Thái Nguyên gia tăng giá trị sản phẩm địa phương

Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn Thái Nguyên đã giúp nâng cao giá trị cho các sản phẩm mang đặc trưng vùng miền.

Theo kết quả điều tra, rà soát và báo cáo của địa phương, Thái Nguyên hiện có gần 200 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP, thuộc các nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm - trang trí - nội thất; và dịch vụ du lịch. Hiện tại một số hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã đăng ký các sản phẩm nông nghiệp có khả năng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh như: Chè Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), miến dong của HTX miến Việt Cường (huyện Đồng Hỷ), rau an toàn của HTX rau an toàn Hùng Sơn và HTX rau an toàn xã Bình Thuận (huyện Đại Từ), tương nếp Úc Kỳ của Cơ sở sản xuất tương nếp Úc Kỳ (huyện Phú Bình), gạo Bao Thai Định Hóa của các HTX trồng lúa thuộc huyện Định Hóa...

Chè - sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thái Nguyên

Chè - sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thái Nguyên

Gần 200 sản phẩm có điều kiện trở thành sản phẩm OCOP

Đơn cử, nổi tiếng với vùng chè ngon đặc sản Tân Cương, chè Thái Nguyên được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, ưa chuộng. Chè là sản phẩm truyền thống của người dân nơi đây nhờ có mùi thơm mạnh, mùi cốm và bền, vị chát đậm dịu, hài hòa, ngọt, không có vị xít hoặc đắng, rất hấp dẫn. Chất lượng chè Tân Cương có được ngoài những điều kiện về tự nhiên còn là tập quán canh tác, chăm sóc, chế biến và bảo quản chè của người dân ở khu vực này.

Cùng với chè Tân Cương, chè Đồng Hỷ (xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ) cũng là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương. Đây cũng là một trong 3 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp gồm: chè Đồng Hỷ; mật ong Phúc Thành; miến dong Việt Cường được Thái Nguyên tiếp tục lựa chọn, hoàn thiện, nâng cấp trong giai đoạn 2019 - 2025 tham gia chương trình OCOP. Sản xuất theo quy trình VietGAP, giá bán đạt 250.000 – 300.000 đồng/kg, chè Đồng Hỷ có giá cao hơn rất 4 – 5 lần so với canh tác theo phương thức truyền thống, mỗi 1 ha chè người dân nơi đây thu lãi 300 triệu đồng/năm.

Ngoài thương hiệu chè nổi tiếng, tỉnh Thái Nguyên còn được nhiều người biết đến với gạo nếp Thầu Dầu (huyện Phú Bình). Hạt gạo to tròn, trắng đẹp, khi đồ lên có vị béo ngọt đậm đà, dẻo thơm đặc biệt mà không nơi nào có được. Sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể “Lúa nếp Thầu Dầu Phú Bình” năm 2012.

Năm 2016, UBND phường Cam Giá đón nhận nhãn hiệu tập thể “Hoa đào Cam Giá”. Nghề trồng hoa đào tại phường Cam Giá đã được hình thành khoảng hơn 20 năm. Hiện nay, làng nghề có 227 hộ trồng hoa đào với tổng diện tích hơn 8,5 ha và gần 45.000 cây đào các loại. Theo kế hoạch, Phường Cam Giá phấn đấu đến năm 2020 sẽ nâng tổng diện tích trồng hoa đào lên 15ha, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu tập thể Hoa đào Cam Giá.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Có được sản phẩm tốt đã khó, làm sao để tiêu thụ hiệu quả và ổn định các sản phẩm này còn là điều khó khăn hơn. Do đó, trong những năm qua, công tác xúc tiến thương mại của tỉnh Thái Nguyên đã được quan tâm triển khai thông qua các Hội chợ triển lãm, Hội chợ Thương mại Quốc tế, Hội chợ Đặc sản vùng miền, Hội chợ sản phẩm OCOP 2017, 2018, Festival Chè quốc tế tại Thái Nguyên... Tỉnh cũng tập trung phát triển các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, các trung tâm giới thiệu sản phẩm, hàng nông sản.

Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã bắt đầu được bán trên sàn giao dịch điện tử Postmart.vn, được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng như trà, miến dong, bánh chưng... Mục tiêu của Thái Nguyên là từ nay đến năm 2020, có ít nhất 50 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó, ít nhất 1 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 4 đến 5 sao.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên đang xây dựng Trung tâm chuyển giao kỹ thuật và giới thiệu sản phẩm, dịch vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao Thái Nguyên với chức năng bổ sung là giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tỉnh cũng hỗ trợ hình thành hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống, trung tâm hành chính cấp huyện và xã nhằm tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Từ đó, nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP địa phương.

Thu Hoài

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/thai-nguyen-gia-tang-gia-tri-san-pham-dia-phuong-159173.html