Thái Quý - từ thành viên lứa Thường Châu tới vô danh ở V.League

Khi đồng đội cùng lứa đã gặt hái vô số vinh quang, Trương Văn Thái Quý vẫn là người vô danh, vô danh đến nỗi ít người nhớ rằng anh cũng là một thành viên của lứa Thường Châu.

Nguyễn Quang Hải không phải ngôi sao lớn nhất trong trận chung kết Cúp Quốc gia hôm 20/9 dù anh là người ghi bàn thắng quyết định. Ở một góc khác, xa ánh đèn sân khấu hơn, người đó là Trương Văn Thái Quý.

Anh là người ghi bàn quân bình tỷ số. Anh cũng là người trực tiếp kiến tạo cho Quang Hải ấn định chiến thắng. Dù vậy, khi tiếng còi khép lại trận đấu vang lên, Thái Quý lại là người “vô danh”, như vẫn vậy suốt 2 năm qua.

Người hùng vô danh giữa dàn tuyển thủ

Trước khi Thái Quý vào sân, không nhiều dấu hiệu cho thấy CLB Hà Nội sẽ đánh bại Viettel.

Hậu duệ Thể Công đã chơi một trận đấu gần như hoàn hảo với đỉnh cao là bàn thắng của Trần Ngọc Sơn. Họ chấp nhận phòng ngự, chấp nhận nhường thế trận, không ngần ngại phạm lỗi, thậm chí chơi tiểu xảo để đạt được mục đích. Trước khi Thái Quý vào sân, CLB Viettel có số cơ hội không kém Hà Nội, có thế trận ngang ngửa với đối thủ và đã đạt được mục đích là bàn thắng mở tỷ số.

Mọi thứ chỉ thay đổi khi cầu thủ mang áo số 74 vào sân.

Phút 82, Thái Quý ghi bàn sau một tình huống dứt điểm bóng sống cực nhanh khiến Nguyên Mạnh chỉ còn biết đứng nhìn. Phút 89, tiếp tục là anh tranh chấp bóng thành công với trung vệ to cao Quế Ngọc Hải, chuyền ngược lại cho Quang Hải volley ấn định thắng lợi. CLB Hà Nội thậm chí có thể thắng sớm hơn nếu đồng đội tận dụng được đường tạt bóng rất tốt của Thái Quý ở phút 87.

Trong bầu không khí rực lửa tại Hàng Đẫy, giữa cả chục đương kim tuyển thủ quốc gia, Thái Quý đúng là một ngôi sao “vô danh”. Dù thực tế, anh là thành viên của thế hệ thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, một trong 23 người hùng U23 Việt Nam tại giải châu Á 2018.

Tiếc rằng trong thế hệ đó, Thái Quý là người thiếu may mắn.

Hai năm sau kỳ tích, Thái Quý là cựu binh U23 Việt Nam hiếm hoi không có suất đá chính ở CLB chủ quản, chưa có một sự nghiệp thành công tại V.League. Đó thực sự là một điều kỳ lạ nếu biết rằng trong thế hệ này, những cầu thủ dự bị như Phạm Xuân Mạnh, Lê Văn Đại... đều đã tìm được chỗ đứng cho riêng mình, đều là trụ cột ở CLB của họ.

So với những người đó, Thái Quý không thiếu tài năng. Vì sao anh vẫn lận đận?

 Không như hầu hết đồng đội trưởng thành từ lò Hà Nội, Thái Quý (phải) vốn là người của PVF. Ảnh: Minh Chiến.

Không như hầu hết đồng đội trưởng thành từ lò Hà Nội, Thái Quý (phải) vốn là người của PVF. Ảnh: Minh Chiến.

Chuyện của Thái Quý, chuyện của PVF

2019 là năm bận rộn bậc nhất của CLB Hà Nội. Nhưng năm ấy, Thái Quý chỉ đá chính 7 trận V.League, ít hơn số trận mà Bùi Hoàng Việt Anh có được sau nửa mùa giải đầu tiên.

Khác với Việt Anh, vốn trưởng thành từ CLB Hà Nội, Thái Quý là người của Quỹ Đầu tư và Phát triển Tài năng Bóng đá Việt Nam (PVF).

