Thái tử Arab Saudi có bị phế truất?

Hàng chục người đàn ông bước ra sau buổi lễ cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo và đổ ra đường, tiến thẳng tới khu chợ rau nơi mà người nông dân Saleh Othman al-Haqbani đang bày bán hành đằng sau chiếc xe bán tải của mình.

Những tấm biển hiệu ủng hộ Thái tử Salman chạy dọc tuyến đường ở thủ đô Riyadh (Nguồn: AP).

Dư chấn từ vụ ám sát nhà báo

Rashid al-Awadin bước tới, và hai người đàn ông này chào nhau theo tục lệ địa phương của vùng nông thôn cách thủ đô Riyadh của Arab Saudi khoảng 70 dặm về phía Nam. “Cuộc sống ở đây rất tốt bởi Thái tử của chúng tôi luôn cố gắng vì chúng tôi, giúp cuộc sống ngày một tốt hơn” - ông Awadin, cựu binh 50 tuổi nói - “Tôi ủng hộ ông ấy, và không gì có thể thay đổi điều đó”.

Trong nhiều tuần qua, vụ ám sát - và có khả năng là cả chặt xác - nhà báo Jamal Khashoggi, trong vụ việc mà Chính phủ Arab Saudi cho là một vụ giết người được lên kế hoạch từ trước bởi các đặc vụ của nước này, đã vấp phải làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Nhiều người ngờ rằng Thái tử Mohammad bin Salman có dính líu tới âm mưu ám sát này bởi ông Khashoggi là người chỉ trích mạnh mẽ ông.

Thế nhưng ở vùng nông thôn cách xa những thành phố lớn của Arab Saudi, người dân ở khu chợ al-Diyrra, thị trấn Ad Dilam, nói rằng vụ việc trên là một thảm kịch, nhưng không ảnh hưởng tới cuộc sống thường nhật của họ. Phần lớn người dân nói rằng họ biết về vụ việc, thậm chí có người nói không biết. Và mọi người đều nói rằng Thái tử Salman không liên quan tới vụ việc.

“Chả ai tin thứ vớ vẩn đó cả” - ông Haqbani, người bán hành 51 tuổi, nói - “Nếu ông ấy muốn thủ tiêu ai đó, ông ấy sẽ mang người đó về nước. Nhưng ông ấy vĩ đại hơn thế nhiều, và cũng thông minh nữa”.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ có trong tay đoạn thu âm chứng minh rằng ông Khashoggi bị sát hại và chặt xác. Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng vụ sát hại xảy ra vào ngày 2/10 ngay bên trong Tòa lãnh sự Arab Saudi ở thành phố Istanbul. Nhà báo Khashoggi- một cây viết của tờ The Washington Post - đã tới Tòa lãnh sự để lấy giấy tờ đăng ký kết hôn. Chính quyền Arab Saudi sau đó đã bắt giữ 18 nghi phạm và sa thải 5 quan chức, trong đó có 2 quan chức thân cận với Thái tử Salman.

“Có thể nhà báo nọ bị đột quỵ”- ông Obili, một người dân khác ở khu chợ al-Diyrra, nói - “Tôi không nghĩ Thái tử lại bỏ công việc quan trọng của mình để chỉ thị giết hại một người đàn ông”.

Viễn cảnh khó xảy ra

Trong bối cảnh khủng hoảng bủa vây Arab Saudi vì vụ bê bối kể trên, nhiều nhà phê bình nước ngoài cho rằng Mohammad bin Salman không còn đủ tư cách đạo đức để làm Thái tử và nên bị Quốc vương Salman phế truất. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận cho rằng việc phế truất Thái tử Salman là điều khó xảy ra, thêm rằng phần lớn người dân Arab Saudi mong muốn sự ổn định hơn là sự bất ổn có thể xảy ra sau khi Thái tử bị phế truất.

Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên, đang làm việc ở Riyadh, nói với tờ The Washington Post rằng ông không thấy có làn sóng nào kêu gọi việc phế truất Thái tử, và rằng chính quyền Riyadh đang cố gắng chống lại sức ép từ cộng đồng quốc tế trong vụ Khashoggi. Điều này đặc biệt chính xác ở các khu vực nông thôn, nơi mà sự ủng hộ của người dân đối với gia đình hoàng tộc vẫn mạnh mẽ.

“Gần như mọi người ở đây đều nói rằng: “Ai sẽ thay thế Thái tử Salman và tiếp tục thực hiện các cuộc cải cách kinh tế?”. Nói thực thì nỗi lo này hoàn toàn có lý do, bởi việc phế truất sẽ mang tới khoảng trống quyền lực và sự hỗn loạn” - nhà ngoại giao giấu tên cho hay.

Trở lại khu chợ rau al-Diyrra, sự ủng hộ Thái tử Salman vẫn rất mạnh mẽ. Phần lớn người dân đều chỉ vào những con đường bê tông mới được xây dựng, nói rằng đó là công trình mà Thái tử tạo nên thông qua các chương trình cải cách mới. Mọi người đều tỏ rõ lòng biết ơn đối với các chương trình cải cách kinh tế-xã hội mà Thái tử đang thực hiện - nằm trong kế hoạch tổng thể có tên “Vision 2030”.

