Thái Nguyên nỗ lực giảm thiểu tình trạng khai thác khoáng sản trái phép

Thái Nguyên có tổng trữ lượng quặng sắt khoảng 49 triệu tấn và có trữ lượng than lớn thứ hai cả nước, sau tỉnh Quảng Ninh.

Theo khảo sát, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có tổng trữ lượng quặng sắt khoảng 49 triệu tấn tại 42 điểm mỏ, sản lượng đã khai thác là 9,42 triệu tấn. Ngoài ra, Thái Nguyên còn là địa phương có trữ lượng than lớn thứ hai cả nước (sau tỉnh Quảng Ninh) với khoảng 15 triệu tấn than mỡ, 90 triệu tấn than đá (với các mỏ điển hình như Khánh Hòa, Núi Hồng, Phấn Mễ…). Tỉnh cũng có nhiều loại kim loại màu và quặng đa kim (chì, kẽm, thiếc, vonfram, vàng, titan…), các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng có trữ lượng lớn và phân bố rộng rãi.

Trước nguồn tài nguyên phong phú, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ tích cực cho nhiều doanh nghiệp phát triển ngành khoáng sản như: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo, Công ty CP Luyện kim đen Thái Nguyên, Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long, Công ty CP Khoáng sản An Khánh, Công ty CP Kim Sơn…

Trước đây, khi chưa có cơ chế quản lý Nhà nước về khai thác khoáng sản, nhiều địa phương thường xuyên xảy ra tình trạng đào vàng, moi móc lấy cát sỏi, quặng sắt, ti tan, phốt pho, chì, thiếc, than… trái phép bừa bãi. Nhiều núi đồi, đồng ruộng tan hoang bởi cát tặc, quặng tặc, than tặc, vàng tặc… hoành hành. Nhiều địa phương từng một thời nhức nhối bởi nạn khai thác khoáng sản trái phép.

 Khai thác than tại Công ty Than Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Khai thác than tại Công ty Than Núi Hồng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, đề án “Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản” được tỉnh Thái Nguyên triển khai tích cực với nhiều giải pháp thiết thực nhằm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Bên cạnh đó, ngành chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại các khu vực có khoáng sản.

Điển hình như tại huyện Đại Từ, là một trong những địa phương có nguồn khoáng sản dồi dào, nhiều đơn vị, doanh nghiệp tập trung khai thác nên từ năm 2017 đến nay, chính quyền Huyện đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra 48 lượt điểm mỏ khoáng sản, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh khoáng sản 16 vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên nắm bắt tình hình về hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, tổ chức ký cam kết trách nhiệm giữa các Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện trong việc quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn

Xác định, khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều sáng kiến quản lý, bảo vệ và có kế hoạch sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho địa phương.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần có chiến lược, kế hoạch phù hợp để khai thác, chế biến nguồn tài nguyên này, phát huy tốt tiềm năng, tránh lãng phí và nhanh cạn kiệt khoáng sản; hạn chế ảnh hưởng đến môi trường để đảm bảo sự bền vững.

Bùi Lan

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/moi-truong/thai-nguyen-no-luc-giam-thieu-tinh-trang-khai-thac-khoang-san-trai-phep-530881.html