Thái Nguyên: Phát triển thành phố Sông Công xứng tầm đô thị loại II

Đối chiếu với 5 tiêu chí, 63 tiêu chuẩn của đô thị loại II, về cơ bản TP. Sông Công đã hội tụ đủ. Đây là nguyện vọng, là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Thái Nguyên và TP. Sông Công sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu.

Luôn xác định Nhân dân là gốc và phát triển từ Nhân dân

Chiều ngày 16/5, Trung tâm Thông tin tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình Tọa đàm trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên với chủ đề: Phát triển thành phố Sông Công xứng tầm đô thị loại II.

Chương trình có sự tham gia của các vị khách mời: Đồng chí Vũ Duy Nghĩa, Chủ tịch UBND TP. Sông Công; Ông Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên.

Được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Sông Công, đến nay, cơ sở hạ tầng kinh tế, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP. Sông Công đã cơ bản hoàn thiện; đời sống và tinh thần của người dân được nâng cao; diện mạo đô thị đã có bước thay đổi đáng kể.

Đối chiếu với 5 tiêu chí, 63 tiêu chuẩn của đô thị loại II, về cơ bản TP. Sông Công đã hội tụ đủ. Đây là nguyện vọng, là quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Thái Nguyên và TP. Sông Công sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Đồng thời cũng đặt ra phương thức, yêu cầu quản lý mới đối với một đô thị loại II.

Ông Vũ Duy Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Sông Công

Ông Vũ Duy Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Sông Công

Tại buổi tọa đàm, ông Vũ Duy Nghĩa – Chủ tịch UBND TP. Sông Công cho biết, TP. Sông Công là thành phố công nghiệp, trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa - xã hội phía Nam của tỉnh Thái Nguyên. Trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp tập trung của tỉnh và 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất sử dụng cho phát triển công nghiệp lên tới gần 1.000 ha. Song song với đó, thành phố đang triển khai, hoàn thiện quy hoạch 5 dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn với tổng diện tích trên 3.000 ha. Đây là điều kiện, cơ hội thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Sông Công.

Để tạo môi trường thuận lợi, trong thời gian qua, thành phố đã tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP. Sông Công và đã đạt nhiều kết quả.

Để đạt được những kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng TP. Sông Công là đô thị loại II, Đảng bộ, chính quyền TP. Sông Công luôn xác định Nhân dân là gốc và phát triển từ Nhân dân. Thành phố luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trên địa bàn và thu hút lực lượng lao động từ các địa phương khác đến sinh sống và làm việc, từ đó đem lại nguồn nhân lực, tri thức và tài chính quan trọng cho việc xây dựng và phát triển đô thị.

Phát triển thành phố Sông Công gắn với Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050

Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên phát biểu: Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023. Phương án phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên là nội dung quan trọng của Quy hoạch tỉnh với phương châm phát triển hệ thống đô thị gắn với phương án tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội theo hành lang kinh tế chủ yếu (trục giao thông Quốc lộ 3, Quốc lộ 37…) và vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh.

Ông Bùi Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên.

Trong đó, TP. Sông Công gắn với hành lang kinh tế Quốc lộ 3, thuộc vùng kinh tế - xã hội phía Nam vùng động lực phát triển của cả tỉnh. TP. Sông Công có vị trí và vai trò là đô thị công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật khu vực phái Nam của tỉnh, với vị trí cách thủ đô Hà Nội 60 km về phía Bắc, cách TP. Thái Nguyên 20 km về phía Nam, cách sân bay quốc tế Nội Bài trên 30 km, TP. Sông Công là đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế và có tác dụng hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng chung cho toàn vùng, đặc biệt là tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng thủ đô Hà Nội.

Để phát huy vai trò và định hướng phát triển TP. Sông Công, cụ thể hóa phương hướng phát triển hệ thống đô thị tỉnh Thái Nguyên tại Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP. Sông Công cần bám sát các nội dung về phương án phát triển các ngành, lĩnh vực, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội, phương án quy hoạch và phát triển các khu chức năng (khu công nghiệp - cụm công nghiệp, khu dịch vụ tổng hợp, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí,…) nhất là phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông nhằm kết nối các đô thị và khu công nghiệp của tỉnh.

Ông Hưng lưu ý, thành phố Sông Công cần ưu tiên, tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo Quy hoạch chung TP. Sông Công tạo thành hệ thống hạ tầng khung đô thị đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông với hệ thống giao thông của tỉnh, phát huy vị trí là hạt nhân quan trọng kết nối giao thông, liên kết, giao lưu kinh tế, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển của toàn vùng.

Ngoài ra ông Hưng cũng chia sẻ: Từ khi được công nhận là đô thị loại III vào năm 2010, TP. Sông Công đã có thời gian tương đối dài để xây dựng, phát triển, phấn đấu đạt các mục tiêu đô thị loại II. Chính vì vậy về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị theo thang điểm của các tiêu chí, tiêu chuẩn được quy định tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 thì thành phố đạt mức cao (55,66/60).

Qua đánh giá thực tế thì hiện nay về yêu cầu công trình hạ tầng thiết yếu quy mô cấp đô thị TP. Sông Công đều có và đảm bảo về quy mô, số lượng theo tiêu chuẩn. Thành phố đã xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác các công trình trạm xử lý nước thải tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường; có nghĩa trang tập trung với quy mô lớn (công viên Vĩnh Hằng Sông Công) không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của Nhân dân thành phố mà còn khu vực lân cận; có khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tân Quang với quy mô 26,5 ha được đầu tư dây chuyền xử lý CTR công nghiệp hiện đại, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư mô-đun xử lý CTR sinh hoạt cho thành phố.

Về góc độ hạ tầng giao thông ông Vũ Duy Nghĩa cho biết, xác định đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng nên thành phố đã khảo sát và lấy ý kiến, đồng thời quyết định đầu tư hệ thống giao thông trên địa bàn. Đặc biệt, chúng tôi lựa chọn đầu tư xây dựng Dự án đường Thắng Lợi kéo dài kết nối với Quốc lộ 3 và xây dựng đường du lịch Sông Công - Núi Cốc kết nối TP. Sông Công với TP. Thái Nguyên và Khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc. Thông qua những con đường này sẽ mở ra tuyến đường giao thông kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân và khách du lịch, đồng thời mở rộng không gian đô thị thành phố về phía Tây.

Để thực hiện các dự án đầu tư này, chúng tôi xác định phải có nguồn lực nhất định và kêu gọi các nguồn vốn hỗ trợ. Ngoài nguồn vốn của Trung ương, thành phố lựa chọn đầu tư hạ tầng khu đô thị để đấu giá quyền sử dụng đất để có nguồn lực thực hiện các dự án đường giao thông này. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức triển khai các dự án rất tích cực và đạt hiệu quả.

Đối chiếu với 5 tiêu chí, 63 tiêu chuẩn của đô thị loại II, về cơ bản TP. Sông Công đã hội tụ đủ.

Trong khuôn khổ của buổi tọa đàm, các vị khách mời cũng đã đưa ra nhiều ý kiến trong nhiều khía cạnh để phát triển thành phố Sông Công. Đề án đề nghị công nhận thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên là đô thị loại II do UBND thành phố Sông Công tổ chức lập, sẽ là một nội dung được HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV đưa ra bàn thảo, thông qua tại kỳ họp sắp tới để có căn cứ thực hiện các thủ tục tiếp theo trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đô thị loại II.

Nguyên Mạnh

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thai-nguyen-phat-trien-thanh-pho-song-cong-xung-tam-do-thi-loai-ii-77545.html