Thai phụ, trẻ em ồ ạt nhập viện vì bệnh sởi

Không chỉ trẻ em mà nhiều thai phụ ở phía Nam cũng phải nhập viện điều trị bệnh sởi trong thời gian qua. Dự báo số lượng bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng cao trong những ngày tới.

Nhiều ca bệnh nặng

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), số ca mắc bệnh sởi trong những ngày qua có chiều hướng gia tăng. Tại khoa Nhiễm của bệnh viện đang có 5 ca mắc sởi nặng, bị viêm phổi đang phải thở máy.

Chị Hường là mẹ của một bệnh nhi 2 tuổi đang được điều trị tại đây cho biết: Con của chị bị sốt, khi đưa đi khám thì bác sĩ nói có thể là sốt siêu vi, đưa về nhà rồi tái khám. 2 ngày sau, chị đưa con tái khám thì bác sĩ nói bị sốt siêu vi vì lúc đó chưa có biểu hiện gì hết. Sau đó thì bé bắt đầu xuất hiện những hạt nhỏ trên mặt, đi kiểm tra máu thì bác sĩ chẩn đoán bé bị sởi.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hiện khoa có 61 ca sởi. Bệnh nhi nhập viện phần lớn là ở các tỉnh ngoài TP.HCM, chiếm 70% tổng số các bệnh nhi điều trị nội trú. Trong đó, đáng lo ngại nhất là các trẻ nhỏ tuổi, có bệnh sẵn như tim bẩm sinh, phổi mạn tính khiến cho tình trạng bệnh tiến triển nhanh và kéo dài.

Số lượng trẻ bị sởi nhập viện tại TP.HCM gia tăng trong những ngày qua

Tại khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) hiện mỗi ngày điều trị trung bình cho gần 40 ca mắc sởi. Trong đó, có khoảng 5 - 7 ca phải chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ chỉ chỉ định nhập viện những trường hợp đã mắc biến chứng, số ca nhẹ đã được hướng dẫn và chăm sóc tại nhà khi trường hợp cấp bách mới đưa vào tái khám và điều trị tại bệnh viện.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, số lượng bệnh nhân là người lớn "dính" sởi nhập viện cũng gia tăng. Theo thống kê, so với đầu năm 2018 thì số bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến trong những ngày đầu năm 2019. Hiện nay, mỗi ngày có 65 – 70 trường hợp đến khám và điều trị sởi tại bệnh viện.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết, đáng lưu ý là trong số những người mắc bệnh sởi có nhiều bệnh nhân là thai phụ đã có nhiều biến chứng. Đã xuất hiện những trường hợp thai phụ mắc sởi bị thai lưu, sinh non. Các bé sinh non đã được chăm sóc tại các bệnh viện phụ sản, còn riêng các thai phụ thì vẫn được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.

Cần chủ động phòng ngừa

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy, chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2019, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận sự gia tăng mạnh về cả 3 loại dịch bệnh ở trẻ là sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi. Trong đó, trong tuần đầu tiên của năm 2019, trên địa bàn thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào. Hiện tại, tất cả các quận/huyện trên địa bàn đều phát hiện ca bệnh sợi; trong đó nhiều nhất là quận 8, 12, Thủ Đức và Bình Tân.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa cho rằng, khi mắc sởi thì không nhất thiết tất cả các bệnh nhân phải nhập viện, các bệnh nhân có thể đến khám tại các cơ sở y tế quận, huyện… Chỉ nên nhập viện đối với những cơ địa đặc biệt có nguy cơ biến chứng như những phụ nữ có thai, hoặc những trẻ em mà có biến chứng viêm tai giữa, hay viêm phổi. Còn những trường hợp khác có thể điều trị cách ly tại nhà.

Theo bác sĩ Hoa, chị em phụ nữ đến tuổi nên tiêm ngừa sởi chứ không phải chờ đến lúc gần mang thai. Chỉ cần tiêm trước 3 tháng khi mang thai thì đảm bảo sẽ tạo được miễn dịch.

Nhiều thai phụ mắc sởi cũng phải nhập viện điều trị

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 nhấn mạnh, để ngăn ngừa bệnh sởi thì cách tốt nhất là tiêm phòng vaccine. Cũng theo bác sĩ Khanh, đa số em bé mắc sởi đều là những trẻ chưa được tiêm ngừa, hoặc chích ngừa chưa đủ mũi.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên lưu ý những dấu hiệu để phát hiện bệnh sởi. Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7 đến 21 ngày, sau đó có thể có các triệu chứng như: Sốt cao trên 39°C, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, chảy nước mắt, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt… Ban sởi sẽ mọc từ đầu, mặt, cổ rồi xuống lưng, cánh tay...

Khi chăm sóc trẻ, các bậc cha mẹ cần phải đảm bảo cách ly không để nguồn bệnh lây lan và giúp trẻ không bị mắc thêm bệnh lây truyền từ người khác.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/thai-phu-tre-em-o-at-nhap-vien-vi-benh-soi-post54398.html