Bên ngoài thị trấn này là một tấm biển lớn có in ảnh Thái tử và Quốc vương, cùng dòng chữ cảm ơn vì các nỗ lực hiện đại hóa xã hội Arab Saudi và đa dạng hóa nền kinh tế nước nhà, tránh phụ thuộc vào dầu mỏ.

Ông Abdullah, như bao người khác ở Ad Dilam, ủng hộ mạnh mẽ Thái tử Salman (Nguồn: WashingtonPost).

Sự ủng hộ mạnh mẽ

Trong nhiều cuộc phỏng vấn mà báo giới phương Tây thực hiện ở Riyadh trong những tuần gần đây, người dân thủ đô vẫn hoan nghênh các bước đi đột phá của Thái tử Salman trong việc hợp pháp hóa các rạp chiếu bóng sau hàng chục năm cấm đoán, cùng nhiều trung tâm giải trí khác... cho phụ nữ gia nhập lực lượng lao động, cho phép phụ nữ lái xe, tước bỏ quyền lực của lực lượng cảnh sát tôn giáo...

Còn người dân ở thị trấn Ad Dilam thì chỉ ra những lợi ích nhãn tiền hơn: Những con đường bê tông, một trường học mới, một trung tâm mua sắm mới, nguồn ngân sách phát triển mới. Người dân ở đây tin rằng những thứ mà họ trông thấy ở đây có ảnh hưởng tới cuộc sống của họ hơn là một vụ ám sát nhà báo ở tận đất nước Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi.

“Chúng tôi là một đất nước thông thái, và chúng tôi biết về thế giới bên ngoài” - ông Obili nói - “Điều đã xảy ra với ông Khashoggi thật là kinh khủng và đi ngược lại đạo Hồi. Nhưng Thái tử của chúng tôi không làm điều đó. Chúng tôi tin tưởng ông ấy, và tin vào sự thay đổi mà ông ấy mang tới”.

Xung quanh khu chợ, những người đàn ông trong áo choàng trắng và khăn che đầu đỏ-trắng lựa chọn cà chua, ớt chuông, dưa và bí để chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. Theo truyền thống và văn hóa đặc trưng, không có người phụ nữ nào xuất hiện trong chợ. Abdullah, ngồi trên chiếc thảm đỏ gần chiếc xe bán tải của mình, trước mặt ông là một đống trầm hương bày bán.

“Thái tử đang làm mọi thứ tốt hơn. Tôi biết ơn về mọi thứ mà ông ấy làm”- Abdullah nói. Khi được hỏi về hội thảo đầu tư mang tên “Davos trên sa mạc” mà Thái tử Salman tổ chức mới đây, người đàn ông này trả lời: “Ông ấy nói rằng chúng tôi sẽ trở thành một châu Âu mới, và đó là điều mà tất cả chúng tôi đều ủng hộ”.

“Arab Saudi và nước Mỹ đã là đồng minh của nhau kể từ thời Roosevelt”- Abdullah nói - “Chúng tôi và người Mỹ đều giống nhau. Chúng tôi đều chống lại chủ nghĩa khủng bố. Chúng tôi là những người ưa chuộng hòa bình”.

Khi được hỏi về vụ Khashoggi, ông Abdullah nói: “Chúng tôi ủng hộ đất nước, ủng hộ Quốc vương và Thái tử”.

Vào thời điểm khu chợ dần vãn người, những người đàn ông bắt đầu trở về nhà với một túi đầy rau củ, Mohsin Mohammed al-Mohsin, 26 tuổi, ngồi gần chiếc xe bán tải hiệu Toyota ở lối vào khu chợ. “Ông Khashoggi bị chết là do tai nạn thôi. Chúng tôi không tin vào truyền thông. Truyền thông lúc nào cũng dối trá”- Mohsin nói.

Rất nhiều người dân Arab Sadui ngờ rằng các địch thù của đất nước họ - Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Qatar - bằng cách nào đó có liên quan tới cái chết của nhà báo Khashoggi, dù cho chính quyền Riyadh đã thừa nhận rằng vụ việc này được lên kế hoạch từ trước và thực hiện bởi công dân nước họ.

Mohsin, người mới tốt nghiệp một trường ĐH ở thủ đô Riyadh và đang tìm công việc giáo viên tôn giáo ở một trường công, nói rằng vụ sát hại nhà báo Khashoggi cũng khiến anh “quan ngại” bởi hành động này đi ngược lại đạo Hồi. Nhưng cũng giống như nhiều người khác, Mohsin nói rằng ngay cả khi Thái tử Salman được chứng minh có liên quan tới vụ việc, sự ủng hộ của anh với Thái tử là không thay đổi.

“Dù thế nào đi chăng nữa thì người ta không nên bất tuân lãnh đạo của họ” - Mohsin nói - “Có câu nói trong đạo Hồi như thế này: “Sống kiên nhẫn với một nhà lãnh đạo bất công trong 50 năm còn tốt hơn là sống mà không có nhà lãnh đạo trong một ngày”.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/thai-tu-arab-saudi-co-bi-phe-truat-tintuc421742