Thái Nguyên: Gần 42.000 lao động nông thôn được học nghề

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956), tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề bám sát địa bàn, đào tạo nghề sát với cuộc sống nhằm tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân. Sau 10 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 41.738 lao động nông thôn

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Chử Văn Thủy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa, cho biết: Hàng năm, chúng tôi luôn chủ động phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND các xã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn dựa trên kế hoạch được giao và nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn huyện. Năm 2019, Trung tâm đã tuyển sinh 07 lớp đào tạo nghề, có lớp đào tạo tại trung tâm, còn lại đào tạo tại các xã: Bình Thành, Đồng Thịnh, Sơn Phú, Điềm Mặc, Phú Đình, Linh Thông. Trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp 01 lớp/16 học viên (Nghề may công nghiệp); lĩnh vực nông nghiệp 06 lớp/163 học viên (gồm các nghề: nuôi và phòng trị bệnh cho gà, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, chế biến chè xanh, chè đen). Sau khi học xong, các học viên đều tìm được việc làm, một số đã mạnh dạn đầu tư, tự tin phát triển sản xuất cho bản thân và gia đình. Thực tế hiện nay, phần lớn lao động nông thôn trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn xa hoặc đi làm cho các công ty ở trong và ngoài tỉnh nên công tác tuyển sinh các lớp nghề luôn gặp khó khăn. Bởi vậy, bên cạnh việc gửi thông báo tuyển sinh đến từng xã, trung tâm còn phối hợp với chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tới tận thôn bản; bám sát các nghề mà người dân mỗi địa phương cần để xây dựng và tuyển sinh lớp nghề cho phù hợp.

Về hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, bà Lý Thị Kim Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm dạy nghề Đinh Hóa khẳng định: Về đào tạo thì không khó, kể cả cán bộ, giảng viên sẵn sàng đến tận xã “cầm tay chỉ việc”, nhưng nhu cầu địa phương chưa thật sự nhiều. Có rất nhiều chương trình Trung tâm đã đem đến cho lao động nông thôn như: Nghề nuôi và phòng trị bệnh cho gà; Nghề sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; Trồng và nhân giống nấm; Trồng rau hữu cơ… Các chương trình này đã góp phần nâng cao đời sống người dân, nhất là lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, qua đó vật nuôi, cây trồng được kiểm soát tốt hơn, nhân dân mạnh dạn đầu tư thành gia trại, vùng hàng hóa. Đơn cử như vùng chè Sơn Phú, Bình Thành, từ chỗ chỉ là nguyên liệu thô xuất bán. Nay chè Sơn Phú, chè Định Hóa sản xuất, chế biến bằng công nghệ mới, đóng túi tại chỗ, đạt giá trị thương phẩm trên 200.000đ/kg (tăng gấp 4 lần so với thời điểm năm 2009 khi còn sản xuất theo phương pháp cũ…). Bên cạnh đó các sản phẩm như rau an toàn Định Hóa (xã Kim Phượng, Sơn Phú, Thị trấn Chợ Chu), lợn trang trại (xã Bảo Cường)… do chính những học viên của Trung tâm đào tạo ra làm ra, có thương hiệu tốt trên thị trường trong và ngoài tỉnh, thu nhập bình quân mỗi lao động tham gia các mô hình gia trại, trang trại này đạt từ 4-7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, làm sao để nhân rộng, tạo sự liên kết bền vững phát triển kinh tế hộ với thị trường, là điều trăn trở nhất với chúng tôi.

Ông Bùi Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Thái Nguyên (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều đơn vị tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn; ở các huyện, thành phố, thị xã đều có Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của địa phương; các đơn vị ngoài công lập, các đơn vị ngoài tỉnh cũng tham gia dạy nghề nên việc tuyển sinh các lớp nghề theo Đề án 1956 của trung tâm gặp rất nhiều khó khăn.Trước tình hình đó, hàng năm, trung tâm đều cử cán bộ xuống bám sát địa bàn, phối hợp với chính quyền các cấp, đoàn thể các địa phương để tìm hiểu nhu cầu học nghề thực tế của mỗi địa bàn; từ đó xây dựng kế hoạch và lịch học phù hợp. Năm 2019, công tác dạy nghề và liên kết quản lý đào tạo, trung tâm đã hoàn thành vượt mức kết hoạch được giao với 715/700 người (đạt 102% kế hoạch); trong đó, dạy nghề cho lao động nông thôn có ngân sách hỗ trợ là 05 lớp với 171 học viện.

Sau 10 năm thực hiện Đề án 1956, toàn tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ đào tạo cho 41.738 người; trong đó đào tạo nghề phi nông nghiệp là 26.896 người (chiếm 64,44%), nghề nông nghiệp là 14.842 người (chiếm 35,56%); số lao động nông thôn có việc làm sau học nghề là 32.454 người đạt 77,75% (vượt mục tiêu của đề án trong từng giai đoạn đề ra). Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; giảm tỷ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; nhiều hộ gia đình có người tham gia học nghề đa số có việc làm và thu nhập ổn định, không chỉ thoát nghèo, một số hộ còn trở lên giàu có. Kinh tế của người dân phát triển, tỷ lệ lao động có việc làm tăng lên; các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới liên quan đến thu nhập, việc làm ở mỗi địa bàn nhanh chóng hoàn thành, thiết thực đưa công cuộc xây dựng nông thôn mới của tỉnh ngày một đạt thêm nhiều thành tích.

PV

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thai-nguyen-gan-42000-lao-dong-nong-thon-duoc-hoc-nghe-20201228075254115.htm