Thái Nguyên: Công bố nguyên nhân sụt lún đất - Người mừng kẻ lo

Đã 4 năm qua (2014-2018), nhân dân xã Cây Thị và thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên không khỏi băn khoăn, thắc mắc về nguyên nhân gây ra hiện tượng sụt lún đất, mất nước, nứt nhà. Nhiều năm dài, người dân lo lắng mất an toàn tính mạng và tài sản, hoạt động canh tác trên đồng ruộng bị ngưng trệ vì mất nước… Trong nhiều tháng khảo sát, nghiên cứu khoa học, mới đây, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã chính thức hoàn tất việc nghiên cứu, đánh giá, xác định nguyên nhân gây sụt lún tại khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị (Đồng Hỷ). Trong đó, chỉ rõ nguyên nhân và chủ thể gây ra hiện tượng sụt lún. Đây là tin vui đối với các hộ dân trong diện ảnh hưởng sụt lún bởi họ sắp được xem xét, bồi thường hoặc di chuyển nhà ở ra vị trí mới ổn định hơn. Tuy nhiên, thông tin này lại làm cho không ít doanh nghiệp liên quan lo lắng khoản tiền lớn đền bù cho dân.

Người dân yên tâm

Mới đây, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã chính thức hoàn tất việc nghiên cứu, đánh giá, xác định nguyên nhân gây sụt lún tại khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị (Đồng Hỷ). Bản báo cáo kèm các bảng biểu tính toán rất tỉ mỉ, chi tiết dày nhiều trang giấy. UBND huyện Đồng Hỷ đã phải chắt lọc thông tin chính yếu, cụ thể bằng một thông báo ngắn gọn lên cấp trên và công bố đến chính quyền cấp cơ sở và nhân dân vùng sụt lún đất biết.

Năm 2017, một hố sụt đất xảy ra trên cánh đồng Kim Cương, xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Thủy,Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã cho phóng viên biết: “Nguyên nhân chính gây sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị do moong khai thác tầng sâu núi Quặng - Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên đào xúc đất, nổ mìn phá đá tạo thành bờ moong sâu, dốc và bơm hút nước tháo khô mỏ trong tầng chứa nước khe nứt, hang hốc kasrt(cát-tơ) ngầm rất phát triển, quy mô lớn. Hiện tượng sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng do mỏ này gây ra có quy mô lớn, phạm vi bao trùm trên diện rộng.

Đoàn cán bộ khoa học của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên - Môi trường) khoan thăm dò xác định nguyên nhân sụt lún đất ở xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ.

Các moong khai thác nhóm 1 (thuộc quyền quản lý của Công ty Cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên và Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng) gây nứt đất và các công trình xây dựng xung quanh thành bờ moong ở phạm vi nhỏ lẻ, cục bộ tại xóm Hòa Bình, xã Cây Thị. Ngoài ra, kết quả đo rung nền đất do nổ mìn xác định hoạt động nổ mìn đã kích hoạt thêm các tai biến địa chất.

Ngoài ra, về khách quan, tình trạng sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng còn do diện tích phân bố đá vôi nứt nẻ có hang kasrt(cát-tơ) ngầm làm tiền đề cho tai biến địa chất xảy ra khi có các kích hoạt như hạ thấp mực nước dưới đất, có chấn động, tăng tải trọng...”

Hội nghị công bố nguyên nhân gây sụt lún đất, mất nước khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Được biết thêm, sau khi có kết luận chính thức về nguyên nhân gây sụt lún đất, mất nước, rạn nứt công trình xây dựng khu vực thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị, lãnh đạo UBND huyện Đồng Hỷ đã yêu cầu ba doanh nghiệp khai thác khoáng sản tại khu vực này có trách nhiệm bồi thường và hỗ trợ thiệt hại đối với công trình bị ảnh hưởng.

