Thái Lan tham vọng trở thành trung tâm hậu cần Đông Dương

Theo báo Bangkok Post, các dự án tàu cao tốc là một yếu tố quan trọng trong tham vọng của Thái Lan trở thành trung tâm hậu cần Đông Dương.

Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) đã hướng đến việc triển khai dự án tàu cao tốc trên khắp đất nước. Ảnh: Reuters

Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) đã hướng đến việc triển khai dự án tàu cao tốc trên khắp đất nước. Ảnh: Reuters

Phát triển hệ thống giao thông đường sắt của đất nước là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch chiến lược phát triển 20 năm (2018–2037) của chính phủ.

Trong những năm gần đây, một số dự án phát triển giao thông đường sắt mới đã được triển khai bao gồm các dự án tàu điện ở Bangkok và các tỉnh lân cận, giai đoạn đầu của dự án tàu cao tốc Thái Lan-Trung Quốc và dự án tàu cao tốc nối các sân bay Don Mueang, Suvarnabhumi và U-Tapao.

Hưởng ứng chính sách phát triển giao thông vận tải đường sắt của chính phủ, Đường sắt Nhà nước Thái Lan (SRT) đã hướng đến việc triển khai dự án tàu cao tốc trên khắp đất nước, ở cả ba miền Bắc, Đông, Đông Bắc và Nam.

Tuyến tàu cao tốc phía Bắc sẽ kéo dài từ Bangkok đến Chiang Mai, trong khi tuyến phía Đông sẽ nối Bangkok với Rayong. Tuyến phía Đông Bắc sẽ chạy từ Bangkok đến Nong Khai và tuyến phía Nam từ Bangkok đến Padang Besar.

Các dự án này ước tính có tổng chiều dài tổng hợp là 2.700 km, trong đó 1.207 km đang được thực hiện trong giai đoạn đầu (cấp bách), 702 km khác trong trung hạn và 791 km khác trong dài hạn.

SRT cho biết: “Mạng lưới tàu cao tốc này sẽ không chỉ kết nối các khu vực của Thái Lan mà còn đóng vai trò như một liên kết đường sắt trong khu vực ASEAN”.

Trong cả bốn dự án, nổi bật là dự án tàu cao tốc Thái-Trung, được chia thành hai giai đoạn để triển khai, sau khi Chính phủ Thái Lan và Trung Quốc ký kết thỏa thuận về dự án vào ngày 12/5/2016 tại Bắc Kinh.

Giai đoạn đầu của dự án liên quan đến việc xây dựng một hệ thống tàu cao tốc từ Bangkok đến Nakhon Ratchasima, trong khi giai đoạn hai sẽ tiếp tục từ Nakhon Ratchasima đến Nong Khai, giáp với nước láng giềng Lào. Giai đoạn này sẽ tiêu tốn 179,41 tỷ baht (4,88 tỷ USD) trong kinh phí do phía Thái Lan đầu tư.

Tuyến đường sắt, kéo dài 250 km từ Bang Sue ở Bangkok đến Nakhon Ratchasima và bao gồm 6 ga, dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2026.

Sáu chuyến tàu Fuxing Hao CR300 sẽ chạy trên tuyến đường này. Mỗi đoàn tàu có 8 toa, tổng cộng có 594 chỗ gồm 96 ghế hạng nhất và 498 ghế hạng tiêu chuẩn.

Thời gian di chuyển tối đa từ ga đầu tiên đến ga cuối cùng là 1 tiếng rưỡi vì mỗi chuyến tàu khởi hành cách nhau 90 phút, từ 6h sáng đến 12h đêm hàng ngày. Giá vé sẽ dao động từ 105 baht đến 535 baht.

Giai đoạn hai của dự án tàu cao tốc Thái-Trung, kéo dài 357 km, từ Nakhon Ratchasima đến Nong Khai, sẽ cho phép kết nối từ Thái Lan sang Lào và sau đó từ Lào đến thành phố Côn Minh của Trung Quốc.

Sau khi đã thông qua đánh giá tác động môi trường, giai đoạn hai dự kiến sẽ hoàn thành khoảng 3 đến 4 năm sau giai đoạn một, hoặc năm 2029-2030.

SRT nhận định: “Khi tất cả 4 dự án tàu cao tốc được xây dựng hoàn chỉnh và kết nối, chúng sẽ đóng vai trò như một sự kết nối của mạng lưới vận tải đường sắt khổng lồ cho cả hành khách và hàng hóa giữa Trung Quốc và Malaysia qua Lào và Thái Lan”.

Trong khi đó, tuyến tàu cao tốc phía Đông khi hoàn thành cũng sẽ kết nối đến cả cảng Map Ta Phut và 3 sân bay lớn của Thái Lan./.

Đỗ Sinh (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thai-lan-tham-vong-tro-thanh-trung-tam-hau-can-dong-duong/256926.html