Thái Lan sẽ công bố chính thức kế hoạch gia nhập CPTPP vào tháng 3

Thái Lan dự kiến sẽ công bố kế hoạch chính thức tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3 trong chuyến thăm Nhật Bản của Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak.

Theo đó, dự kiến ông Somkid sẽ đến thăm Sendai, Hokkaido và Tokyo vào giữa tháng 3 tới, và sẽ thông báo chính thức kế hoạch của Thái Lan về đề nghị gia nhập CPTPP trong chuyến đi này.

Nhà lãnh đạo Thái Lan nhận định, các nhà đầu tư Nhật Bản đang sở hữu các cơ sở sản xuất lớn ở Thái Lan khá lo ngại rằng Thái Lan có thể mất khả năng cạnh tranh nếu nước này trì hoãn việc gia nhập CPTPP. Đặc biệt, Thái Lan có tụt lại phía sau các đối thủ cạnh tranh khác, nhất là Việt Nam - đang được xem là đối thủ cạnh tranh lớn của Thái Lan về thu hút đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng Thái Lan đã yêu cầu Bộ Thương mại nước này trình đề xuất gia nhập CPTPP trong nhiệm kỳ chính phủ này.

Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến sẽ trình đề xuất về gia nhập CPTPP để chính phủ quyết định có tham gia CPTPP hay không vào tháng 3. Một khi được thông qua, đề nghị chính thức về việc gia nhập CPTPP sẽ được Thái Lan gửi tới các nước thành viên CPTPP. Ngày 14/02, Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak đã chỉ đạo các Bộ: Nông nghiệp, Thương mại và Y tế công cộng tổ chức một cuộc họp liên bộ nhằm chuẩn bị cho việc gia nhập CPTPP, đồng thời nghiên cứu các biện pháp phòng vệ để ứng phó với tác động của hiệp định này.

Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak - người sẽ có chuyến thăm Nhật Bản và công bố kế hoạch nước này gia nhập CPTPP vào tháng 3

Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak - người sẽ có chuyến thăm Nhật Bản và công bố kế hoạch nước này gia nhập CPTPP vào tháng 3

CPTPP được ký kết bởi 11 nước thành viên vào ngày 8/3/2018 tại Chile, là một hiệp định được sửa đổi sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào tháng 01/2017. Các nước thành viên hiện tại của CPTPP bao gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand, Mexico, Chile, Peru, Canada, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam. Các thành viên CPTPP rất hoan nghênh việc một số nền kinh tế (bao gồm cả Thái Lan) bày tỏ mong muốn tham gia hiệp định.

Bộ Thương mại Thái Lan đang lên kế hoạch đề xuất nghiên cứu đánh giá tác động và các vấn đề nhạy cảm của CPTPP đối với Thái Lan vào cuối tháng này để trình Ủy ban Chính sách kinh tế quốc tế do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm Chủ tịch. Khi được thông qua, đề xuất này sẽ được trình tại phiên họp của Chính phủ Thái Lan sớm nhất vào đầu tháng 3. Đối với các biện pháp phòng vệ, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, Chính phủ sẽ xem xét các ngành/lĩnh vực nào nhạy cảm và dễ bị tác động bởi Hiệp định CPTPP trên cơ sở tham vấn ý kiến với các bên liên quan là những người có thể bị ảnh hưởng khi Thái Lan tham gia CPTPP, để có phương án ứng phó.

Năm 2017, 11 quốc gia thành viên CPTPP có tổng GDP đạt 0,5 nghìn tỷ USD, chiếm 13,3% GDP thế giới với tổng dân số 498 triệu người, tương đương 6,7% tổng dân số thế giới. Hiệp định có hiệu lực vào ngày 30/12/2018, sau khi 7 quốc gia trong tổng số 11 thành viên đã phê chuẩn (Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia và Việt Nam). Năm 2018, thương mại hai chiều của Thái Lan với 11 quốc gia thành viên CPTPP đã lên tới 48,7 tỷ USD, với xuất khẩu từ Thái Lan đóng góp 77 tỷ USD, tương đương 30,5% tổng xuất khẩu của nước này, thặng dư thương mại trị giá 5,3 tỷ USD. Chính phủ Thái Lan lo ngại nhiều hơn cả về những vấn đề liên quan đến bảo vệ các giống cây trồng mới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong CPTPP.

V.D

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-lan-se-cong-bo-chinh-thuc-ke-hoach-gia-nhap-cptpp-vao-thang-3-115897.html