Thái Lan trước ngưỡng cửa một xã hội lão hóa nhanh chóng

Thái Lan bắt đầu trở thành một xã hội đang lão hóa từ năm 2007, với trên 10% dân số được xác định là người cao tuổi và đang tăng rất nhanh.

Dân số Thái Lan đang già hóa nhanh chóng. (Nguồn: Chiang Rai Times)

Dân số Thái Lan đang già hóa nhanh chóng. (Nguồn: Chiang Rai Times)

Thái Lan bắt đầu trở thành một xã hội đang lão hóa từ năm 2007, với trên 10% dân số được xác định là người cao tuổi. Tỷ lệ này tăng lên 14,2% trong năm 2015 và theo tính toán của Văn phòng Chính sách Tài chính thuộc Bộ Tài chính Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sẽ trở thành một xã hội lão hóa vào năm 2025 khi tỷ lệ dân số được coi là người cao tuổi dự báo đạt 21,2%.

Liên hợp quốc ước tính dân số Thái Lan ở mức trên 69 triệu người. Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dân số và Xã hội thuộc Đại học Mahidol cho thấy quy mô dân số này sẽ tiếp tục tăng ở mức thấp cho đến năm 2022, khi tỷ lệ sinh được dự báo sẽ bằng tỷ lệ chết - tức là mức tăng dân số bằng không. Sau năm 2022, Thái Lan có thể có tăng trưởng dân số âm.

Tăng đóng góp bắt buộc vào Quỹ Bảo hiểm Xã hội, nâng tuổi nghỉ hưu

Tính toán của Văn phòng Bảo hiểm Xã hội (SSO) Thái Lan cho thấy nếu không tăng mức đóng góp, Quỹ Bảo hiểm Xã hội (SSF) sẽ cạn kiệt vào năm 2036, khi số lượng người đến tuổi nghỉ hưu trở lên sẽ chiếm khoảng 30% dân số.

Mới đây, SSO đưa ra một kế hoạch mới nhằm tăng những khoản đóng góp vào SSF nhằm hỗ trợ quỹ này trước việc sẽ có dòng tiền chi trả lương hưu lớn trong tương lai gần.

Theo tờ Bangkok Post, ý tưởng của SSO là tăng mức lương cơ sở phải đóng bảo hiểm xã hội từ 15.000 baht (479,69 USD) lên 20.000 baht (659,39 USD) mỗi tháng. Điều này có nghĩa là mức đóng tối đa/lương cơ sở vào SSF sẽ tăng từ 750 baht lên 1.000 baht mỗi tháng. Đây là một cách tiếp cận mà SSO tin là sẽ đảm bảo sự ổn định của quỹ nhằm đáp ứng những nhu cầu trả lương hưu trong vòng 47 năm tới.

Tuy nhiên, khoản đóng góp này sẽ tăng dần trong vòng 5 năm nhằm giảm nhẹ gánh nặng lên người lao động và ngăn ngừa sự phản đối. Theo kế hoạch, mức lương cơ sở trong năm đầu tiên sẽ tăng lên 16.000 baht mỗi tháng, có nghĩa là tỷ lệ đóng sẽ tăng từ 750 baht lên 800 baht mỗi tháng. Mức ấn định này sẽ tiếp tục tăng 1.000 baht mỗi năm trong vòng 4 năm cho đến khi tỷ lệ đóng góp đạt 1.000 baht.

Mức tăng bắt buộc theo đề xuất này sẽ là một gánh nặng lên cả người lao động lẫn người sử dụng lao động, những người sẽ phải đóng góp cho SSF như nhau. Đối với người lao động, việc tăng đóng góp có thể ảnh hưởng đến thu nhập ở một chừng mực nào đó vào lúc này, nhưng họ sẽ nhận được lợi ích khi nghỉ hưu. Nghiên cứu của Khoa Thương mại và Kế toán thuộc Đại học Chulalongkorn cho thấy người hưu trí của các công ty tư nhân có mức chi tiêu trung bình là 10.116 baht mỗi tháng.

Tuy nhiên, SSF, với 14 triệu thành viên, đã không có mức chi trả phù hợp với lạm phát và chi phí sinh hoạt tăng lên. Các mức chi trả của quỹ này khác nhau, nhưng ít hơn 10.000 baht mỗi tháng. Theo kế hoạch mới, việc tăng mức lương cơ sở lên 20.000 baht cũng sẽ đồng nghĩa với việc cần phải tăng mức chi trả hàng tháng cho từng người hưu trí.

Việc tăng mức lương cơ sở có thể không phải là biện pháp duy nhất cần thiết để củng cố vị thế tài chính của SSF. SSO cũng muốn tăng độ tuổi mà công nhân có thể được lĩnh lương hưu từ 55 lên 60. Hiện nay, nhiều công ty tư nhân cho phép những người từ 55 tuổi trở lên được nghỉ hưu, trong khi một số lượng người làm việc trong các cơ quan có các chương trình nghỉ hưu ở tuổi 60 lựa chọn nghỉ hưu sớm. Nếu SSO tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 60, điều này sẽ ảnh hưởng đến các kế hoạch hưu trí của rất nhiều người lao động vì họ đã tính toán để nhận lương lưu ở tuổi 55.

Theo bình luận của tờ Bangkok Post, biện pháp mà SSO nên thực hiện song song với việc tăng mức lương cơ sở là cải thiện hiệu quả đầu tư của SSF. Quỹ này đang được điều hành trong một hệ thống quan liêu và gặp phải những hạn chế trong hiệu quả quản lý, bất chấp việc đóng góp từ người sử dụng lao động và người lao động trong khu vực tư nhân chiếm hầu hết trong tổng số thu 1.900 tỷ baht. Tờ báo gợi ý SSF, vốn đang được quản lý một cách bảo thủ, có thể phải tăng đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro nhưng có lãi cao. Để làm được điều đó, quỹ này cần tái cơ cấu các tiến trình quản lý tài sản để trở nên chuyên nghiệp và minh bạch hơn.

