Thái úy Tô Hiến Thành với Châu Ái

Tô Hiến Thành là một nhân vật lịch sử lớn sống dưới vương triều Lý (1010 - 1225) được trân trọng và đánh giá cao tài năng và đức độ.

Những cống hiến quan trọng của ông dưới hai đời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) và Lý Cao Tông (1176 - 1210) được khắng định. Tên tuổi và sự nghiệp của Tô Hiến Thành đã được đánh giá rất cao trong các bộ chính sử thời phong kiến như 'Đại việt sử ký toàn thư', đặc biệt là bộ 'Lịch triều hiến chương loại chí' của nhà sử học Phan Huy Chú với những lời bàn xác đáng: “Người phò tá có công lao tài đức”. Còn trong tâm thức của nhân dân, đặc biệt trong đó có vùng đất xứ Thanh, Tô Hiến Thành đã trở thành vị Phúc Thần của nhiều làng xã, khiến ông mãi mãi gắn bó với người dân vùng này suốt gần 1000 năm qua.

Trong bài viết này, thông qua các nguồn tư liệu từ truyền thuyết, đến thực địa, chúng tôi muốn góp một vài khía cạnh, cung cấp thêm một mảng màu mới về cuộc đời của Tô Hiến Thành trước sự ngưỡng mộ và mối tình cảm ưu ái mà nhân dân Thanh Hóa đã dành cho ông ở phương diện tín ngưỡng.

Một vài sử liệu về Tô Hiến Thành

Hầu như các tài liệu trong chính sử hiện có đều thống nhất ghi chép về cuộc đời và sự nghiệp của Tô Hiến Thành bắt đầu từ khi ông tham gia dự triều chính đó là: Đầu đời Lý Anh Tông giữ chức Thái Phó, dự coi việc binh. Năm Đại Định thứ 2 (1141) có người thầy bói là Thân Lợi làm phản tiếm xưng Nam Bình Vương, bị Đỗ Anh Vũ đánh thua, chạy lên Lạng Châu, ông mang quân đuổi theo, bắt Lợi cho vào cũi đưa vào kinh sư. Năm thứ 20 (1159), Ngưu Hống và Ai Lao làm phản, ông vâng mệnh đi đánh bắt được người, ngựa, trâu, voi, vàng bạc châu báu rất nhiều, có công thăng Thái úy. Năm thứ 21 ông đi tuyển dân đinh hạng khỏe sung vào quân ngũ; năm thứ 22 (1164) ông làm Đô tướng, lĩnh hai vạn binh đi tuần miền tây nam và các nơi ven biển để giữ yên trấn áp các vùng biên giới và ven biển. Vua thân tiễn đến cửa Đại An (nay thuộc tỉnh Nam Định) mới về.

Năm Chính Long bảo ứng thứ 5 (1167), ông đánh Chiêm Thành, người Chiêm xin hòa, ông mới đem quân về. Bấy giờ Đỗ Anh Vũ đã chết, ông đương việc nước, cầm chính quyền rèn binh kén tướng, giảng trận pháp, bắt tập cỡi ngựa bắn cung, việc quân đội, việc biên phòng nhất nhất được chấn chỉnh. Năm Thiên Cảm Chế bảo thứ 2 (1175) Thái tử Long Trát được phong làm Đông Cung thái tử, ông được phong chức Nhập nội kiểm hiệu Thái phó bình chương quân quốc trong sự, tước vương, giúp đỡ Đông Cung. Lý Anh Tông trước khi mất có di chiếu lại dặn ông giúp Thái tử, mọi công việc quốc gia đều giao cho ông xử đoán. Bấy giờ Hoàng hậu và Hoàng Thái hậu đều muốn bỏ Long Trát, lập Long Xưởng, sợ Hiến Thành không nghe, mới đem vàng bạc đút cho vợ Tô Hiến Thành là Lữ Thị. Hiến Thành nói “Ta là đại thần nhân mệnh tiên đế giúp vua bé, nay lấy của đút mà làm việc phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở suối vàng? “Sau đó Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ giành trăm cách nhưng ông vẫn không chịu, việc bèn thôi. Đến khi Long Trát lên ngôi (tức Lý Cao Tông) phong Hiến Thành làm Thái úy coi giữ việc cấm binh. Ông nghiêm hiệu lệnh, rõ thưởng phạt, người trong nước đều mến phục.

