Thái Lan với những nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng

Là một trong những trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng và giảm đói nghèo, tham nhũng luôn là một thách thức mang tính toàn cầu.

Tại Thái Lan, trong những năm gần đây tham nhũng đã châm ngòi cho những bất ổn về chính trị tại quốc gia này. Bằng việc ban hành nhiều luật lệ nghiêm khắc nhằm kiềm chế tham nhũng, Thái Lan hi vọng những đạo luật mới có thể đưa ra được những biện pháp uyển chuyển trong việc truy tố những nghi can tại quốc gia được coi là một trong những nước tham nhũng nhất châu Á này.

Luật chống tham nhũng mới tại Thái Lan được xây dựng sau khi xảy ra một số vụ tham nhũng cấp cao tại quốc gia này. Trong vài năm qua, các cơ quan quản lý ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Nhật Bản đã điều tra các hoạt động tham nhũng liên quan đến các công ty đa quốc gia trả tiền hối lộ ở Thái Lan. Với Luật Chống tham nhũng mới, và đặc biệt là định nghĩa mở rộng của các pháp nhân, cho thấy chính phủ Thái Lan đang nỗ lực trong việc tìm ra những giải pháp nhằm giải quyết vấn đề tham nhũng tại nước này.

Nếu như trước đây Luật Chống tham nhũng của Thái Lan thường tập trung vào những người nhận hối lộ, cụ thể là các quan chức chính phủ thì với những sửa đổi năm 2015, Đạo luật cơ bản về chống Tham nhũng đã bắt đầu hướng tới những người hối lộ - bao gồm các tập đoàn và cá nhân tư nhân. Và mới đây, vào tháng 8/2018, Luật Chống tham nhũng mới đã chính thức có hiệu lực ở Thái Lan.

Tổng quan về tham nhũng ở Thái Lan

Tham nhũng tồn tại ở Thái Lan dưới nhiều hình thức. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), một tổ chức phi chính phủ đo lường mức độ tham nhũng, đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2014 của Thái Lan đạt 38/100 điểm. Để so sánh, Singapore có số điểm là 84 (một trong những quốc gia có mức điểm cao nhất thế giới) và Malaysia, 50 điểm. Campuchia và Myanmar có điểm thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á với 21 điểm. Với mức đánh giá trên, có thể khẳng định Thái Lan chắc chắn không phải là nước tham nhũng nhiều nhất trong khu vực ASEAN, nhưng tham nhũng vẫn là vấn đề nổi cộm đe dọa đến sự phát triển kinh tế xã hội nước này. Trong những năm gần đây, Thái Lan đã tìm cách tăng cường các chính sách, luật pháp trong lĩnh vực chống tham nhũng. Chống tham nhũng đã được Thái Lan đưa lên thành một trong những chính sách cốt lõi, trọng tâm của chính phủ. Theo Hội đồng Quốc gia về Hòa bình và trật tự Thái Lan (NCPO), luật chống tham nhũng chính của Thái Lan gần đây đã được sửa đổi đã đưa Thái Lan gần hơn với các nghĩa vụ quốc tế theo Công ước chống tham nhũng (UNCAC) mà Thái Lan phê chuẩn năm 2011. Ngoài ra, Luật Chống rửa tiền đã được sửa đổi và một đạo luật mới nhằm tăng cường sự minh bạch trong việc cấp phép cũng đã được ban hành.

Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài ở Thái Lan ít phải đối mặt với nguy cơ bị truy tố vì các hoạt động tham nhũng. Ngoại trừ những công ty và cá nhân hoạt động dưới sự chi phối của Đạo luật Chống tham nhũng ở nước ngoài của Mỹ (FCPA), Đạo luật Chống hối lộ của Vương quốc Anh và Công ước OECD về chống hội lộ đối với các công chức chính phủ nước ngoài thì có nguy cơ bị truy tố vì tham nhũng cao hơn. Tuy nhiên, thực tế số lượng các vụ việc tham nhũng bị tuy tố tại Thái Lan rất ít. Nhiều lý do được đưa ra để giải thích cho điều này, nhưng một yếu tố không thể không đề cập đến đó là việc thiếu thẩm quyền lập pháp rõ ràng. Cụ thể, Bộ luật hình sự Thái Lan không đề cập đến trách nhiệm của công ty hối lộ. Kết quả là, trong khi người hối lộ thực sự có thể bị truy tố theo Bộ luật Hình sự, nhưng công ty được hưởng lợi từ khoản hối lộ thì lại không bị trừng phạt. Tuy nhiên, với những sửa đổi của Luật Chống tham nhũng, bối cảnh pháp lý liên quan đến tuân thủ chống tham nhũng đã thay đổi đáng kể cho khu vực tư nhân. Không giống như Bộ luật hình sự trước đây của Luật Chống tham nhũng, luật mới quy định rõ ràng trách nhiệm hình sự của công ty. Nói cách khác, các công ty, không chỉ nhân viên hay đại lý của họ, đều có thể bị trừng phạt vì vi phạm Luật Chống tham nhũng. Điều này bao gồm các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài cũng như trong nước. Do đó, các nhà đầu tư kinh doanh ở Thái Lan nên nhận thức được những rủi ro và trách nhiệm của họ để tuân thủ luật chống tham nhũng của Thái Lan.

