Thái Lan: Vừa mở cửa du lịch, vừa cấp tập chống 'bão' Covid-19

Thử nghiệm mở cửa du lịch ở đảo Phuket vào đầu tháng 7, tiếp theo là kế hoạch mở cửa nền kinh tế hoàn toàn vào giữa tháng 10 của chính phủ Thái Lan là bước đi táo bạo nhưng đầy rủi ro trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến.

Du khách thăm đền Wat Chaiwatthan ở cố đô Ayutthaya, phía Bắc Bangkok vào ngày 27/6. (Nguồn: AFP)

Du khách thăm đền Wat Chaiwatthan ở cố đô Ayutthaya, phía Bắc Bangkok vào ngày 27/6. (Nguồn: AFP)

Nhiều chuyên gia lo sợ rằng Thái Lan sẽ lặp lại 'bi kịch" của một số quốc gia như Maldives, Seychelles và Hy Lạp khi số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, khiến mục tiêu ban đầu của việc mở cửa là phục hồi lại nền kinh tế lại cho kết quả đảo ngược.

Đau đầu bài toán kinh tế

Chưa đầy 100 ngày trước khi thực hiện kế hoạch mở cửa biên giới cho du khách quốc tế, Thái Lan đang trong tình trạng bùng phát dịch bệnh Covid-19 ngày càng trầm trọng và việc tiêm chủng vaccine diễn ra chậm chạp.

Với quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch như Thái Lan, nhiệm vụ giải cứu ngành “công nghiệp không khói” đã bị tàn phá sau 18 tháng đại dịch mà vẫn đảm bảo không “rước” thêm virus là điều không dễ.

Những thiên đường đảo nhiệt đới của Maldives và Seychelles đã chứng kiến sự gia tăng kỷ lục về số ca nhiễm kể từ khi mở cửa biên giới mặc dù 70% dân số của các quốc gia trên đã được tiêm vaccine. Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, Thái Lan sẽ mất gần một năm để đạt được mức trên.

Trước đại dịch, du lịch đóng góp khoảng 20% tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến 7 triệu người lao động, từ những người bán hàng rong, bán thức ăn đường phố đến tài xế taxi và người dọn phòng khách sạn, hướng dẫn viên du lịch.

Dịch bệnh khiến nguồn thu ngoại tệ từ ngành du lịch của Thái Lan giảm đột ngột. Điều đó làm cho việc mở cửa biên giới trở thành một "rủi ro có tính toán" đối với chính phủ.

Nói về kế hoạch mở cửa đất nước vào ngày 14/10, Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha phát biểu trên truyền hình vào thời điểm cuối tháng 6 rằng: Thái Lan "không thể chờ đợi đến thời điểm khi tất cả mọi người được tiêm chủng đầy đủ hoặc khi thế giới không còn virus".

Ông cho rằng trong khi số ca lây nhiễm có thể tăng lên thì "nhu cầu kinh tế của người dân" cũng phải được xem xét.

Ông Bill Barnett, Giám đốc điều hành tại công ty tư vấn khách sạn C9 Hotelworks cho rằng Thái Lan không thể đóng cửa biên giới quá lâu vì điều này ảnh hưởng trầm trọng đến sinh kế của người dân.

Trước khi có kế hoạch mở cửa toàn đất nước vào giữa tháng 10, Thái Lan đã thử nghiệm cho phép khách du lịch nước ngoài đã tiêm vaccine đến hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket. Tính đến ngày 13/7, hòn đảo này đón 4.700 du khách, trong đó có 6 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Bản thân Thủ tướng Prayuth cũng phải cách ly tại nhà một tuần sau khi tiếp xúc gần gũi với một người sau đó có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 trong sự kiện mở cửa lại Phuket.

Ngày 16/7, Thái Lan ghi nhận thêm 9.692 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 381.907 ca kể từ khi đại dịch bùng phát. Cùng ngày, nước này cũng ghi nhận thêm 67 trường hợp tử vong do Covid-19. Đến nay, có tổng cộng 3.099 người không qua khỏi do dịch bệnh tại Thái Lan.

