Thái Nguyên: Nhà thuốc nam gia truyền Ngọc Bích khai man hồ sơ, Sở Y tế 'vô can'

'Bộ Y tế không quy định Sở Y tế phải xác minh đơn của người đề nghị mà căn cứ vào xác nhận của chính quyền địa phương', đó là khẳng định của Sở Y tế Thái Nguyên về việc Nhà thuốc nam gia truyền Ngọc Bích khai man hồ sơ.

Ngày 17/04/2019, Báo Công lý nhận được văn bản số 683/SYT-QLHN của Sở Y tế Thái Nguyên trả lời những vấn đề liên quan đến hoạt động của Nhà thuốc nam gia truyền Ngọc Bích (phòng khám Ngọc Bích).

Nội dung văn bản nêu: Sở Y tế cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền Bình can Ngọc Bích cho bà Nguyễn Thị Bích ngày 18/3/2016. Theo quy định tại Quyết định số 39/2007/QĐ-BYT ngày 12/11/2007 của Bộ Trưởng Bộ Y tế về việc Ban hành quy chế xét duyệt cấp “Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”: Giám đốc Sở Y tế đã quyết định thành lập Hội đồng tư vấn về việc xét duyệt công nhận bài thuốc gia truyền gồm 8 thành viên và thực hiện quy trình xét duyệt, cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cho bà Nguyễn Thị Bích theo đúng quy định.

Tiếp nhận hồ sơ gồm: Đơn xin cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền do bà Bích đề nghị, có xác nhận của lãnh đạo UBND, Chủ tịch Hội Đông y và Trạm Y tế xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; bản giải trình bài thuốc; sơ yếu lý lịch; sổ khám bệnh; ảnh.

Thẩm định: Tại Điều 8, Quy chế xét duyệt cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền kèm theo Quyết định 39/2007/QĐ-BYT quy định “Thẩm định kết quả điều trị của bài thuốc căn cứ vào các hồ sơ gốc và xác nhận của chính quyền địa phương. Sau khi thẩm định hồ sơ, đã tiến hành họp Hội đồng tư vấn xét duyệt công nhận bài thuốc gia truyền (sau khi họp xét, thảo luận, Hội đồng bỏ phiếu kín theo mẫu quy định, cả 8/8 phiếu đều đồng ý cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền của bà Bích). Hội đồng đề nghị Giám đốc Sở Y tế ban hành quyết định cấp Giấy chửng nhận bài thuốc gia truyền theo quy định.

Quy chế xét duyệt cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền ban hành kèm theo quyết định số 39/2007/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế không quy định Sở Y tế phải xác minh đơn của người đề nghị mà căn cứ vào xác nhận của chính quyền địa phương.

 Đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền khai man của bà Nguyễn Thị Bích được UBND xã Sơn Phú, Hội đông y xã Sơn Phú và Trạm xá xã Sơn Phú xác nhận “khống”

Đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền khai man của bà Nguyễn Thị Bích được UBND xã Sơn Phú, Hội đông y xã Sơn Phú và Trạm xá xã Sơn Phú xác nhận “khống”

Trước đó, Báo Công lý đã có loạt bài phản ánh về những vi phạm nghiêm trọng của Phòng khám Ngọc Bích. Phòng khám này không chỉ khám bệnh, chữa bệnh, bán thuốc vượt quá phạm vi cấp phép mà còn tự “vẽ” ra hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền.

Theo văn bản số 456/SYT-QLHN Sở Y tế Thái Nguyên gửi Báo Công lý khẳng định Phòng khám Ngọc Bích được Sở Y tế Thái Nguyên cấp Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh số 353/SYT-GPHĐ ngày 30/7/2015; phạm vi hoạt động chuyên môn: Thực hiện điều trị bệnh đau lưng, đau cột sống, đau thần kinh tọa, bằng bài thuốc gia truyền.

Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bà Nguyễn Thị Bích. Bà Bích được Sở Y tế Thái Nguyên cấp chứng chỉ hành nghề số 004243/TNG-CCHN với phạm vi khám bệnh, chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền. Bà Bích được cấp Giấy chứng nhận 03 bài thuốc gia truyền gồm Bổ huyết trừ phong, Bình vị tán Ngọc Bích, Bình can Ngọc Bích.

Như vậy, để được phép hoạt động, Phòng khám Ngọc Bích phải dựa hoàn toàn vào các bài thuốc gia truyền.

Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh, bà Nguyễn Thị Bích khai man hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền để được Sở Y tế Thái Nguyên cấp Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trái quy định.

Quá trình xác minh thông tin cho thấy, thông tin phản ánh về bà Nguyễn Thị Bích là hoàn toàn chính xác. Các cụ cao tuổi, sinh ra và lớn lên tại thôn Làng Phẩy, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đều khẳng định “ông Nguyễn Văn Đắc là bố đẻ của bà Bích chuyển từ Thái Bình lên đây làm nông nghiệp, không hành nghề y học cổ truyền, không hay biết về thuốc nam và chưa hề chữa bệnh cho bất kỳ ai tại địa phương”.

Trao đổi thông tin phản ánh trên với ông Âu Văn Được, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú, đồng thời cũng là người trực tiếp xác nhận trong “đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” của bà Nguyễn Thị Bích cho rằng: “chữ viết xác nhận trong đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền của bà Bích không phải của tôi mà là của một cán bộ văn phòng. Do tin tưởng vào nhân viên văn phòng nên tôi ký xác nhận chứ cũng không biết thực tế nội dung trong đơn như thế nào”. Ông Được đề nghị PV làm việc trực tiếp với ông Ma Tiến Moong, Chủ tịch hội Đông y xã Sơn Phú để có thông tin chính xác.

Ông Ma Tiến Moong, Chủ tịch hội Đông y xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, người trực tiếp xác nhận trong “đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền” của bà Nguyễn Thị Bích khẳng định “ông Nguyễn Văn Đắc là bố đẻ của bà Bích chuyển từ Thái Bình lên làm nông nghiệp, không hành nghề y học cổ truyền, chưa từng là hội viên hội đông y, không hay biết về thuốc nam và chưa chữa bệnh cho bất kỳ ai tại địa phương”.

Khi được hỏi, vì sao biết rõ gia đình bà Bích không hành nghề y học cổ truyền nhưng ông vẫn xác nhận trong đơn xin cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền của bà Bích là “gia đình có nhiều đời làm thuốc nam” dẫn tới Sở Y tế Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, Chứng chỉ hành nghề, Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trái quy định cho bà Bích? Ông Moong lý giải: “Tôi xác nhận cho cô Bích là gia đình có nhiều đời làm thuốc nam là vì cùng là người làng người xóm nên tạo điều kiện thôi. Hơn nữa, do hội viên không trung thực, khai man trong đơn, tôi có biết đâu".

Bộ Y tế không quy định Sở Y tế phải xác minh đơn của người đề nghị mà căn cứ vào xác nhận của chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương là gốc rễ, giữ vai trò quyết định trong việc thẩm định hồ sơ chứng nhận bài thuốc gia truyền. Tuy nhiên vì sự tắc trách, vì những lý do “riêng”, họ đã xác nhận vào những lá đơn khai man về nguồn gốc các bài thuốc gia truyền như trường hợp của bà Nguyễn Thị Bích khiến hàng nghìn người bệnh rơi vào hoàn cảnh “sống dở chết dở”, “tiền mất tật mang” bởi những bài thuốc gia truyền dởm này.

Dư luận bức xúc đặt dấu hỏi, ở Thái Nguyên còn có bao nhiêu phòng khám Đông y có những bài thuốc gia truyền khai man như Phòng khám Ngọc Bích đang hoạt động, đe dọa sức khỏe người bệnh? Người bệnh phải làm gì khi Sở Y tế nhất nhất căn cứ vào xác nhận của chính quyền địa phương nhưng xác nhận đó lại không chính xác?.

Chính quyền xã Sơn Phú, huyện Định Hóa và hàng loạt cơ quan khác của tỉnh Thái Nguyên đang “thờ ơ” hay bao che cho vi phạm của phòng khám Ngọc Bích? Trách nhiệm của chính quyền địa phương khi xác nhận thiếu chính xác, tiếp tay cho việc khai man hồ sơ đe dọa sức khỏe người bệnh?

Đề nghị Bộ Y tế, UBND tỉnh Thái Nguyên khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm, bảo vệ sức khỏe người bệnh, tránh dư luận bức xúc gây ảnh hưởng tới ngành y học cổ truyền, đồng thời thể hiện sự thượng tôn của pháp luật.

PV

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/congly-24h/thai-nguyen-nha-thuoc-nam-gia-truyen-ngoc-bich-khai-man-ho-so-so-y-te-vo-can-297462.html