Đây là tin vui đối với người dân vùng sụt lún Trại Cau, Cây Thị. Họ đang mong chờ từng ngày, nên đòi hỏi công tác triển khai của chính quyền và doanh nghiệp phải nhanh chóng, hiệu quả trên tinh thần công tâm, khách quan vì lợi ích chính đáng của người dân. Ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị, huyện Đồng Hỷ đã cho biết: Chính quyền xã Cây Thị và nhân dân xin được cảm ơn cấp trên cùng các nhà khoa học của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã làm việc không quản ngày đêm, mưa nắng để có kết luận khách quan, chính xác về hiện tượng sụt lún đất, mất nước, nứt nhà. Bản kết luận như giúp nhân dân xã và chúng tôi như trút bỏ được gánh nặng tâm lý tinh thần về hiện tượng sụt lún đất. Và cũng từ đây, xác định rõ chủ thể tác động thúc đẩy quá trình sụt lún đất, mất nước diễn ra nhanh hơn, sớm hơn. Họ sẽ chịu trách nhiệm giúp dân bồi thường, hỗ trợ di rời công trình nhà cửa, bù đắp thiệt hại cho người dân không chăn nuôi, canh tác được trong suốt nhiều năm qua.

Một trong số hàng chục nhà dân ở thị trấn Trại Cau và xã Cây Thị bị nứt công trình nhà cửa.

Bà Vũ Thị Cúc ở tổ 14, thị trất Trại Cau cũng như nhiều người dân ở các xóm Kim Cương, Hòa Bình, Trại Cau của xã Cây Thị có nhà cửa, chuồng trại, ruộng vườn bị ảnh hưởng nặng của hiện tượng sụt lún, mất nước đã vui mừng chia sẻ: “Bằng kinh nghiệm quan sát lâu năm, chúng tôi đã xác định là do hoạt động khai thác mỏ gây nên sụt lún đất. Nhiều năm qua, dân chúng tôi khổ quá phải sống trong cảnh thiếu nước, ruộng vườn, ao chuồng không canh tác được. Nay có thông báo kết luận rõ ràng rồi, các doanh nghiệp khẩn trương cùng chính quyền kiểm đếm, đền bù thỏa đáng cho dân sớm ổn định cuộc sống mới….”

Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Trong bản thống báo kết luận nguyên nhân gây nên sụt lún đát mất nước ở thị trấn Trại cau, xã Cây Thị đã nêu rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại về công trình, hoa màu: Công ty Cổ phần luyện kim đen Thái Nguyên chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với các công trình xây dựng bị ảnh hưởng ở phạm vi nhỏ lẻ tập trung ở xóm Hòa Bình, xã Cây Thị.

Về vấn đề này, đại diện cho doanh nghiệp, ông Đỗ Thanh Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên đã bày tỏ ý kiến rằng: Công ty chúng tôi thấy bản kết luận của Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) là trung thực, khách quan. Doanh nghiệp đều đồng tình và xin chịu phần trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, trước đây, tại các vùng sụt lún này đều có hiện tượng người dân khai thác vàng, khai thác quặng sắt lậu trên diện rộng nên cũng có những tác động nhất định đến quá trình sụt lún chứ không chỉ hoàn toàn do doanh nghiệp được cấp mỏ khai thác hiện nay. Phần trách nhiệm của doanh nghiệp sẽ chấp nhận đền bù khi có kết quả kiểm đếm cụ thể. Nhưng hiện nay, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính nên đề nghị cấp chính quyền, nhân dân tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, tìm giải pháp hỗ trợ từ nguồn thuế, phí bảo vệ môi trường để đền bù cho dân…”.

Doanh nghiệp tư nhân Anh Thắng (nay là công ty TNHH Một thành viên Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng) chịu trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với các công trình xây dựng bị ảnh hưởng ở phạm vi nhỏ lẻ, cục bộ do việc khai thác tại mỏ có số hiệu MHB7/7. Quá trình thực hiện khai thác của doanh nghiệp này có tác động ảnh hưởng đến một nhà văn hóa xóm. Do vậy, người đại diện của đơn vị doanh nghiệp này, ông Vũ Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khoáng sản và Bất động sản Anh Thắng đã có ý kiến như sau: Phần thiệt hại cần chia trách nhiệm cho doanh nghiệp một cách phù hợp, không nên cào bằng. Vì các doanh nghiệp khai thác mạnh, yếu thì có tác động mạnh, yếu khác nhau đến quá trình sụt lún, mất nước, nứt rạn công trình gây thiệt hại cho dân. Với doanh nghiệp Anh Thắng sẽ nhận đúng phần trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, vào thời điểm khó khăn này, mức hỗ trợ bồi thường của các doanh nghiệp còn lại là khá lớn vượt khả năng của họ. Đây là đều mà các công ty khai thác quặng ở vùng này đều lo lắng cần phải tính đếm phương án tồn tại cho hoạt động khai thác, sản xuất…

Hoạt động khai thác quặng sắt tại moong Tầng sâu Núi Quặng của mỏ sắt Trại Cau.

Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên chịu trách nhiệm chính bồi thường, hỗ trợ thiệt hại đối với các công trình xây dựng bị ảnh hưởng của việc khai thác moong Tầng sâu Núi Quặng... Đối với thiệt hại về hoa màu, trách nhiệm bổi thường, hỗ trợ thiệt hại về nông nghiệp, mất nước sinh hoạt, nước sản xuất thuộc Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên.

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên đã chia sẻ: Nếu ước tính khoản tiền đền bù cho người dân bị ảnh hưởng sẽ rất lớn đến hàng chục tỷ đồng. Công ty Gang thép Thái Nguyên đang gặp nhiều khó khăn, hàng nghìn người lao động đang trông đợi vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Nhiều năm qua, Mỏ sắt Trại Cau đã nộp đầy đủ khoản phí bảo vệ môi trường hơn 140 tỷ đồng cho nhà nước. Nay có sự cố này xảy ra lại quy trách nhiệm chính cho công ty thì vất vả quá. Chúng tôi nghiên cứu thấy quá sức vì lượng quặng sắt còn tồn dưới moong tầng sâu Núi Quặng không nhiều, chỉ đủ khai thác độ 2 năm nữa là hết. Khả năng phải đóng cửa mỏ, trả lại cho nhà nước nếu không còn giải pháp gì khác từ phía chính quyền địa phương. Cần trích quỹ bảo vệ môi trường ra tạm ứng hỗ trợ doanh nghiệp, đền bù di rời nhà cửa cho dân ra nơi ở mới, xây dựng khu tái định cư nếu cần thiết. Cần phải đền bù theo thực tế nhà dân bị ảnh hưởng chứ không nên “giải phóng trắng” hơn 200 hộ dân đang sinh sống trong phạm vi 2,7km2 bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết: Sau khi ký công bố kết quả xác minh, huyện tiến hành ngay các bước triển khai phương án bồi thường, hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng. Huyện sẽ thành lập tổ công tác xuống từng hộ để kiểm đếm, xác định mức độ thiệt hại, trên cơ sở đó đề xuất phương án hỗ trợ, đền bù, di chuyển nhà cửa… cho bà con. Huyện cũng làm việc với 3 doanh nghiệp khai khoáng có liên quan để thống nhất phương án, nguồn kinh phí cụ thể sẵn sàng chi trả theo thực tế. Căn cứ cơ sở khoa học thì phạm vi ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản có diện tích 2,7km2, nhưng thực tế hiện nay khu vực chị tác động lớn nhất chủ yếu nằm giáp với các khai trường. Do vậy, trong điều kiện Công ty CP Gang thép Thái Nguyên đang gặp không ít khó khăn, trước mắt huyện sẽ tiến hành kiểm đếm, xác định thiệt hại và bồi thường hoặc di dời đối với những trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong thời gian chờ kiểm đếm tài sản cho các hộ dân, chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm, tuyên truyền vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai; nghiêm cấp hoạt động xây dựng, cơi nới công trình xây dựng chờ đón đền bù nhằm trục lợi cá nhân, gây phức tạp cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Chính quyền tỉnh Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ, ngành chức năng liên quan của tỉnh Thái Nguyên, các doanh nghiệp trực tiếp gây ảnh hưởng cần sớm triển khai thực hiện kết luận khoa học về xác định nguyên nhân gây ra sụt lún đất và gắn trách nhiệm của các bên liên quan, sớm đền bù cho nhân dân trong vùng xảy ra sụt lún đất nguy hiểm ở huyện Đồng Hỷ.

Đức Nam

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/ban-doc/thai-nguyen-cong-bo-nguyen-nhan-sut-lun-dat-nguoi-mung-ke-lo-1261510.html