Nhiều ngành cùng hưởng lợi

Dân số đang lão hóa của Thái Lan tạo ra một thị trường béo bở cho nhiều khu vực kinh doanh ở nước này. Theo tờ Bangkok Post, khi số lượng người cao tuổi tăng lên, lãnh đạo kinh doanh từ nhiều công ty như Siam Cement Group (SCG) và Dusit Thani Plc đang tìm cách làm ăn trong những lĩnh vực liên quan đến nhóm dân số này, trong khi những doanh nghiệp còn lại như Bệnh viện quốc tế Yanhee mở rộng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu.

Anantachai Inthiraj, một giám đốc thuộc Hiệp hội Xúc tiến và Chăm sóc Sức khỏe Người cao tuổi (Tepha), cho biết các doanh nghiệp và công ty dịch vụ "nhảy" vào thị trường phục vụ người cao tuổi, nhất là những lĩnh vực liên quan đến nhà dưỡng lão, đã tăng nhiều trong vòng 4-5 năm qua do các doanh nhân muốn kiếm lời từ những thay đổi nhân khẩu học của Thái Lan.

Số lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực nhà dưỡng lão và những ngành liên quan đã tăng lên 3.000 trong năm 2018, gấp 1,5 lần so với năm trước.

Ông Anantachai dự báo thị trường sẽ tiếp tục năng động hơn do số người cao tuổi ở Thái Lan sẽ tăng đều trong vòng 4-5 năm tới. Lượng dân số đang lão hóa mang lại một cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn mà rất nhiều doanh nhân đang thăm dò.

Giám đốc điều hành Công ty Dusit Thani, bà Suphajee Suthumpun cho rằng do người Thái ngày càng chăm lo cho sức khỏe và số lượng người cao tuổi tăng đáng kể, công ty này đang cân nhắc phát triển các khu nghỉ dưỡng mới để đáp ứng phân khúc kinh doanh này. Theo bà Suphajee, những dự án đó không phải là nhà dưỡng lão, mà là những khu nghỉ tập luyện sức khỏe tổng quát dành cho những khách hàng quan tâm đến sức khỏe như những người hưu trí vẫn còn năng động.

Ông Niran Banleurat, người đồng sáng lập Dự án DoCare của Công ty Xi măng và Vật liệu xây dựng SCG nói rằng SCG đang "bước chân" vào lĩnh vực sức khỏe, bắt đầu với Dự án DoCare được khởi xướng trong năm nay.

DoCare là một hệ thống giám sát sức khỏe và an toàn cho những người cao tuổi muốn có sự chăm sóc đặc biệt tại nhà. Hệ thống này có những thiết bị kết nối với các thành viên gia đình để họ có thể theo dõi sức khỏe và tình trạng của người cao tuổi tại nhà hoặc tại các trung tâm chăm sóc.

Theo bà Supoj Sumritvanitcha, Giám đốc điều hành Bệnh viện quốc tế Yanhee, số người cao tuổi sử dụng các dịch vụ tại nhà dưỡng lão thuộc bệnh viện ở Bangplad đã đạt công suất thiết kế 50 giường trong vòng 2 tháng qua. Công ty này đang đầu tư 200 triệu baht để xây dựng một nhà dưỡng lão mới với công suất 400 giường tại một khu đất đối diện bệnh viện.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Nhà dưỡng lão Navasri, bà Oranun Udomphap cho biết nhu cầu về các dịch vụ dành cho người cao tuổi đã tăng lên kể từ khi bà bước chân vào lĩnh vực kinh doanh này 7 năm trước đây. Với nhu cầu cao của thị trường, công ty của bà Oranun gần đây bắt tay với Công ty Living Well để mở rộng các nhà dưỡng lão dưới thương hiệu Chivawathana với ý tưởng kinh doanh “xanh và sạch”. Công ty này còn muốn Chính phủ đưa ra gói bảo hiểm chăm sóc lâu dài cho người cao tuổi để cho phép họ có thể vào nhà dưỡng lão.

Theo ông Anantachai Inthiraj thuộc Tepha, sự hiểu biết và thái độ của người Thái Lan về việc đưa bố mẹ vào nhà dưỡng lão đã thay đổi vì các dịch vụ và cơ sở đã được cải thiện đáng kể.

Chủ tịch Tepha, ông Kanut Krutkul, cho biết hiện có khoảng 200 công ty đăng ký với hiệp hội và con số này dự kiến sẽ tăng lên 500 trong vòng 3 năm tới. Trong số 200 công ty này, có 60-70% là nhà dưỡng lão, số còn lại thuộc các phân khúc khác.

Do có nhiều công ty tham gia thị trường, Tepha đang đặt mục tiêu nâng tiêu chuẩn của ngành này bằng cách cùng với Bộ Thương mại xếp hạng các nhà dưỡng lão hoặc các doanh nghiệp liên quan nhằm đảo bảo chất lượng tiêu chuẩn dịch vụ và giá cả, đồng thời tăng số lượng các chuyên gia trong ngành. “Chúng tôi đặt mục tiêu xếp hạng các nhà dưỡng lão như khách sạn, từ hai sao đến năm sao. Điều này sẽ nâng cao các tiêu chuẩn dịch vụ trong ngành này,” ông Kanut khẳng định./.

Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thai-lan-truoc-nguong-cua-mot-xa-hoi-lao-hoa-nhanh-chong/574521.vnp