Thái Nguyên: Tăng cường các biện pháp quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thái Nguyên hoạt động từ năm 2015, lúc đó, quỹ chỉ có vài trăm triệu. Từ năm 2016 - 2018, mỗi năm, UBND tỉnh hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ là hơn 2 tỷ đồng (nguồn thu từ dịch vụ nước sạch, hoạt động du lịch trên các hồ nước, thủy điện). Tổng diện tích rừng phòng hộ của tỉnh trên 76.000 ha, quỹ rừng mới chỉ hỗ trợ cho rừng phòng hộ khu ATK Định Hóa, gần 2.000ha; rừng phòng hộ Hồ Núi Cốc, hơn 3.000ha; rừng phòng hộ huyện Phú Lương, gần 1000ha và Thần Sa - Phượng Hoàng, huyện Võ Nhai diện tích 2.500ha.

Hồ núi Cốc rừng được bảo vệ xanh tốt, phục vụ hoạt động tham quan du lịch

Hồ núi Cốc rừng được bảo vệ xanh tốt, phục vụ hoạt động tham quan du lịch

Năm 2018, Quỹ đã thực hiện việc thu ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) gần 2 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch; giải ngân thanh toán tiền DVMTR cho 03 đơn vị chủ rừng là tổ chức và 18 cộng đồng dân cư trên 2,1 tỷ đồng tương ứng với trên 5400 ha rừng được chi trả; tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh giao cho 02 đơn vị là chủ đầu tư trồng 100 ha rừng thay thế đồng thời tiếp nhận nguồn tiền từ 05 dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác trên 3 tỷ đồng.

Về thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, Quỹ đã phối hợp tổ chức 18 lớp tuyên truyền về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và công tác quản lý bảo vệ rừng tại 7 huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh với trên 1440 người tham gia; tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Đối với Ban Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ và các thành viên đã chủ động tham mưu giúp Hội đồng thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR và công tác trồng rừng thay thế, giúp Quỹ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Hoạt động của Quỹ và Hội đồng quản lý Quỹ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn, giúp cho công tác chi trả DVMTR và triển khai trồng rừng thay thế được thuận lợi.

Việc ủy thác chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản có sử dụng nguồn nước trực tiếp từ rừng sẽ giúp cho công tác chăm sóc bảo vệ rừng tốt hơn

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quỹ cũng gặp những vướng mắc cần tháo gỡ: Do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể nên việc thu tiền ủy thác chi trả DVMTR đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở nuôi trồng thủy sản có sử dụng nguồn nước trực tiếp từ rừng còn khó khăn. Để đẩy nhanh tiến độ thu tiền ủy thác chi trả DVMTR, Quỹ đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp thực thi Nghị định và các văn bản về chính sách chi trả DVMTR nhất là đối với các đơn vị sản xuất công nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Mới đây ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu Quỹ nghiên cứu, tham mưu xây dựng, hoàn chỉnh quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ; rà soát lại danh sách các cơ sở trong diện phải nộp Quỹ để tham mưu xây dựng kế hoạch, giải pháp thu Quỹ đúng theo quy định của pháp luật.

Được biết, hàng năm đơn vị Quỹ có báo cáo với UBND tỉnh, Sở NN&PTNT và hội đồng của quỹ, đã từng kết hợp với kiểm lâm đến làm việc theo Nghị định 41 nhưng doanh nghiệp trốn tránh. Quỹ đã tham mưu cho UBND tỉnh mở hội nghị và yêu cầu doanh nghiệp cùng tham gia trao đổi với các ngành có liên quan và ký vào văn bản làm việc, cam kết nếu UBND tỉnh có yêu cầu thì doanh nghiệp sẽ thực hiện nghĩa vụ.

Xuân Vũ

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/thai-nguyen-tang-cuong-cac-bien-phap-quan-ly-quy-bao-ve-va-phat-trien-rung-1270819.html