Thái Lan sốc khi sông Mekong cạn nước, cá tôm chết khô

Thử nghiệm đập thủy điện trên thượng nguồn lại thêm biến đổi khí hậu đã khiến nước sông Mekong thấp kỷ lục.

Tờ báo The Nation của Thái Lan mới đây đăng tải bức ảnh chụp các sinh vật cá, tôm trên sông Mekong đang chết khô do mực nước quá thấp ở thời điểm mùa mưa hiện nay.

Cá tôm chết do nước sông Mekong cạn khô. Ảnh: The Nation

Cá tôm chết do nước sông Mekong cạn khô. Ảnh: The Nation

Nước sông Mekong đoạn chảy qua biên giới Lào - Thái Lan ở khu vực đông bắc giảm xuống mức báo động do đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc giảm xả nước, còn đập Xayaburi ở Lào bắt đầu vận hành thử nghiệm.

Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia Thái Lan (ONWR) Somkiat Prajumwong cho biết, mực nước sông Mekong chảy qua nước này đã xuống thấp kỷ lục trong tuần này do ảnh hưởng của đập thủy điện trên thượng nguồn.

Ông trấn an người dân rằng mực nước sông Mekong sẽ sớm hồi phục.

Ông Somkiat thừa nhận chính quyền Thái "không có biện pháp nào" để đối phó mực nước thay đổi nhanh, chỉ khẳng định dòng sông sẽ sớm "trở lại bình thường" sau khi đập Cảnh Hồng xả nước đều trở lại, và đập Xayaburi cũng sớm hoàn tất thử nghiệm.

"Tôi khuyên chúng ta nên kiên nhẫn chờ thêm một thời gian nữa vì mực nước trên sông Mekong sẽ trở lại bình thường trong vài ngày nữa" - The Nation dẫn lời ông Somkiat Prajumwong nhận xét.

Các nhà môi trường chú ý tới việc điện sản xuất ra tại đập thủy điện Xayaburi được bán cho EGAT. Đơn vị sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về các tác động của đập ở hạ lưu, trong đó bao gồm việc bồi thường cho người dân về tổn thất thu nhập và sinh kế.

EGAT sau đó cũng có tuyên bố cho rằng, tác động của các đập thủy điện trên sông Mekong tác động không đáng kể và cục bộ, không gây thiệt hại cho người dân sống ở hạ nguồn tại Thái Lan.

Cuối tuần qua, người dân địa phương tại 8 tỉnh ở Thái Lan và các nhà môi trường đã có tranh luận với Đại sứ quán Trung Quốc tại nước này về việc sử dụng và quản lý nguồn nước trên thượng nguồn sông Mekong tức con sông Lan Thương tại Trung Quốc.

Mực nước trên sông Mekong thấp kỷ lục trong vòng hơn 10 năm qua.

Đại sứ quán Trung Quốc đã cho rằng truyền thông Thái Lan đưa tin sai lệch về các dự án phát triển của Trung Quốc trên con sông này. Trung Quốc đã có đóng góp bằng việc đảm bảo sinh thái đi đôi với phát triển các dự án thủy điện cũng chia tích cực chia sẻ dữ liệu thủy văn với các quốc gia lưu vực sông Mekong.

Đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Thái Lan cho biết: việc xây dựng các đập thủy điện và hồ chứa của Trung Quốc giúp điều chỉnh dòng chảy của con sông trong mùa khô và mùa mưa. Họ cũng dẫn các trường hợp trong lịch sử, vào năm 2013- 2016, khi toàn bộ con sông Lan Thương và sông Mekong đều bị hạn hán nghiêm trọng, Trung Quốc dù chịu không ít ảnh hưởng bởi thảm họa cũng vẫn tìm giải pháp cung cấp khẩn cấp nước cho 60 triệu người bị ảnh hưởng ở cuối nguồn.

Đại sứ quán Trung Quốc cũng đã trích dẫn một bài đăng trực tuyến năm 2017 của Ủy hội sông Mekong cho rằng, hạn hán ở lưu vực sông Mekong không phải do đập thượng nguồn gây ra mà một phần là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Báo cáo nhấn mạnh rằng, đập thượng nguồn đóng vai trò quan trọng bằng cách trữ nước vào mùa mưa để sử dụng trong mùa khô.

Tuy nhiên, các tổ chức hoạt động vì môi trường ở Thái Lan đã bác bỏ tuyên bố này. Họ khẳng định Bắc Kinh đang khai thác con sông Mekong vì lợi ích của chính mình chứ không vì bất cứ quốc gia lưu vực sông nào khác.

Theo đó, mực nước trên dòng Mekong, đặc biệt là dọc theo biên giới Thái Lan- Lào đã không còn cơ chế hoạt động theo mùa mưa - mùa khô kể từ khi Trung Quốc xây dựng các con đập ở thượng nguồn sông Mekong cách đây 20 năm.

Mực nước sông Mekong sẽ hồi phục sau khi đập thủy điện Xayabury kết thúc thử nghiệm.

Chainarong Setthachua, một học giả tại Đại học Maha Sarakham của Thái Lan cho biết, những thay đổi cực đoan của mực nước do hoạt động của các con đập đã làm suy giảm nguồn cá của dòng sông, nguồn protein chính cho hơn 60 triệu người sống ở lưu vực sông Mêkong.

"Sự phát triển thủy điện lớn trên dòng chính sông Mê Kông đã gây ra sự mất mát đa dạng sinh học lớn và suy thoái môi trường nghiêm trọng trên toàn lưu vực" - ông Chainarong nói thêm.

Vị này nhận định, phải từ bỏ tất cả các dự án đập thủy điện trên sông Mekong mới mong khôi phục lại hệ sinh thái sông Mekong cho các thế hệ tương lai.

Đập Xayaburi thử nghiệm phát điện

Một quan chức cấp cao của Cục Năng lượng và Mỏ Xayabury cho biết ngày hôm qua, quá trình chạy thử máy phát điện thứ năm của đập này, bắt đầu vào ngày 17/7.

Đập thủy điện Xayabury.

Hoạt động thử nghiệm của các máy phát điện đã diễn ra từ đầu năm nay nhằm chuẩn bị cho hoạt động thương mại đầy đủ. Nhà máy thủy điện có tổng cộng tám máy phát điện.

Nếu tất cả mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, hoạt động thương mại đầy đủ của đập Xayabury sẽ khởi động vào cuối năm nay.

Phó Giám đốc Sở Năng lượng và Mỏ Xayabury, Tiến sĩ Xayphone Bounsou cho biết, cơ quan này đã đưa ra một thông báo để cho những người sống ở thượng nguồn và phía dưới con đập về các tác động có thể xảy ra liên quan đến việc thử nghiệm phát điện.

Thông báo cho biết mực nước sẽ gây ra những thay đổi đột ngột về mực nước ở thượng nguồn và phía sau con đập từ ngày 15-29/7. Mực nước sẽ trở lại bình thường sau khi quá trình chạy thử máy phát điện hoàn tất.

Việc xây dựng nhà máy thủy điện Xayabury đã bắt đầu vào năm 2012 sau khi chính phủ hoàn thành quá trình tham vấn trước đó theo Thỏa thuận Mekong năm 1995.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/thai-lan-soc-khi-song-mekong-can-nuoc-ca-tom-chet-kho-3384091/