Thái Lan trước nguy cơ biểu tình hòa bình dần trở thành bạo lực

Phong trào phản kháng của giới sinh viên Thái Lan diễn ra liên tục từ giữa tháng 7/2020 giờ đây có nguy cơ dẫn trở thành bạo lực.

Thủ lĩnh Anon Numpa phát biểu trước đám đông tuần hành tại Chiang Mai ngày 9/8. Ảnh: AFP

Phong trào phản kháng của giới sinh viên Thái Lan diễn ra liên tục từ giữa tháng 7/2020 đến nay với mục đích yêu cầu tổ chức các cuộc bầu cử mới và sửa đổi Hiến pháp của nền quân chủ Thái Lan. Và ngày 19/9 vừa qua hàng nghìn người biểu tình đã tụ tập và chiếm đóng một cánh đồng có ý nghĩa lịch sử ở Thủ đô Thái Lan để ủng hộ phong trào biểu tình của sinh viên. Sự kiện này khiến các cuộc biểu tình hòa bình của sinh viên có nguy cơ dẫn trở thành bạo lực.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP, bà Panusaya Sithijirawattanakul - biệt danh là "Rung", một trong những người tổ chức phong trào - cho biết mục tiêu của các cuộc biểu tình không phải là lật đổ chế độ quân chủ, mà là "hiện đại hóa nền quân chủ, để nền quân chủ thích ứng với xã hội hiện nay. Đòi hỏi của các nhà tranh đấu sinh viên là quốc vương không can thiệp vào các công việc chính trị, hủy bỏ luật về tội khi quân, thường được dùng để đàn áp đối lập chính trị, và đặt tài sản của Hoàng gia dưới sự quản lý của Nhà nước". Các yêu sách nói trên được nhiều nhà quan sát đánh giá là táo bạo, bởi Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn, lên ngôi từ năm 2016, đang nắm giữ rất nhiều quyền lực, hơn rất nhiều so với quyền lực của nhà vua được thể chế quân chủ lập hiến Thái Lan quy định. Quốc vương Maha Vajiralongkorn thường xuyên điều khiển các hoạt động của chính quyền từ hậu trường. Kể từ năm 2018, quốc vương Thái Lan trực tiếp kiểm soát toàn bộ tài sản của Hoàng gia, ước tính hơn 40 tỉ USD (gấp khoảng 40 lần tài sản Hoàng gia Anh).

Cho đến nay, các cuộc tuần hành diễn ra trong không khí ôn hòa. Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan khẳng định rằng cảnh sát sẽ không sử dụng bạo lực với người dân. Trên thực tế, chính quyền Thủ tướng Prayout Chan-O-Cha không đàn áp biểu tình, mà thay vào đó tìm cách hạn chế quy mô của phong trào, đặc biệt với việc siết chặt kiểm soát Internet.

Ẩn số lớn hiện nay là thái độ của dân chúng Thái Lan đối với phong trào sinh viên. Cho đến nay, các cuộc tuần hành diễn ra gần như hàng ngày, với thành phần chủ yếu là sinh viên, giới trẻ nói chung và dân cư đô thị. Tuy nhiên, sự xuất hiện của phe Áo Đỏ, bên cạnh số lượng người biểu tình ngày càng gia tăng, đã khiến phong trào mới này mang dáng dấp của cuộc đấu tranh chính trị mà Thái Lan đã phải trải qua gần như suốt hai thập kỷ qua. Áo Đỏ là một phong trào của hầu hết người dân nghèo ở nông thôn Thái Lan ủng hộ Thủ tướng dân túy, tỷ phủ Thaksin Shinawatra sau khi quân đội hất cẳng ông trong một cuộc đảo chính hồi năm 2016. Ông Thaksin bị chế độ hoàng gia truyền thống của đất nước phản đối. Những cuộc tranh cãi sau đó, đôi khi trở thành bạo lực, giữa những người ủng hộ và phản đối Thaksin đã khiến xã hội Thái Lan bị phân cực.

Kể từ tháng 2/2020, giới sinh viên đã phát động phong trào biểu tình với các cuộc tụ tập tại nhiều trường đại học trên khắp cả nước nhằm bày tỏ sự phản đối với một phán quyết của tòa án ra lệnh giải thể đảng Tương lai Mới (FFP) và cấm các lãnh đạo của đảng này hoạt động chính trị trong vòng 10 năm. Làn sóng biểu tình đã bị gián đoạn hồi tháng 3/2020 khi Thái Lan lần đầu tiên ghi nhận sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 và chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó với cuộc khủng hoảng này./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/thai-lan-truoc-nguy-co-bieu-tinh-hoa-binh-dan-tro-thanh-bao-luc-20200921162732204.htm