Thái Lan tìm cách thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc

Thái Lan đang tìm kiếm sự hợp tác sâu sắc và cụ thể giữa nước này và tỉnh Quảng Đông, đặc biệt là sáng kiến Khu Vịnh lớn (GBA) của Trung Quốc và Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) của Thái Lan.

Thái Lan tìm cách thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXV

Thái Lan tìm cách thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXV

Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak đã có chuyến thăm tỉnh Quảng Đông và Khu hành chính đặc biệt Hong Kong của Trung Quốc từ 20-25/10, nhằm thắt chặt các mối quan hệ kinh tế, chủ yếu tập trung vào GBA, bao gồm tỉnh Quảng Đông, Hong Kong và Ma Cau (Trung Quốc).

Theo tờ Bangkok Post, ông Somkid nói trong cuộc gặp với các Giám đốc của Tập đoàn Midea chuyên về thiết bị điện và điều hòa nhiệt độ ở Trung Quốc rằng Thái Lan có vị trí địa lý là cửa ngõ để tới 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, với tổng dân số trên 240 triệu người.

Theo ông Somkid, hợp tác giữa GBA và EEC sẽ tạo ra những lợi ích cho Trung Quốc và Thái Lan, vì Thái Lan là trung tâm của Đông Nam Á và Đông Dương. Các nước láng giềng của Thái Lan hiện đang có tỷ lệ tăng trưởng kinh tế mạnh, ở mức trung bình 6-8% mỗi năm.

Ông Somkid nói rằng Chính phủ Thái Lan hồi tháng Chín đã thông qua những ưu đãi mới như ưu đãi về thuế, các khu đầu tư đặc biệt dành cho từng nước và những sửa đổi trong tương lai của Luật Kinh doanh Nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Tất cả những việc đó là một phần của nỗ lực thu hút các nhà đầu tư đang muốn di chuyển sản xuất sang Thái Lan. Đây là một thời điểm tốt cho các nhà đầu tư Trung Quốc ở Thái Lan gặt hái những lợi ích.

Tại cuộc gặp hôm 21/10 ở Quảng Đông, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Midea, ông Paul Fang, nói rằng công ty này đang tham khảo ý kiến với các bên liên quan về việc mở rộng đầu tư ở Thái Lan.

Media có 21 cơ sở sản xuất, trong đó có 1 cơ sở ở tỉnh Chon Buri của Thái Lan, và 260 trung tâm hậu cần trên toàn thế giới. Tập đoàn này đã đầu tư tổng cộng 12 tỷ baht (hơn 396 triệu USD) ở Thái Lan.

Cùng đi thăm Trung Quốc với ông Somkid còn có các quan chức cao cấp của Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) và Văn phòng dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EECO). Dự kiến, các quan chức EECO sẽ ký một bản ghi nhớ (MoU) với lãnh đạo Quảng Đông về sự hợp tác trong tương lai giữa Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan với tỉnh này, đặc biệt là các dự án phát triển công nghiệp ở vịnh Quảng Đông, Hong Kong và Ma Cau (Trung Quốc).

Nhân chuyến thăm này, một hội thảo về quan hệ đối tác chiến lược thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc và Hành lang Kinh tế phía Đông của Thái Lan sẽ được tổ chức tại Thâm Quyến vào ngày 23/10. Tiếp theo đó, sẽ có một cuộc họp để thảo luận sự hợp tác hơn nữa giữa Thái Lan và GBA ở Hong Kong vào ngày 24/10.

GBA được lập ra nhằm thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng giữa 9 thành phố ở tỉnh Quảng Đông và các khu vực hành chính đặc biệt Hong Kong và Ma Cau, với mục tiêu phát triển một chuỗi đô thị tầm cỡ thế giới thông qua đổi mới, sáng tạo và tự do hóa. GBA có hơn 70 triệu dân, với GDP 1.500 tỷ USD cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 10,7%/năm trong vài thập niên qua.

Trong khi đó, Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) là kế hoạch đầu tư quan trọng nhất của Chính phủ Thái Lan, trải rộng trên các tỉnh miền Đông là Chon Buri, Rayong và Chachoengsao với mục tiêu biến các tỉnh này thành những trung tâm công nghệ, chế tạo và dịch vụ được kết nối với các nước láng giềng ASEAN bằng đường bộ, đường biển và hàng không vào năm 2021. Đây là một trong những đại dự án nằm trong Chiến lược phát triển quốc gia 20 năm, cũng như Chiến lược kinh tế Thailand 4.0, nhằm tạo ra bước đột phá để đưa nước này thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển.

Nghiên cứu của Trung tâm dự báo kinh tế và kinh doanh thuộc Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) cho thấy khả năng Thái Lan đạt được tốc độ tăng trưởng GDP 2,8% trong năm 2019 là 66%, trong khi khả năng tăng trưởng kinh tế 3% là 33%. Kinh tế Thái Lan tăng trưởng 2,8% trong quý I/2019 và 2,3% trong quý II/2019. Tốc độ tăng trưởng GPD trong quý III/2019 ước tính ở mức 2,5-2,6%, trong khi mức tăng trong quý IV/2019 được dự báo là 3,5-4%.

Ông Thanawat nhận định những yếu tố chính tác động đến tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2019 là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) và đồng baht tăng giá. Trong năm 2020, tăng trưởng GDP của Thái Lan được dự báo có thể vượt qua ngưỡng 3%, khi tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có thể dịu bớt.

Kể từ đầu năm nay, đồng baht đã tăng 7,3%, mức tăng cao nhất so với tất cả đồng tiền khác ở các nước châu Á. Chuyên gia phân tích tiền tệ Roong Sanuangruang thuộc Ngân hàng Krungsri cho rằng kết quả trên là nhờ Thái Lan có thặng dư tài khoản vãng lai cao ở mức tương đương 7-8% GDP và dự trữ ngoại hối 220 tỷ USD (6.670 tỷ baht).

Theo bà Roong, các nhà đầu tư nước ngoài coi đồng baht là kênh đầu tư an toàn, mặc dù Thái Lan có mức tăng trưởng kinh tế không cao và đồng baht thậm chí có thể tăng lên mức 30 baht đổi 1 USD trong ngắn hạn.

Việc đồng baht của Thái Lan tăng giá đã khiến những nhà hoạch định chính sách của nước này phải đau đầu, trong khi các nhà xuất khẩu phàn nàn rằng sức cạnh tranh của họ đang bị xói mòn vì hàng hóa của Thái Lan trở nên đắt đỏ hơn./.

Ngọc Quang (TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thai-lan-tim-cach-thu-hut-cac-nha-dau-tu-trung-quoc/138251.html