Thái Nguyên: Vui, buồn trong xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Thái Nguyên đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, bên cạnh những con số ấn tượng, nhiều vấn đề đặt ra từ hiệu quả đầu tư khiến không ít người quan ngại.

Trường học mới được đưa vào sử dụng tại xã Tiên Hội, huyện Đại Từ.

Những con số ấn tượng

Đầu tháng 10 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với những kết quả khá ấn tượng bởi trước khi thực hiện Chương trình này, bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 4,85 tiêu chí, thu nhập bình quân khu vực nông thôn là gần 11 triệu đồng/người.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả nổi bật. Chương trình xây dựng NTM đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc và là chương trình trung tâm bao trùm trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chương trình cũng đã lôi cuốn được người dân tích cực tham gia, tạo thành chương trình rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh Thái Nguyên.

Đến nay, cả tỉnh đã có 91 xã đã đạt 19 tiêu chí, trong đó 88 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Như vậy, về cấp xã, tỉnh đã hoàn thành trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đề ra. Về cấp huyện, có 3/9 đơn vị cấp huyện đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Tỉnh Thái Nguyên là tỉnh được Trung ương đánh giá dẫn đầu trong 14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc về thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Đặc biệt, đến thời điểm hiện nay, các xã trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt 16,5 tiêu chí/1 xã và chỉ tiêu này cũng vượt xa so với các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.

Mặt khác, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đồng bộ và có nét mới, đặc biệt là hệ thống giao thông đã đáp ứng được nhu cầu về sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân, các hạ tầng về đường, điện, trường, trạm, các hạ tầng phục vụ sản xuất, công trình thủy lợi cũng như hệ thống trường học, trạm xã cũng đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Sản xuất nông nghiệp đã nâng thu nhập bình quân của người dân nông thôn lên hơn 38 triệu đồng/người/năm. Đây cũng là mức dẫn đầu trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thậm chí cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội được các địa phương quan tâm. An ninh trật tự được giữ vững tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và đối với phong trào xây dựng NTM.

Những kết quả đạt được chưa tương xứng với đầu tư

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, tỉnh Thái Nguyên cũng nhận định: Quá trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế như: Nông thôn phát triển chưa đồng đều, hiện còn 5 xã đạt dưới 10 tiêu chí, chất lượng một vài tiêu chí ở một số xã đạt chuẩn NTM chưa cao...

Nhìn ở góc độ báo chí, có thể thấy bên cạnh con số ấn tượng còn là những góc khuất ở các vùng nông thôn mà tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục được giải quyết.

Đó là câu chuyện dự án trồng rau sạch tại xã Đồng Liên (huyện Phú Bình trước đây, TP Thái Nguyên hiện nay) không đạt được hiệu quả kinh tế và có dấu hiệu gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Là việc nhà văn hóa liên tổ 23 và 25, phường Hoàng Văn Thụ (TP Thái Nguyên), xây dựng mới từ năm 2011 lại bị người dân quyết định bỏ không, không tiếp nhận sử dụng dù phải đi họp thuê, họp nhờ địa điểm.

Hay như công trình đường bê tông, xây dựng nhà văn hóa xóm Phương Nam 2, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ xây dựng xong thì phát hiện nằm trong vùng được cấp phép khai thác mỏ của doanh nghiệp và dù có cam kết xây dựng lại thì hiển nhiên là đã thấy sự lãng phí không cần thiết đến nhiều tỷ đồng…

Công trình nhà văn hóa xóm Núi Chùa dính nghi án nhà thầu rút ruột công trình đã được đập đi xây lại một số hạng mục gây lãng phí.

Còn trong quá trình xây dựng công trình nhà văn hóa xóm Núi Chùa, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, có tổng diện tích sàn là 209m2 được đầu tư xây dựng theo chương trình NTM do UBND xã Tân Kim làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư công trình là 426 triệu đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, số còn lại do bà con nhân dân trong xóm đóng góp cũng xảy ra vấn đề nhà thầu tự ý thay đổi kết cấu, rút bớt nguyên vật liệu so với bản vẽ thiết kế ban đầu…

Trong khi đó, công trình: Sân vui chơi thể thao, sân tổ chức lễ hội (đây là công trình nằm trong chương trình NTM của xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) khi công trình đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thành hết các hạng mục thì UBND huyện Phú Lương có Thông báo số 72 ngày 05/7/2017 về việc thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án: Khu trung tâm văn hóa thể thao và thương mại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương. Theo đó, diện tích đất thu hồi nằm trong phần diện tích đất mà HTX Tức Tranh đã xây dựng khu vui chơi, sân thể thao và khu vực sân chọi trâu khiến dư luận bức xúc bởi sự lãng phí không hề nhỏ…

Đặc biệt, nhiều chuyên gia khi phân tích Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Thái Nguyên cho thấy toàn tỉnh trong 10 năm đã huy động được một số tiền tương đối lớn thực hiện Chương trình này, lên tới trên 21.357 tỷ đồng, chia đều 139 xã thấy con số đầu tư cho xây dựng NTM tại mỗi xã là không hề nhỏ, trên 150 tỷ đồng/xã.

Căn cứ tỷ suất đầu tư các công trình hạ tầng như: Đường giao thông, nhà văn hóa, chợ, nghĩa trang… các chuyên gia kinh tế cho rằng trên thực tế, những kết quả đạt được là chưa thực sự tương xứng với đầu tư.

Bên cạnh đó, thông tin về hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ các mô hình dự án từ nguồn vốn chương trình xây dựng NTM cũng sẽ được Báo Xây dựng tiếp tục tìm hiểu và thông tin tới bạn đọc.

Thái Nguyên Nhân

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/thai-nguyen-vui-buon-trong-xay-dung-nong-thon-moi.html