Thế nào được coi là "tham nhũng" ở Thái Lan?

Luật pháp Thái Lan hình sự hóa một loạt các hành vi được coi là "tham nhũng". Theo Bộ Luật hình sự và Luật Chống tham nhũng, tham nhũng, hối lộ là hành vi đưa ra hoặc hứa hẹn mang lại lợi ích cho công chức nhà nước để đổi lấy lợi ích cho bản thân. Lợi ích được đưa ra có thể bao gồm bất cứ thứ gì từ tiền bạc đến đồ trang sức hay các hình thức giải trí... Lợi ích nhận được có thể là một hành động được thực hiện bởi một công chức nhà nước, chẳng hạn như trao hợp đồng hoặc giấy phép chính thức; hoặc ngăn chặn những phán quyết buộc tội... Theo luật pháp của Thái Lan, công chức nhà nước có nghĩa là bất cứ ai nắm giữ một vị trí chính trị (ví dụ, các thành viên của cơ quan lập pháp và nội các), nhân viên của các doanh nghiệp hoặc cơ quan công lập... Công chức nhà nước được định nghĩa là những người nhận lương từ các quỹ công. Bên cạnh đó, Luật Chống tham nhũng Thái Lan cũng hình sự hóa việc hối lộ cho các công chức nước ngoài và các công chức tổ chức quốc tế (ví dụ như nhân viên của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á). Các công chức nước ngoài được định nghĩa là bất kỳ cá nhân có văn phòng luật, điều hành, hành chính hoặc tư pháp của một quốc gia nước ngoài hoặc bất kỳ cá nhân nào thực hiện các chức năng công cho một quốc gia nước ngoài.

Hối lộ trong lĩnh vực tư có chịu sự chi phối của Luật pháp Thái Lan?

Theo những sửa đổi của Luật Chống tham nhũng Thái Lan, một pháp nhân hợp pháp có thể chịu trách nhiệm hình sự về tham nhũng. Một công ty sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng nếu người hối lộ thực sự có liên quan đến tổ chức, phạm tội vì lợi ích của công ty và công ty không thực hiện "biện pháp nội bộ thích hợp" để ngăn hối lộ. Quan trọng hơn, công ty vẫn chịu trách nhiệm hình sự ngay cả khi người phạm tội đã hành động mà không có sự cho phép của công ty. Luật không nêu rõ các biện pháp nội bộ nào có thể chấp nhận được để hạn chế hoặc loại trừ trách nhiệm pháp lý, mặc dù người ta cho rằng sáng kiến tuân thủ mạnh mẽ sẽ làm giảm khả năng chịu trách nhiệm. Luật pháp Thái Lan quy định rằng một thực thể tư nhân chịu trách nhiệm hình sự khi giành lợi thế với một cơ quan nhà nước thông qua sự xúi giục, thông đồng hoặc ép buộc.

Vậy một công ty có thể chịu trách nhiệm hình sự về các hành động của nhân viên, đại lý, nhà tư vấn, hoặc bên thứ ba khác không? Câu trả lời là có. Theo Luật pháp Thái Lan, công ty phải chịu trách nhiệm hình sự về các hoạt động tham nhũng của bất kỳ "người liên quan" nào. Những người có liên quan bao gồm nhân viên, đại lý, tư vấn, công ty con và bất kỳ bên nào khác hoạt động cho công ty. Hơn nữa, tổ chức có thể có tội ngay cả khi người liên quan đã hối lộ mà không có sự cho phép của ban quản lý. Vì vậy, bất kỳ nhân viên thuộc công ty nào chịu sự xử lý của pháp luật vì hành vi hối lộ thì công ty đó cũng không thể tránh khỏi trách nhiệm.

