Thái Nguyên: Lợi ích từ điện mặt trời áp mái

Với mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/đơn vị sản phẩm mỗi năm tại các cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm và 5% điện năng tại các cơ quan công sở; huy động mọi nguồn lực của người dân và doanh nghiệp nhằm tiết kiệm điện, nhiều hộ gia đình ở tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái (ĐMTAM).

Hệ thống ĐMTAM của gia đình anh Chung Hoàng Ngân (TP. Thái Nguyên)

Hệ thống ĐMTAM của gia đình anh Chung Hoàng Ngân (TP. Thái Nguyên)

thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025. Để đạt mục tiêu trên, một trong những giải pháp đã và đang được tỉnh đẩy mạnh là triển khai các dự án ĐMTAM. Không chỉ có hộ gia đình, nhiều nhà đầu tư đã tham gia thuê mái các tòa nhà để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, giúp Thái Nguyên từng bước đạt được các mục tiêu về tiết kiệm điện mà Chỉ thị 05 đề ra.

Để tiết kiệm điện năng tại các tòa nhà cao tầng, khai thác được nguồn năng lượng tái tạo, đầu năm 2020, Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư và dịch vụ Nhà Xanh đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm phục vụ nhu cầu cung cấp một phần điện năng cho các hộ dân sinh sống tại khu chung cư Tiến Bộ. Với công suất 105kWh, tổng chi phí lắp đặt gần 1 tỷ đồng, thời gian sử dụng hệ thống gần 20 năm, đây được coi là giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả trong bối cảnh nguồn điện năng quốc gia ngày càng cạn kiệt. "Chủ đầu tư đã giảm được tương đối tiền điện phải trả cho điện lực, vì nguồn năng lượng này đã bù cho khoảng 30 - 45%", ông Đỗ Xuân Thắng - Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Nhà Xanh - cho biết.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Thái Nguyên, từ năm 2017, một số hộ dân đã bắt đầu lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Tính đến nay, 9/9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đã có điện năng lượng mặt trời với hơn 100 khách hàng, tổng công suất là gần 1000 kWp. Theo nhiều khách hàng đang sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng không chỉ tiết kiệm chi phí tiền điện mà còn có thể bán phần điện dư không sử dụng cho ngành điện.

Anh Chung Hoàng Ngân (TP. Thái Nguyên) cho biết, việc lắp đặt hệ thống ĐMTAM đã giúp gia đình có nguồn điện ổn định để dùng, không sợ mất điện khi gặp sự cố, giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia, tự chủ được nguồn điện nên các hoạt động sinh hoạt của gia đình không bị gián đoạn khi mất điện. Bên cạnh đó, các tấm pin còn có tác dụng che chắn, bảo vệ ngôi nhà khỏi ánh nắng trực tiếp. Tuy nhiên, với chi phí đầu tư khoảng 18 triệu đồng/kWh, đây vẫn là mức đầu tư cao nên với những gia đình có mặt bằng nhỏ và nhu cầu sử dụng điện không nhiều, thời gian thu hồi vốn sẽ lâu hơn.

Với việc phát triển nhanh các dự án ĐMTAM trong thời gian vừa qua đã dẫn đến chi phí đầu tư cho 1 kWh điện tăng cao do nguồn cung thiết bị (chủ yếu là các tấm pin). Tuy nhiên, không thể phủ nhận những lợi ích mà hệ thống ĐMTAM mang lại cho các hộ gia đình. Khi không sử dụng hết nguồn điện năng sản xuất ra từ hệ thống ĐMTAM, hộ gia đình có thể bán lại lượng điện dư thừa cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người dùng vào cuối mỗi tháng.

Với thời gian thu hồi vốn nhanh, theo tính toán của các nhà đầu tư, chỉ cần từ 4 - 6 năm tùy từng hệ thống điện mặt trời có công suất khác nhau, có thể thu hồi vốn và bắt đầu có lãi cùng với giá mua điện của EVN khá cao, ĐMTAM đang thực sự được nhiều hộ gia đình quan tâm đầu tư.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-nguyen-loi-ich-tu-dien-mat-troi-ap-mai-144896.html