Thái Nguyên: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng để 'bứt tốc'

Việc phát triển nhanh, mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng tạo ra động lực rất quan trọng để Thái Nguyên bứt tốc phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn vừa qua.

Trong hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt, được ví như mạch máu trong cơ thể sống. Sau nhiều năm được coi là một khâu đột phá để thu hút đầu tư, phát triển KT-XH, hạ tầng giao thông của Thái Nguyên ngày càng phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện các dự án đầu tư công bố trí cho ngành Giao thông đạt trên 1.200 tỷ đồng.

Nhiều dự án quan trọng đã và đang được triển khai như: Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, đường 47m, đường gom nối Khu công nghiệp (KCN) Yên Bình và KCN Điềm Thụy, đường 36m từ nút giao Sông Công vào KCN Sông Công II, đường Hồ Chí Minh, đường Thái Nguyên - Chợ Mới, đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc, cầu Bến Tượng… và nhiều dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến tỉnh lộ, đường nội thị.

Đến nay, toàn tỉnh có gần 5.000km đường bộ tạo thành mạng lưới giao thông rộng khắp, kết nối giao thương trong tỉnh và với các tỉnh, thành lân cận, đưa Thái Nguyên trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư FDI.

 Xây dựng mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Xuân Phương, Huyện Phú Bình. Ảnh: PV.

Xây dựng mương dẫn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên “cánh đồng mẫu lớn” ở xã Xuân Phương, Huyện Phú Bình. Ảnh: PV.

Theo ông Tạ Văn Thuyết, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thái Nguyên, không chỉ hệ thống đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ, hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là tại các địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM) được quan tâm đầu tư với nguồn lực rất lớn.

Từ khi triển khai Chương trình xây dựng NTM đến nay, Thái Nguyên đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được khoảng 2.000km đường giao thông nông thôn; hiện có 104/139 xã đạt tiêu chí giao thông (năm 2011 chỉ có 1 xã), tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn từ 44,5% năm 2016 được nâng lên trên 80%; hàng chục cầu dân sinh tại các địa phương khó khăn cũng đã và đang tiếp tục được xây dựng… Kết quả đó đã góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống mọi mặt của người dân và như chiếc “chìa khóa” để thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM.

Cùng với giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh cũng được xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại là những nhân tố chính giúp kết quả thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp liên tục đạt những mốc đột phá (tăng trưởng bình quân 16,3%/năm trong 5 năm qua, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thái Nguyên năm 2020 ước đạt trên 800 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 4 cả nước, thu hút được 166 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 8,5 tỷ USD).

Các KCN trọng điểm đến nay cơ bản đã có hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Ngoài nguồn lực trực tiếp từ ngân sách, tỉnh đã chỉ đạo triển khai hiệu quả cơ chế vận động nhà đầu tư ứng trước tiền thuê đất một lần để xây dựng hạ tầng một số KCN, điển hình là KCN Điềm Thụy và KCN Sông Công II.

Trong 5 năm qua, kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong các lĩnh vực khác cũng được Thái Nguyên dành nguồn lực đầu tư xứng đáng. Đến nay, Thái Nguyên có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V, tỷ lệ đô thị hóa đạt 32%. Việc huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại - dịch vụ cũng đạt kết quả đáng kể, trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ các nguồn lực xã hội hóa. Hiện tỉnh có 140 chợ, 8 trung tâm thương mại, 32 siêu thị và nhiều dự án lớn về thương mại đang triển khai…

Đến nay, đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội qua địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã thi công được trên 90% khối lượng. Ảnh: PV.

Song song với phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, những năm qua, hệ thống hạ tầng xã hội cũng được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm, nhất là hạ tầng y tế, giáo dục, cung cấp nước sạch phục vụ người dân ở vùng khó khăn. Riêng đối với hạ tầng giáo dục, từ năm 2016 đến nay được đầu tư xây mới Trường THPT Chuyên Thái Nguyên và gần 300 phòng học ở tất cả các cấp, tỉnh đã đầu tư xóa 33 phòng học tạm tại các địa phương vùng khó khăn có ý nghĩa lớn với sự nghiệp giáo dục ở đây.

Cũng nhằm nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn, Thái Nguyên đã đầu tư, xây dựng hoàn thiện cho 28 xóm, bản chưa có điện lưới Quốc gia. Điều đó thể hiện sự nỗ lực, quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân ở những vùng thiệt thòi về điều kiện phát triển, “không để ai bị bỏ lại phía sau”…

Rõ ràng, những thành tựu trong huy động nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng của Thái Nguyên những năm gần đây là rất đáng kể, toàn diện trên các lĩnh vực, thể hiện bước đột phá quan trọng. Qua đó phục vụ đắc lực cho mục tiêu phát triển chung, nhất là góp phần nâng cao đời sống của người dân.

PV

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thai-nguyen-tap-trung-phat-trien-ket-cau-ha-tang-de-but-toc-d274895.html