Ngoài ra, theo Luật Chống tham nhũng Thái Lan, trách nhiệm pháp lý của một công ty gắn liền với việc công ty có thực hiện “các biện pháp nội bộ thích hợp” để ngăn chặn hoạt động tham nhũng hay không. Cụ thể, nếu một đại lý của công ty phạm tội tham nhũng nhằm đạt “lợi ích” cho một công ty, công ty đó sẽ bị coi là phạm tội tham nhũng, trừ khi công ty đó có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát nội bộ phù hợp ngăn chặn hành động tham nhũng. Một điều khoản mới đối với Đạo luật chống tham nhũng quy định rằng: Trong trường hợp một bên có hành vi vi phạm liên quan đến một pháp nhân và cam kết vì lợi ích của pháp nhân đó, thì pháp nhân đó sẽ bị coi là phạm tội, trừ khi có thể chứng minh rằng pháp nhân đã có biện pháp kiểm soát nội bộ thích hợp để ngăn chặn hành vi phạm tội.

Tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm công

Rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm công của Thái Lan đang ở mức rất cao. Các doanh nghiệp chỉ ra rằng hối lộ hay nói cách khác là các khoản thanh toán bất thường trong quá trình trao đổi hợp đồng chính phủ là phổ biến. Gian lận trong mua sắm công thường xuyên nhất xảy ra trong việc báo giá và mời thầu, lựa chọn nhà cung cấp, ký hợp đồng nhà cung cấp và quy trình bảo trì. Các trường hợp gian lận trong quá trình thanh toán đã tăng gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2016. Sự yếu kém, phân tán và không phản ánh thực tiễn lập pháp quốc tế trong khung pháp lý cho việc mua sắm công là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Một nửa dân số Thái Lan tin rằng hầu hết các công chức chính quyền địa phương đều tham nhũng. Mức lương quá thấp và sự chấp nhận các kênh thu nhập phi chính thức chính là một căn cơ quan trọng khiến tình trạng công chức quá dễ dàng sa ngã vào tham nhũng. Mặc dù vậy, các công ty nước ngoài tuân thủ các nguyên tắc nghiêm ngặt của Đạo luật Chống Tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) thừa nhận rằng họ có thể cạnh tranh thành công ở Thái Lan. Theo những công ty này, sẽ dễ dàng hơn khi từ chối giao dịch tham nhũng ngay từ lúc bắt đầu thay vì sau khi công ty đã thể hiện sự sẵn lòng tham gia vào các hoạt động này.

Tặng quà, du lịch và giải trí có được coi là hối lộ không?

Điều này phụ thuộc vào bản chất, số lượng và lý do của món quà. Tặng quà cho các công chức nhà nước là phong tục ở Thái Lan. Quà tặng được đưa ra trong một “dịp hoặc hoàn cảnh thích hợp” và có giá trị không vượt quá 3.000 THB (khoảng hơn 2 triệu đồng) có thể được chấp nhận mà không cấu thành hành vi phạm tội. Một công chức nhà nước có thể chấp nhận một món quà trị giá dưới 3.000 THB (được đưa ra trong những dịp hoặc hoàn cảnh thích hợp) cho mục đích duy trì quan hệ, miễn là thông báo cho cấp trên về món quà. Cấp trên có thể quyết định liệu món quà có được nhận hay không. Tuy nhiên lại không có hướng dẫn hoặc định nghĩa cụ thể nào về “những dịp hoặc hoàn cảnh thích hợp”. Luật quy định rằng "lợi ích" có thể là bất kỳ thứ gì có giá trị, bao gồm các phiếu giảm giá, giải trí, dịch vụ, đào tạo, bữa ăn... Nếu món quà vượt quá ngưỡng và có mục đích sai trái thì sẽ bị coi là hối lộ theo Bộ luật Hình sự và Luật Chống tham nhũng Thái Lan. Trong trường hợp này, người tặng quà có thể bị phạt.