Tháng 12/2016, PVF xuất khẩu lứa cầu thủ đầu tiên tới các CLB V.League. 4 người gia nhập CLB Hà Nội là Minh Dĩ, Thái Quý, Nguyễn Vũ Tín và Lê Thành Phong. Đó là một nỗ lực trong chiến lược dài hạn của PVF, trung tâm vốn được thành lập với mục tiêu cung cấp cầu thủ cho V.League và các đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, không một ai trong số họ có được suất đá chính ở đội bóng thủ đô. Thái Quý, Minh Dĩ thỉnh thoảng mới được vào sân, còn Vũ Tín, Thành Phong không trụ lại được đội bóng.

Trên bình diện V.League nói chung, số lượng cầu thủ từ PVF có được suất đá chính cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Những cầu thủ PVF không hề thiếu tài năng. Minh Dĩ là một trong những người hùng của U20 Việt Nam đi World Cup trẻ, Thái Quý là thành viên của thế hệ Thường Châu, Hà Đức Chinh là tiền đạo được thầy Park cưng chiều. Nếu được tạo điều kiện thi đấu, những cầu thủ PVF hoàn toàn có thể sánh ngang đồng nghiệp từ lò đào tạo khác. Thành tích của PVF ở các cấp độ bóng đá trẻ là minh chứng cho điều đó.

Nhưng càng lên cao, các cầu thủ PVF càng hụt hơi. Ở những cấp độ bóng đá cao hơn, việc được thi đấu, cạnh tranh liên tục là điều kiện quyết định sự tiến bộ của cầu thủ. Các tài năng trẻ của PVF không có nhiều điều đó. So với 4 trung tâm đào tạo khác là CLB Viettel, Hà Nội, HAGL và SLNA, PVF là lò đào tạo duy nhất không có đội tham dự V.League. Ít được thi đấu, ít cơ hội cạnh tranh ở đẳng cấp cao, cầu thủ PVF không thể chuyển hóa tiềm năng của mình thành những thành tựu sân cỏ.

Phố Hiến lỡ vé thăng hạng V.League mùa trước sau trận thua CLB Thanh Hóa. Ảnh: Minh Chiến.

Đa số cầu thủ PVF chật vật trong cuộc cạnh tranh tại các CLB V.League. Hãy hiểu cho hoàn cảnh của họ và cả đội bóng chủ quản. Dù đã ở đây nhiều năm, Thái Quý hay Minh Dĩ vẫn chỉ là những đứa “con nuôi”. Họ không tới từ lò đào tạo Hà Nội và do đó, không nhận được những ưu ái cần thiết. CLB Hà Nội dư người tới mức Quang Hải, Phạm Đức Huy còn phải “du học” trước khi lên đội một.

Nhiều người tin rằng nếu gia nhập một đội bóng khác, Thái Quý sẽ được trao nhiều cơ hội hơn, thậm chí sẽ đá chính. Bằng chứng là 3 trong số 4 cầu thủ PVF gia nhập Đà Nẵng hồi năm 2016 đều đang đá chính. Ngoài Đức Chinh, hai người còn lại là Bùi Tiến Dụng và Đỗ Thanh Thịnh.

PVF có lẽ cũng hiểu vấn đề của mình. Những năm đầu thành lập, lò đào tạo này không đặt nặng chuyện lên V.League. Nhưng vài năm trở lại đây, quan điểm của họ đã thay đổi, biểu hiện qua quyết tâm của CLB Phố Hiến. Đúng như HLV Philippe Troussier, GĐKT PVF từng chia sẻ, điều cầu thủ trẻ cần nhất là được chơi bóng. Năm ngoái, Phố Hiến đã suýt làm được điều đó khi thua Thanh Hóa ở trận play-off.

Vì Phố Hiến chưa thể lên V.League, những đứa con của lò đào tạo này vẫn phải vật lộn ở những CLB khác, như Thái Quý, như Minh Dĩ hay mới nhất là Võ Nguyên Hoàng, người đã gia nhập đội đầu bảng CLB Sài Gòn.

Highlights chung kết Cúp Quốc gia: CLB Viettel 1-2 CLB Hà Nội Thái Quý và Quang Hải lần lượt ghi bàn giúp CLB Hà Nội lội ngược dòng trước đội Viettel ở trận chung kết Cúp Quốc gia tối 20/9.

Thanh Hà

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-nam-sau-ky-tich-thuong-chau-thai-quy-van-vo-danh-post1133968.html