến này rất hiếm ở người.

Theo Phúc Nguyễn/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/tham-an-beo-phi-cung-do-gen/20210217033257778