Năm Trịnh Phù thứ 4 (1179) ông bị bệnh, trước khi mất còn tiến cử được người hiền để thay công việc của mình. Khi Tô Hiến Thành mất, vua giảm bữa ăn ba ngày, nghỉ chầu sáu hôm (Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí, sđd, tr 183). Bàn về công đức của Tô Hiến Thành, nhà sử học Phan Huy Chú viết: Ông là quan đầu triều, nhận trọng trách, hết lòng hết sức, khéo xử trong khi biến cố, dù sóng đánh đập lay chuyển mà cột đá vẫn trơ trơ không dời, cuối cùng khiến cho trên yên, dưới thuận, thực không thẹn với phong thể bậc đại thần xưa.

Hành trạng, công trạng của Tô Hiến Thành đã được khẳng định trong chính sử. Còn những vấn đề khác như năm sinh của ông cũng như công nhận nguồn gốc xuất thân của ông chưa được làm sáng tỏ. Trở lại vấn đề này, chúng tôi đã tiến hành một cuộc hành hương về vùng đất Cẩm Đới - nơi có đền thờ ông - còn gọi là Chính từ. Tại đây chúng tôi đã bắt gặp một bản thần tích về Chính từ cùng những câu chuyện truyền thuyết trong ký ức dân gian về Tô Hiến Thành còn lưu truyền đến ngày nay.

Ở bản thần tích này, những sự kiện vừa mang tính lịch sử, cụ thể, vừa chứa đựng những yếu tố của huyền thoại: Vào gần cuối triều Lý ở phường Thái Hòa, thành Thăng long có ông Tô Hiến Tín thi đỗ khoa Hiền lương, được bổ nhiệm làm quan ở huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay). Khi đến nhậm chức, ông thấy đất Cẩm Đới (tức làng Chánh Lộc thuộc xã Hà Giang, huyện Hà Trung ngày nay) núi sông xinh đẹp, đã truyền lệnh cho binh sĩ cùng với nhân dân xây dựng khu nhà ở của quan viên trên đất làng Cẩm Đới. Đây vốn là đất cổ với tên gọi ban đầu là Kẻ Đản, sau đó trở thành một trung tâm hành chính quan trọng hồi đó.

Khi vào nhậm chức ở Tống Sơn, ông có mang theo vợ, là Lê Thị Vi Tố. Bà là người đức hạnh, làm được nhiều điều phúc trong thời gian ở nơi đất mới được nhân dân trong vùng mến phục. Và cũng tại đây bà đã sinh ra Tô Hiến Thành - một cậu bé có diện mạo khôi ngô, dáng điệu phong nhã, thân hình chắc khỏe giống như tiên đồng trong mộng. Truyền thuyết và thần tích đền “Chính từ” ở làng Cẩm Đới xác nhận thêm: “Cha Tô Hiến Thành làm quan nhà Lý, được cử vào vùng đất Tống Sơn. Tại đất làng Cẩm Đới (Hà Giang - Hà Trung ngày nay) cha mẹ Tô Hiến Thành chọn làm nơi ở và sinh ra ông” và quãng đời niên thiếu ông sống ở đây.