Hình phạt cho hành vi hối lộ ở Thái Lan

Một pháp nhân có thể bị trừng phạt với mức phạt tối đa gấp đôi thiệt hại thực tế hoặc lợi ích thu được thông qua hoạt động tham nhũng. Ví dụ, nếu một công ty thắng một hợp đồng trị giá 100 triệu THB (hơn 70 tỷ đồng) vì hối lộ, công ty có thể phải đối mặt với mức phạt tối đa là 200 triệu THB (hơn 140 tỷ đồng). Ngoài ra, theo luật pháp Thái Lan, người hối lộ có thể bị phạt với thời hạn tù tối đa là 5 năm, phạt 100.000 THB (hơn 70 triệu đồng) hoặc cả hai. Nội dung nộp hồ sơ dự thầu cũng có các hình phạt cụ thể đối với các vi phạm pháp luật đó. Một người tham nhũng để thắng thầu có thể bị giam giữ từ một đến năm năm và bị phạt 50% giá thầu cao nhất được gửi hoặc giá trị của hợp đồng đã được ký kết với cơ quan nhà nước, tùy theo mức nào cao hơn. Đối với người hối lộ, thời hiệu thi hành án là mười năm kể từ khi vi phạm được thực hiện. Tuy nhiên, theo Luật Chống tham nhũng Thái Lan, khi một người nào đó bị buộc tội vi phạm luật chống tham nhũng rời khỏi Thái Lan, thời hiệu thi hành án sẽ tự động tạm dừng. Khoảng thời gian dừng khi người phạm tội bị cáo buộc ở bên ngoài Thái Lan sẽ tiếp tục khi người đó quay trở lại. Với việc sửa đổi này, những người bị cáo buộc vi phạm tham nhũng không thể đơn giản là “chờ đợi” hết thời hiệu thi hành án bằng cách trốn ra nước ngoài.

Theo luật pháp Thái Lan, các khiếu nại về tham nhũng có thể được đệ trình tới cảnh sát, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia, hoặc Bộ Tư pháp. Các cơ quan này đều được ủy quyền điều tra và nếu thích hợp sẽ đưa ra truy tố. Thái Lan không có bất kỳ luật lệ cụ thể nào để bảo vệ hoặc khuyến khích những người tố giác báo cáo tham nhũng. Tuy nhiên, theo điều khoản về bảo vệ nhân chứng trong Luật Hình sự, các nhân chứng đủ điều kiện cho các biện pháp “bảo vệ đặc biệt” trong trường hợp chống tham nhũng.

Theo Báo cáo Liêm chính toàn cầu vào năm 2007, Luật Chống tham nhũng ở Thái Lan được đánh giá là khá mạnh mẽ, bởi một số hành vi tham nhũng nhất định có mức hình phạt cao nhất lên đến tử hình. Tuy nhiên, việc thi hành trên thực tế vẫn cần được cải thiện. Việc truy tố và thực thi các trường hợp theo luật này vẫn chưa nhất quán. Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan, cơ quan thực thi chống tham nhũng chính của Thái Lan, không đủ nguồn lực để hành động kịp thời và dứt khoát trong các cuộc điều tra tham nhũng. Tuy nhiên, gần đây Ủy ban Tham nhũng Quốc gia Thái Lan đang cho thấy những tiến bộ. Vào năm 2017, cơ quan này đã đưa ra một loạt các hướng dẫn tư vấn cho các công ty về cách thức phòng ngừa tham nhũng và hối lộ bằng cách đưa ra các khuyến nghị liên quan đến việc thực hiện các biện pháp tuân thủ tiêu chuẩn chống hối lộ như thẩm định dựa trên rủi ro của các đối tác kinh doanh và các nguyên tắc kiểm soát nội bộ. Có thể khẳng định, động thái này là một trong những dấu hiệu cho thấy nỗ lực Thái Lan trong cuộc chiến chống tham nhũng đầy cam go của mình.

Theo Dương Nguyễn/Tạp chí Thanh tra

Theo http://www.tilleke.com/practices/anti-corruption

https://www.business-anti-corruption.com/country-profiles/thailand/

https://www.tilleke.com/resources/thailand-passes-new-anti-corruption-law

http://www.pricesanond.com/knowledge/anti-corruption-laws/thai-anti-corruption-law-overview.php

http://www.nortonrosefulbright.com/knowledge/publications/121087/business-ethics-and-anti-corruption-laws-thailand

https://globalinvestigationsreview.com/insight/the-asia-pacific-investigations-review-2017/1068608/thailand-anti-corruption-compliance

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/the-gioi/thai-lan-voi-nhung-no-luc-trong-cuoc-chien-chong-tham-nhung-18449.html