Thái Nguyên: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ môi trường và sản phẩm an toàn.

Thời gian qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên cấp xã về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM đã được nâng lên, đã huy động được sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể. Phân công nhiệm vụ chỉ đạo, thực hiện, theo dõi đôn đốc thực hiện Chương trình tới từng thành viên Ban chỉ đạo, Ban quản lý. Các xã đăng ký đạt chuẩn NTM đã chủ động đánh giá hiện trạng các tiêu chí đã đạt, tiêu chí chưa đạt xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt chuẩn (chuẩn bị mặt bằng, hồ sơ xây dựng, huy động đối ứng,...). Các xã đã đạt chuẩn và các xã còn lại tiếp tục chỉ đạo, huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng và tăng số tiêu chí đạt chuẩn. Đối với các xã đăng ký xây dựng xã NTM kiểu mẫu, bước đầu đã xây dựng được kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí, tổ chực triển khai thực hiện bộ tiêu chí xã, xóm kiểu mẫu, hộ gia đình NTM; trong đó đã chú trọng đến phát triển nhóm các tiêu chí về môi trường xanh, sạch, đẹp; tiêu chí về văn hóa; nâng cao thu nhập của người dân như phát triển các hợp tác xã, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tìm đầu ra sản phẩm.

Hiệp hội Làng nghề tỉnh bàn giao thiết bị chế biến, bảo quản sản phẩm chè cho nhân dân làng nghề chè truyền thống xóm 9, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).

Tuy nhiên, cùng với thành quả nổi bật đó, đời sống của người nông dân - chủ thể của nông nghiệp - vẫn gặp rất nhiều khó khăn vì thu nhập bấp bênh, chất lượng sống của nông hộ trong tỉnh vẫn còn thấp… Một vấn đề cần đề cập nữa là những năm qua, Thái Nguyên đã đầu tư cho phát triển ngành Nông nghiệp nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng.

Một thực tế nữa là, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh chỉ tăng về lượng chứ chưa tăng về chất, do đó sức cạnh tranh trên thị trường, trong khu vực chưa cao. Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nông nghiệp những năm qua còn dàn trải, chưa tập trung vào nâng cao giá trị, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm; chưa quan tâm đầu tư chính sách cho lĩnh vực thu gom, chế biến tiêu thụ sản phẩm; chưa chú ý đến tổ chức hình thức sản xuất nông nghiệp sao cho hiệu quả (tổ hợp tác, hợp tác xã)…

Trước những khó khăn như vậy, đòi hỏi Thái Nguyên phải tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Với mục tiêu tái cơ cấu sao cho nông sản trong tỉnh có thể xuất khẩu và xuất khẩu với giá thành cao, xây dựng được thương hiệu, có sức cạnh tranh mạnh; tránh tình trạng giá nông sản bấp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập của người làm nông nghiệp; Tăng vốn đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp, bao gồm cả đầu tư Nhà nước và đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các ngành, các cấp từ tỉnh đến huyện, xã quan tâm tới việc quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp với đặc điểm từng vùng để phát huy lợi ích trước mắt và lâu dài...

Tỉnh luôn coi trọng đổi mới tư duy trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao; hình thành vùng cây hàng hóa, nhất là cây chè với quy mô lớn hơn, ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế đồi rừng; trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng thâm canh, cải tạo rừng nghèo kiệt; nhân rộng mô hình trồng cây dược liệu ở huyện Võ Nhai, cây quế ở huyện Định Hóa; phát triển nhiều nhà máy chế biến lâm sản.

Đến nay, cơ cấu ngành nông nghiệp của Thái Nguyên có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tỉnh đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung với nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản có sức cạnh tranh, thương hiệu trên thị trường. So với năm 2008, mặc dù diện tích gieo trồng toàn tỉnh giảm hơn 600 ha, nhưng sản lượng lương thực có hạt tăng hơn 50 nghìn tấn; diện tích chè tăng 4.655 ha, sản lượng chè búp tươi tăng 75.456 tấn. Giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh đã huy động được hơn 23,6 nghìn tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Hiện, toàn tỉnh đã có 68 trong số 143 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt được là 15,3 tiêu chí/xã.

Nguyễn Cúc

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep/thai-nguyen-day-manh-co-cau-lai-nong-nghiep-275820.html