Thái Nguyên khẩn trương thực hiện chương trình phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là động lực, cơ hội để phát triển hạ tầng, sản xuất, đời sống nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đã sớm ban hành các văn bản pháp lý, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương, phê duyệt các dự án và giao vốn để khẩn trương thực hiện nhằm phát huy hiệu quả trên thực tế.

Trong năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đầu tư hơn 287 tỷ đồng xây dựng hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất.

Trong năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đầu tư hơn 287 tỷ đồng xây dựng hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất.

Phó Trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Lê Kim Phúc, cho biết: Sau khi Quốc hội, Chính phủ ban hành chính sách, phân bổ vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các bộ, ngành ban hành các văn bản liên quan, chúng tôi khẩn trương tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách của tỉnh tương đối hoàn thiện; sớm phân bổ vốn cho các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện.

Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết về tiêu chí, nguyên tắc phân bổ vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Chương trình giai đoạn 2021- 2025; cơ chế lồng ghép các nguồn vốn để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Đến nay, Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh chủ động triển khai, phân bổ vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ngay từ sớm. Cụ thể, tỉnh có 110 xã, trong đó có 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn nằm trong phạm vi đầu tư của chương trình. Trong năm 2022, tỉnh đầu tư hơn 287 tỷ đồng xây dựng hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất.

Các dự án xây dựng hạ tầng được chương trình đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều được khảo sát cụ thể, lấy ý kiến cộng đồng, chính quyền địa phương, các ngành, cơ quan có thẩm quyền thẩm tra kỹ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư nhằm bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh lãng phí.

Đồng chí Lê Kim Phúc khẳng định, phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi là chương trình đặc biệt, đầu tư cho địa phương, đối tượng khó khăn nhất cho nên chúng tôi xác định phải tổ chức thực hiện thật hiệu quả, các địa phương và bà con cảm nhận mỗi dự án, nội dung hỗ trợ đều thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống. Do đó, quy trình, các bước phải chặt chẽ, tổ chức thực hiện phải trách nhiệm rất cao.

Do việc phân bổ vốn cho tỉnh muộn, một số bộ, ngành chậm ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn cho nên nguồn vốn đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 sẽ được kéo dài đến hết năm 2023. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nội dung được đầu tư một, không để chậm giải ngân làm giảm ý nghĩa của Chương trình.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-nguyen-khan-truong-thuc-hien-chuong-trinh-phat-trien-vung-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-post728255.html