Thái Nguyên: Hiệu quả từ mô hình trồng cây dược liệu ở Phú Lương

Để giúp người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác triệt để quỹ đất nương, đất lúa một vụ, đất trồng ngô và tận dụng nguồn lao động nông nhàn.

Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương, Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM phối hợp với Công ty Cổ phần sản phẩm thiên nhiên DK đưa giống cây thìa canh vào trồng tại xóm Đồng Phủ, xóm Suối Hang, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên).

Qua một thời gian trồng thử nghiệm tại xã Yên Ninh từ năm 2012, với diện tích ban đầu chỉ 5ha đã cho thấy, cây thìa canh sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của xã Yên Ninh.

Hệ thống nhà sấy khô sản phẩm dây thìa canh

Theo đánh giá, cây thìa canh là giống cây dược liệu quý, hoạt chất chính trong cây thìa canh có tác dụng làm tăng tiết insulin của tuyến tụy, tăng cường hoạt lực của insulin, ức chế hấp thu glucose ở ruột. Có thể phối hợp với thuốc điều trị khác để kiểm soát và làm giảm đường huyết, ổn định kéo dài hàm lượng đường huyết, phòng ngừa biến chứng giảm Cholesterol và Lipid trong máu… hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.

Để tạo nguồn dược liệu sạch, ổn định và giúp bà con nâng cao thu nhập, Trạm khuyến nông huyện đã cử cán bộ đồng hành, hướng dẫn, phổ biến khoa học kỹ thuật về phương pháp trồng, chăm sóc, thu hái cây thìa canh. Cây thìa canh sau khi trồng được 1 năm sẽ cho thu hoạch 3 lứa/năm, thời điểm thu hái thích hợp vào tháng 4 và tháng 10 trong năm. Chi phí đầu tư trồng cây thấp, trồng một lần có thể cho thu hoạch 8 đến 10 năm, mang lại thu nhập bình quân từ 200 triệu đồng/ha trở lên...

Vườn cây thìa canh giống gốc

Hiện nay, diện tích trồng cây thìa canh tại xã Yên Ninh đã tăng lên 10ha, bước đầu đã hình thành vùng trồng cây dược liệu tập trung và tiến tới xây dựng nhãn hiệu cho cây thìa canh trên địa bàn xã Yên Ninh. Để đảm bảo đầu vào của sản phẩm, Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK sẽ hỗ trợ bà con cây giống, phân bón và ký hợp đồng thu mua bao tiêu sản phẩm.

Bà Lục Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK cho biết: Nhận thấy hiệu quả từ khi trồng thử nghiệm cây thìa canh ở xã Yên Ninh và được sự hỗ trợ của Trạm khuyến nông huyện Phú Lương, khi bắt đầu mở rộng diện tích trồng cây thìa canh ra 4 xóm trong xã Yên Ninh gồm:

Đồng Phủ 1, Đồng Phủ 2, Đồng Danh và Đồng Kem, doanh nghiệp đã chính thức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với bà con, thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm theo cơ chế: doanh nghiệp hỗ trợ người dân giống cây, kỹ thuật trồng, vật tư làm giàn, cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm trong vòng 5 năm với giá ổn định 7000 đồng/kg.

Bà Lục Thị Thanh Huyền, Giám đốc Công ty DK giới thiệu sản phẩm với phóng viên

Người dân bỏ công, trồng cây thìa canh trên diện tích đất canh tác của mình, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn GACP - WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái)... Khoảng 3 năm trở lại đây, từ nguồn nguyên liệu tại chỗ (trên 30 tấn dược liệu tươi/năm), Công ty đã đầu tư dây chuyền chế biến, sản xuất các sản phẩm từ thảo dược, giúp người trồng cây dược liệu có thu nhập cao gấp từ 5 đến 6 lần so với trồng lúa và cây rau màu khác.

Nhờ sự liên kết chặt chẽ của người dân cũng như chính quyền, cơ quan chuyên môn (Trạm khuyến nông huyện) nên hiện tại, Công ty Cổ phần Sản phẩm thiên nhiên DK đã sản xuất được 4 dòng sản phẩm chính từ cây thìa canh, từng bước tiến tới sản xuất thực phẩm chức năng để nâng cao giá trị sản phẩm của người dân.

Do nhu cầu về dược liệu thiên nhiên hiện nay tăng mạnh, nên Công ty đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng thìa canh cũng như các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu của địa phương...

Ông Bùi Phương Thảo, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương cho rằng: Hiệu quả từ trồng cây dược liệu tại xã Yên Ninh, huyện Phú Lương đang nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích trồng dược liệu ra các xã: Động Đạt, Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành với các giống dược liệu giá trị cao đang có nhu cầu tiêu thụ lớn như: cây thìa canh, gừng tía, kim ngân, trà hoa vàng...

Tiến tới hình thành và thúc đẩy mô hình Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất dược liệu, sản phẩm nông nghiệp bền vững, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác triệt để quỹ đất nương, đất lúa một vụ, đất trồng ngô tận dụng nguồn lao động nông nhàn, góp phần tăng thu nhập cho người dân tại xã Yên Ninh.

Ngô Tiến

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn//thai-nguyen--hieu-qua-tu-mo-hinh-trong-cay-duoc-lieu-o-phu-luong_n32645.html