Truyền thuyết lưu truyền trong dân gian nói khá kỹ về mặt này, đó là: Tô Hiến Tín đi thuyền vào cửa biển Thần Đầu (nay thuộc hai huyện Hà Trung và Nga Sơn) theo dòng sông Hoạt, ngược lên vùng đất này là xã Hà Giang, đóng bản doanh ở Kẻ Đởn (sau Kẻ Đởn đổi tên qua các tên Bái Đản, Cẩm Đới, Ngọc Đới rồi Chánh Lộc) nơi được xem là vùng đất sôi động, tấp nập trên bến dưới thuyền mà sau này địa danh bến thuyền Tô Hiến Tín dừng chân được gọi với một cái tên khác: Bến Đình. Và cũng chính chỗ gần Bến Đình này là nhà ở của Tô Hiến Tín, về sau đã sinh ra Tô Hiến Thành.

Chắt lọc những điều cốt lõi trong bản thần tích nêu trên của bộ Lễ triều vua Anh Tông do Nguyễn Bính phụng soạn vào năm 1572 cùng với những truyền thuyết xung quanh cuộc đời của Tô Hiến Thành còn lưu truyền, ít nhiều cho chúng ta biết thêm: Tô Hiến Thành có cha là Tô Hiến Tín làm quan dưới triều Lý, mẹ tên là Lê Thị Vi Tố - một người đức hạnh; Vùng đất Kẻ Đản (nơi ông được sinh ra và sống quãng đời niên thiếu ở đây cho đến trước khi ra làm quan ở đất Thăng Long).

Trong tâm thức nhân dân

Kể từ khi Tô Hiến Thành lâm bệnh và qua đời vào năm 1179 đã gần một ngàn năm trôi qua, biết bao đổi thay của lịch sử, vận nước cũng qua bao binh biến, song những dấu ấn của Tô Hiến Thành đối với vùng đất Thanh Hóa vẫn còn in đậm qua các công trình tín ngưỡng. Ông đã được tôn thờ qua 72 cơ sở thờ tự (đình, đền) ở khắp các làng xã trong tỉnh Thanh Hóa, trong đó huyện Hà Trung là nhiều nhất với 49 đền thờ sau đến Tống Quốc Sư 37 nơi, Cao Sơn Tôn Thần: 26 nơi thờ.

Đền thờ Tô Hiến Thành có ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Bản thần tích ở đền “Chính từ” còn chép ông là người có đức nghiệp lớn: ông coi dân như con. Mấy năm liền hai huyện Tống Sơn và Nga Sơn mất mùa, Tô Hiến Thành tâu lên vua xin cho bốn tổng thuộc huyện Tống Sơn và 50 làng thuộc huyện Nga Sơn được miễn thuế, khỏi phiêu tán.

Còn mỗi lần về quê, Tô Hiến Thành thường đi thăm hỏi nhân dân và khuyên bảo mọi người lấy nhân nghĩa để thu phục lòng người, sống thuận hòa để vun đắp tình làng xóm, thương yêu nhường nhịn lẫn nhau, tất cả mọi người dân trong vùng đều trọng ông như cha. Vì cảm công đức ấy nên nhân dân khắp nơi tự lập đền thờ để thờ sống ông và đó cũng là đền thờ ông sau khi ông hóa thần. Trong những nơi thờ ấy thì đền thờ ở làng Cẩm Đới được ông chọn làm “Đệ nhất chính từ”, lấy Bồ Hòn (Gia Miêu) làm Đệ nhị chính từ, lấy Thanh Đớn (xã Hà Thanh) làm Đệ tam chính từ. Ngoài ra còn có các thôn ấp khác như Bồ Xuyên, An Thành, Đức Chiêm, Đồng Truyền ở Thạch Thành, Thạch Lỗi, An Lỗi... ở Nga Sơn có đền thờ vọng ông. Sau này Đền thờ Tô Hiến Thành ở các làng xã lại được phối thờ nhân vật Tống Quốc Sư (Tống Công Liêu).

