Thái Nguyên tăng cường lãnh đạo đối với tín dụng chính sách xã hội

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 22-11-2014) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Thái Nguyên đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực công tác này.

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Hóa (Thái Nguyên) giải ngân vốn cho người dân. Ảnh: DƯƠNG CHIÊM

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Hóa (Thái Nguyên) giải ngân vốn cho người dân. Ảnh: DƯƠNG CHIÊM

Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH); nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng CSXH; tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng CSXH và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ngân hàng CSXH (NHCSXH).

Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị, xã hội các huyện, thành phố, thị xã về việc triển khai công tác tín dụng chính sách theo nội dung Chỉ thị 40-CT/TW và giao NHCSXH tỉnh tổ chức triển khai đến các thành phần, đối tượng có liên quan…

Sau hơn bốn năm thực hiện Chỉ thị cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn để hoạt động của NHCSXH đạt hiệu quả cao hơn. Cùng với việc tạo điều kiện tốt nhất về địa điểm giao dịch, công tác an ninh trong những ngày giao dịch tại xã được hỗ trợ, tăng cường để bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hằng năm, các địa phương dành một phần ngân sách để ủy thác qua NHCSXH thực hiện cho vay giải quyết việc làm.

Một số địa phương huy động được sự vào cuộc của doanh nghiệp. Năm 2014, tổng nguồn vốn địa phương ủy thác cho NHCSXH tỉnh là 31,2 tỷ đồng; đến cuối tháng 5-2019, con số này đạt 88,3 tỷ đồng, đều được dành để cho vay giải quyết việc làm. Hiện cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng của tỉnh tập trung các giải pháp, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả tín dụng CSXH trên toàn tỉnh.

* Tiền Giang phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang có nhiều chương trình, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra và giải quyết căn cơ nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp.

Nhiều điểm nóng về sản xuất gây ô nhiễm môi trường địa bàn tỉnh được giải quyết. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm.

Năm 2018, tỉnh tổ chức 42 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Qua đó, 18 trường hợp vi phạm bị phát hiện và xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 538 triệu đồng. Năm 2019, các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện 70 cuộc thanh tra, năm cuộc kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời hoạt động bảo vệ môi trường, tài nguyên của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nhằm hạn chế vi phạm. Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm nhiều hơn, phát huy vai trò giám sát của nhân dân và cộng đồng. Từ đó, ý thức của doanh nghiệp về vấn đề tránh gây ô nhiễm, bảo vệ môi trường được cải thiện.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40569402-thai-nguyen-tang-cuong-lanh-dao-doi-voi-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi.html