Thái Nguyên trồng mới và thay thế giống chè

Thái Nguyên hiện có hơn 21.700 ha chè; trong đó, diện tích chè kinh doanh là hơn 18.000 ha. Đây là cây trồng thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Thái Nguyên).

Do vậy, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư cho phát triển cây chè, đặc biệt là trồng mới và thay thế các loại chè già cỗi, kém chất lượng.

Thực hiện trồng mới và trồng thay thế một số diện tích chè giống cũ, già cỗi kém chất lượng sang trồng các giống chè mới năng suất, chất lượng cao hơn. Hiện nay, bình quân mỗi năm tỉnh Thái Nguyên trồng mới và trồng thay thế bằng giống mới là 1.000 ha. Các giống chè chất lượng cao, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành đưa vào trồng như giống chè LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, TRI777,…

Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho thấy, cơ cấu giống chè tăng về diện tích chè giống mới. Năm 2011, diện tích chè trung du chiếm 65,3%, chè giống mới chỉ chiếm 34,7% tổng diện tích, đến năm 2017 diện tích chè giống mới chiếm 71% đạt 15.480 ha; trong đó, giống chè LDP1 chiếm 70,2%, Kim Tuyên, Thúy Ngọc 12,1%, Phúc Vân Tiên 9%, giống TRI777 7%, các giống chè mới khác 1,7%. Các giống chè LDP1 và các giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên có năng suất, chất lượng cao để làm nguyên liệu chế biến chè xanh cao cấp.

Việc chuyển dịch mạnh mẽ nói trên cơ bản là do năng suất, chất lượng và giá trị của các loại chè giống mới, nhất là năng suất cao hơn hẳn so với giống chè trung du. Trong khi, chè trung du cho năng suất khoảng 70 - 80 tạ/ha thì năng suất trung bình của chè giống mới đạt từ 110 - 130 tạ/ha. Cá biệt chè LDP1 có thể cho năng suất đạt tới 150 - 160 tạ/ha.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Giai đoạn 2017-2020 trồng mới, trồng thay thế 3.200 ha chè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu cao; trong đó, diện tích trồng mới là 700 ha, trồng thay thế 2.500 ha.

Diện tích chè sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao tăng nhanh, chủ yếu áp dụng đối với diện tích chè giống mới có năng suất, chất lượng cao, có điều kiện thâm canh: áp dụng quy trình sản xuất chè an toàn, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, xu hướng tăng sử dụng phân bón hữu cơ (phân chuồng qua xử lý), thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học.

Hiện tại, việc chuyển đổi giống theo hướng ưu tiên thay thế giống chè trung du già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên. Bên cạnh đó, tích cực phục tráng giống chè trung du gắn với bảo tồn vùng chè trung du thuộc chỉ dẫn địa lý “Chè Tân Cương” thành phố Thái Nguyên. Phát triển chè giống mới, nhân giống bằng phương pháp giâm hom chủ yếu ở vùng địa hình thấp, có điều kiện thâm canh; vùng đồi núi cao ưu tiên trồng lại giống chè trung du đã chọn tạo, phục tráng.

Về cơ cấu giống chè, chè trung du chiếm 20% diện tích; các giống mới như: LDP1, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, TRI 777, Bát Tiên, Hương Tích Sơn, Hoa Nhật Kim, Long Vân, PH8, PH10,... chiếm 80% diện tích. Các giống mới này sẽ được tỉnh hỗ trợ 50% giá mua giống, 50% còn lại do cấp huyện bố trí kinh phí hỗ trợ hoặc do người dân tự đóng góp; trong đó, ưu tiên giống để sản xuất chè xanh chất lượng cao.

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2020, diện tích chè của tỉnh đạt 22.000 ha, tỷ lệ diện tích chè giống mới đạt 80%; năng suất chè búp tươi đạt 115 tạ/ha; sản lượng 230.000 tấn; giá trị sản phẩm/ha đất trồng chè bình quân đạt 170 triệu đồng trở lên; giá trị sản xuất chè búp tươi đạt 3.400 tỷ đồng, chiếm 30% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản.

Đi đôi với việc trồng mới và thay thế giống chè, vấn đề chất lượng, an toàn sản phẩm cũng được tỉnh Thái Nguyên chú trọng. Theo đó, 100% diện tích chè trong quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất chè theo hướng hữu cơ và an toàn. Đồng thời, có 30% diện tích sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGAP, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, xác nhận sản phẩm chè an toàn. Mỗi huyện, thành, thị là vùng chè trọng điểm của tỉnh như: thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, huyện Phú Lương, huyện Đồng Hỷ,... xây dựng ít nhất 1 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; sản xuất chè hữu cơ./.

Quân Trang/TTXVN

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/kinh-te/thai-nguyen-trong-moi-va-thay-the-giong-che-487670.html