Ngân hàng trung ương Thái Lan có khả năng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 do tình hình bùng phát trở nên tồi tệ hơn.

Giống như Thái Lan, bất chấp sự bùng phát của virus, nhiều quốc gia khác cũng đang chào đón du khách trở lại để hỗ trợ nền kinh tế ốm yếu. Sri Lanka tuần trước đã nới lỏng các yêu cầu nhập cảnh để hồi sinh ngành du lịch đóng góp gần 5% GDP cho nước này trước đại dịch.

Chính phủ Sri Lanka đang tìm cách tăng ngoại hối trước khi khoản nợ hơn 2,5 tỷ USD đến hạn trả trong 12 tháng tới. Nước này cho phép hầu hết khách du lịch đã tiêm phòng chỉ cần cách ly chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 trong một ngày. Sau đó, du khách có thể di chuyển giữa các khách sạn và ghé thăm các địa điểm đã được chấp thuận trong chương trình du lịch.

Thiệt hại lâu dài

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng việc khởi động lại ngành du lịch trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn trong điều kiện tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp và năng lực xét nghiệm hạn chế sẽ dẫn đến những thiệt hại kinh tế về lâu dài.

Một gia đình người Israel nghỉ dưỡng ở Phuket ngày 7/7 sau khi chính phủ Thái Lan cho phép đón khách du lịch nước ngoài nhằm vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19. (Nguồn: AP).

Giáo sư Thira Woratanarat giảng dạy tại Khoa Y Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận định: “Với đợt bùng phát dịch kéo dài lần này, những tác động đối với kinh tế xã hội sẽ tồi tệ nhất từ trước tới nay. Vấn đề nằm ở chỗ phần lớn mọi người sẽ không thể đối phó được vì nguồn lực đã cạn kiệt".

Thái Lan ngày 15/7 đã mở cửa thêm 3 hòn đảo, gồm Samui, Tao và Phangan, đối với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Du khách đến Samui sẽ phải ở tại 1 khách sạn đã được chấp thuận trong vòng 1 tuần và có thể rời cơ sở lưu trú vào ngày thứ 4. Sau tuần đầu tiên, các du khách sẽ phải có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi được phép đến Tao hoặc Phangan.

Thực tế, các nước đi tiên phong mở cửa du lịch trước đó hiện đều thắt chặt các điều kiện nhập cảnh do tỷ lệ nhiễm Covid-19 vẫn tăng cao.

Quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh, bắt đầu chào đón khách du lịch vào tháng 12 năm ngoái, trong tuần này yêu cầu tất cả du khách phải có kết quả xét nghiệm trước khi đến và cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính với Covid-19.

Hy Lạp, giống như Thái Lan, trước đại dịch Covid-19 có khoảng 1/5 GDP từ ngành du lịch, đã dỡ bỏ hầu hết các hạn chế trước mùa Hè – mùa cao điểm nghỉ dưỡng ở châu Âu.

Động thái này bị các nhà lãnh đạo nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích. Một phần nguyên nhân của sự phản đối này là do Hy Lạp chấp nhận cho du khách tiêm vaccine của Trung Quốc và Nga - những loại vaccine chưa được EU chấp thuận – nhập cảnh.

Từ cuối tháng Sáu, khi ghi nhận số ca nhiễm biến thể Delta tăng vọt, Hy Lạp bắt đầu áp dụng các biện pháp hạn chế thắt chặt, bao gồm cả việc cấm những người chưa được tiêm phòng đến các quán bar, rạp chiếu phim và rạp hát.

Theo ông Thira, đối với Thái Lan, việc mở cửa trở lại vội vã có thể là chất xúc tác cho một làn sóng virus khác.

Ông nói: “Khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát, ngân sách cũng như nguồn lực đã được sử dụng hết, Thái Lan có thể buộc phải nới lỏng mọi biện pháp hạn chế và tình trạng lây nhiễm sẽ gia tăng. Đó là tình huống xấu nhất".

(theo Straitstimes)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thai-lan-vua-mo-cua-du-lich-vua-cap-tap-chong-bao-covid-19-151525.html