Thái Nguyên: Học qua truyền hình, bố mẹ 'học' cùng con

Chương trình dạy học qua truyền hình tại Thái Nguyên (bắt đầu phát sóng từ 16/3/2020), đã nhận được sự quan tâm và phản hồi tích cực. Tuy nhiên, để cho việc học đạt hiệu quả, chính các bậc phụ huynh cũng phải 'học' cùng con.

Một bài học trên truyền hình Thái Nguyên

Một bài học trên truyền hình Thái Nguyên

“Chương trình có sự đầu tư, chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, tôi thấy rất hiệu quả đối với những học sinh khá giỏi, những em có ý thức tự học. Còn với học sinh trung bình hoặc không tự giác thì rất cần sự hỗ trợ, kèm cặp sát sao của phụ huynh” - cô giáo Nguyễn Thùy Linh (trường THCS Tân Long, TP Thái Nguyên) nhận định.

Là phụ huynh có con đang học lớp 5, chị Nguyễn Thị Phượng (Thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa) cho biết: “Tôi đã xem cùng con và thấy bài giảng khá cuốn hút. Học xong mỗi bài, cháu đều có ghi chép để củng cố chắt lọc kiến thức chính của bài”. Chị còn cho rằng, đây cũng là dịp mà gia đình và giáo viên có sự liên hệ trao đổi thường xuyên, tích cực hơn.

Mỗi bài giảng có thời lượng 30 phút, với nội dung ôn tập kiến thức đã học theo chuyên đề (gộp nhiều bài, nhiều vấn đề). Giáo viên kết hợp việc ôn lại kiến thức cũ với việc hướng dẫn giải quyết bài tập tương ứng, còn cung cấp thêm bài tập để học sinh tự làm thêm tại nhà.

Hiện các bài giảng được đăng tải trên youtube để học sinh thuận tiện trong việc xem lại.

Tuy vậy, còn nhiều vấn đề phát sinh khi các bạn nhỏ đối diện với chiếc tivi hay máy tính. Trừ một số ít học sinh được bố mẹ mở máy tính tua/dừng video bài giảng, phần đa học sinh gia đình chỉ có tivi bình thường nên việc xem một lượt thậm chí xem phát lại lần 2 buổi chiều cùng ngày cũng vẫn rất khó để kịp ghi chép hay đọng lại kiến thức.

“Em thấy bài giảng trên tivi các thầy cô giảng rõ ý, dễ hiểu. Môn Văn và Tiếng Anh hay, còn môn Toán thì hơi nhanh. Em muốn các thầy cô giảng chậm và kĩ hơn nữa thì dễ học hơn” - em Đinh Hoàng Đạt (lớp 9, trường THCS Hoàng Ngân, Định Hóa) chia sẻ mong muốn. Cùng chung cảm nhận, em Nguyễn Doãn Vũ (lớp 9, trường PT dân tộc nội trú THCS Định Hóa) nói: “Các bài giảng giúp em ôn tập lại được nhiều kiến thức. Em thấy học thế này khá hấp dẫn. Nhưng vì không được hỏi thầy cô như học trên lớp, bài học liên tục và lại tốc độ nhanh, cho nên nhiều bài thấy khó học”.

Phụ huynh cần đồng hành với con để việc học qua truyền hình đạt hiệu quả cao

Anh Ngô Ngọc Hạnh (Phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên) có con đang là học sinh lớp 9, chia sẻ khó khăn: “Vợ chồng tôi bận công việc cơ quan cả ngày nên cháu ở nhà tự học, tự xem. Đến buổi tối bố mẹ mới kiểm tra vở chữa bài tập xem cháu học đến đâu, nhiều hôm phải mở lại để cháu được nhắc lại cho rõ và nhớ hơn”.

Trong khi đó, chị Nguyễn Hồng Loan (Thị trấn Chợ Chu, Định Hóa) chia sẻ về cách mình “học” cùng con đang là học sinh lớp 5: “Tôi phải nhắc con trước lịch học để sẵn sàng đến giờ phát là hai mẹ con cùng xem. Xem xong, tôi lại tua cho cháu nghe đi nghe lại, đến chỗ cần là dừng để cháu kịp ghi chép, tính toán, giải đáp, cuối cùng là đợi cháu làm bài tập rồi chụp lại và gửi cho cô giáo. Mỗi một bài học trên tivi chỉ kéo dài 30 phút, nhưng để con hoàn thành một bài học như thế, hai mẹ con phải hết trọn vẹn cả một buổi”.

Có thể thấy, không chỉ cần sự hỗ trợ của phương tiện (tivi, máy tính, smartphone, mạng internet…), mà các phụ huynh còn phải thực sự dành tâm sức để sát cánh đồng hành cùng con. Muốn việc học trực tuyến của con có hiệu quả, bố mẹ cũng phải sắp xếp thời gian công việc để bắt tay vào “học” cùng.

Thầy giáo Nguyễn Doãn Long (trường THCS Hoàng Ngân, Định Hóa) trăn trở: “Địa bàn ở đây có đến 90% là học sinh người dân tộc thiểu số, các em gặp hạn chế về khả năng tiếp cận công nghệ thông tin. Khoảng hơn 30% các gia đình chưa có mạng internet, thậm chí một số nhà chưa có tivi. Đã thế, hầu hết các gia đình bố mẹ phải đi làm, không có điều kiện kèm cặp sát sao cho việc học bài của con”. Đây là một khó khăn của dạy học miền núi vốn đã nhiều thiệt thòi.

Trong việc học, quan trọng nhất vẫn là ý thức chủ động, tự giác, nỗ lực của học sinh. Nhưng cũng phải thấy rằng, với những thực tế đã nêu, rất cần sự vào cuộc của các bậc cha mẹ từ mỗi gia đình, cũng như sự linh hoạt sáng tạo trong các khâu thực hiện giảng dạy, phát sóng...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thai-nguyen-hoc-qua-truyen-hinh-bo-me-hoc-cung-con-20200324104537904.html