Nếu như Tô Hiến Thành là nhân vật lịch sử sáng ngời trong quốc sử thì Tống Quốc Sư (còn gọi là Tống Công Liêu) là nhân vật truyền thuyết, dã sử lấp lánh màu huyền thoại. Tống Quốc Sư được thờ tại vùng đông - bắc Thanh Hóa, các huyện Nga Sơn, Thạch Thành, Yên Định, riêng Hà Trung chiếm 37 nơi. Cùng Tô Hiến Thành, Tống Quốc Sư trải qua nhiều trăm năm vẫn sống trong lòng người Hà Trung. Tống Quốc Sư sinh thời là một thần y. Ông cũng là một vị thánh địa lý phong thủy tài năng làm khuất lấp các tên tuổi Cao Biền, Tả Ao. Tống Quốc Sư có công chữa bệnh, cứu người và giúp dân “tìm đất đặt làng”, chọn đất để mả cho người chết và đất để ở cho người sống. Vì thế ông được tôn vinh quốc sư, tôn thờ là bậc thượng đẳng tối linh. Nhiều đến mức ở Hà Trung thờ Tống Quốc Sư chung với Tô Hiến Thành và lưu truyền câu chuyện Thánh Tống cùng Thánh Tô kết nghĩa anh em hiển linh bảo quốc hộ dân.

Hiện tượng thờ Tống Quốc Sư chung với Tô Hiến Thành được xem là một nét độc đáo phảng phất sự đan xen giữa tín ngưỡng dân gian với đạo giáo trong đời sống tín ngưỡng của người Hà Trung xưa vậy.

Một vài nhận xét

Tô Hiến Thành là một nhân vật lịch sử được trân trọng và đánh giá cao bởi tài năng, đức độ và những cống hiến quan trọng của ông đối với đất nước. Thân thế và sự nghiệp của Tô Hiến Thành đã được chính sử ghi chép. Nhưng với một nhân vật có một tầm cỡ như vậy nhưng trong chính sử không có một dòng nào ghi chép về cha mẹ ông, quê quán, nơi sinh ra ông một cách cụ thể mà ngày nay chúng ta chỉ biết ông được sinh ra ở đất làng Cẩm Đới, Thanh Hóa - nơi cha ông đã làm quan ở đó qua những trang thần tích. Khoảng trống ấy đang cần những người làm công tác Sử học phải từng bước lấp dần.

So với những nhân vật lịch sử cùng thời như Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Lê Phụng Hiểu, Lê Bá Ngọc, Lý Kính Tu thì Tô Hiến Thành là người được nhân dân thờ phụng ở nhiều nơi nhất. Điều đó khẳng định lòng ngưỡng mộ của nhân dân Thanh Hóa đã dành cho Tô Hiến Thành một tình cảm ưu ái đặc biệt. Như thế dấu ấn của ông đối với miền đất Thanh Hóa là sâu đậm.

Ở đây có một vấn đề đặt ra là: Một người có tiếng và tài giỏi như Lý Thường Kiệt - người có nhiều kỷ niệm gắn bó với vùng đất Thanh Hóa với 19 năm làm Tổng trấn, có nhiều công lao về phát triển kinh tế, xây dựng chùa Phật nhưng lại chỉ có 3 nơi thờ [đền Lý Thường Kiệt vốn là Lương mục đường - nơi ông ở ngày xưa (Hà Trung); thờ Hậu trong chùa Sùng Nghiêm (Hậu Lộc) và một đền thờ nhỏ ở xã Yên Trung (Yên Định)]. Phải chăng trong tín ngưỡng dân gian thì việc thờ tự các vị thần ngoài sự thể hiện truyền thống “chuộng dũng cảm” và “không quên gốc”, còn là sự biểu hiện về tư tưởng với ước muốn sinh sôi nảy nở và phát triển lâu dài đối với đời sống của mỗi con người cũng như cộng đồng, điều này ở Lý Thường Kiệt lại không có được, bởi ông là một “hoạn quan”. Chính vì lẽ đó mà Lý Thường Kiệt ít được người dân tôn thờ làm Phúc thần của làng, cho dù cống hiến của ông đối với lịch sử dân tộc là rất lớn.

TS. Phạm Văn Tuấn (GĐ Trung tâm Bảo tồn DSVH Thanh Hóa

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thai-uy-to-hien-thanh-voi-chau-ai-62340