Thái Lan: Thủ tướng Prayut trả lời chất vấn, chuẩn bị đối mặt cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, nguy cơ nổ ra biểu tình lớn

Ngày 17/2, trong ngày thứ hai của phiên chất vấn bất tín nhiệm đối với chính phủ Thái Lan tại Hạ viện, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã dành 45 phút để trả lời các câu hỏi chất vấn của liên minh đối lập.

Thủ tướng Thái Lan đã dành 45 phút để trả lời các câu hỏi chất vấn của liên minh đối lập trong ngày thứ hai của phiên chất vấn bất tín nhiệm. (Nguồn: Bangkok Pots)

Thủ tướng Thái Lan đã dành 45 phút để trả lời các câu hỏi chất vấn của liên minh đối lập trong ngày thứ hai của phiên chất vấn bất tín nhiệm. (Nguồn: Bangkok Pots)

Nội dung trả lời của ông Prayut bao gồm kế hoạch mua tàu ngầm của lực lượng hải quân, vụ tranh chấp pháp lý với công ty mỏ Australia Kingsgate Consolidated Limited, các vấn đề kinh tế, các biện pháp kiểm soát Covid-19, biểu tình chống chính phủ và khoản ngân sách hơn 20 tỷ Baht (khoảng 666 triệu USD) được phân bổ cho việc trả các khoản nợ phát sinh từ dự án trợ giá gạo cùng với một dự án phúc lợi xã hội khác mang tên Ban Eua-Arthorn.

Tướng Prayut cho rằng, hợp đồng mua ba chiếc tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc trị giá 22 tỷ Baht (khoảng 730 triệu USD) là một khoản chi tiêu hợp lý so với khoản lợi ích 24 nghìn tỷ Baht (khoảng 800 tỷ USD) mà Thái Lan có thể thu lại từ biển.

Thủ tướng Thái Lan khẳng định, giá trị của ba chiếc tàu ngầm trên chỉ bằng 0,093% lợi ích hàng hải mà nước này có thể thu được.

Liên quan đến khoản vay trị giá 1.000 tỷ Baht (khoảng 33,3 tỷ USD) trong gói kích thích kinh tế vừa được đưa ra năm 2020, Thủ tướng Prayut cho biết, khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ các nhóm người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, chẳng hạn như nông dân, người có thu nhập thấp, lao động tự do, lao động thuộc chương trình phúc lợi an sinh xã hội.

Phiên chất vấn bất tín nhiệm do liên minh đối lập tại Hạ viện đề nghị diễn ra từ ngày 16 đến 19/2, sau đó sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng và 9 thành viên nội các khác vào ngày 20/2.

Phong trào biểu tình Ratsadon cũng đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc tuần hành lớn vào ngày 20/2 để kêu gọi chính phủ nước này trả tự do cho các thành viên thủ lĩnh Ratsadon sau khi đơn xin bảo lãnh của họ cho bốn thủ lĩnh biểu tình một lần nữa bị từ chối hôm 17/2, đồng thời cũng gây sức ép lên cuộc bỏ phiếu trên.

Bốn thủ lĩnh biểu tình là Parit Chiwarak, Arnon Nampa, Somyos Prueksakasemsuk và Patiwat Saraiyaem đang bị giam giữ với một loạt tội danh, bao gồm tội khi quân và xúi giục nổi loạn, sau khi dẫn đầu một cuộc biểu tình tại Đại học Thammasat ở Bangkok vào ngày 19/9/2020.

(theo Bangkok Post, Thai PBS World, Chiangrai Times)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thai-lan-thu-tuong-prayut-tra-loi-chat-van-chuan-bi-doi-mat-cuoc-bo-phieu-bat-tin-nhiem-nguy-co-no-ra-bieu-tinh-lon-136961.html