Thái-lan phấn đấu thành trung tâm sáng tạo số ở ASEAN

Hội đồng Số Thái-lan (DCT) và Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái-lan (FTI) đang hợp tác để đưa nước này trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo số ở ASEAN thông qua phát triển các trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhiều bệnh viện ở Thái-lan áp dụng trí tuệ nhân tạo và sáng tạo số. (Ảnh: The Nation).

Nhiều bệnh viện ở Thái-lan áp dụng trí tuệ nhân tạo và sáng tạo số. (Ảnh: The Nation).

Ông Suphachai Chearavanont, Chủ tịch thứ nhất DCT kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Charoen Pokphand và Chủ tịch Ban điều hành Tập đoàn True, nói rằng tầm nhìn của DCT là đưa ngành công nghiệp số đi trước nền kinh tế số và phát triển xã hội trên thế giới. Theo ông Suphachai, để trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo số, trước hết, Thái-lan cần có một trung tâm dữ liệu hoàn toàn độc lập đối với các nhà cung cấp mạng. Trung tâm này phải bao gồm yêu cầu về “cư trú dữ liệu” (data residency) đối với khả năng phân tích AI.

Các trung tâm dữ liệu sẽ làm giảm chi phí chuyển dữ liệu vì chúng thuộc sở hữu của Google và Amazon được đặt tại Singapore. Ông Suphachai nói rằng Phòng Thương mại Thái-lan, DCT và FTI đã nhất trí thành lập một trung tâm dữ liệu. Hiệp hội các chủ ngân hàng Thái-lan sẽ được mời giúp tạo ra một trung tâm như vậy vì lợi ích của đất nước.

Theo ông Suphachai, để hỗ trợ vấn đề này, cần tăng cường hợp tác giữa các khu vực công-tư. Thí dụ, Chính phủ phải đưa ra những ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) để nâng cao khả năng công nghệ số của họ. Chính phủ có thể dành 10% dự trữ quốc gia (tương đương 668 tỷ baht hoặc 21,96 tỷ USD) làm những ưu đãi cho các SME đầu tư vào tự động hóa, cải thiện khả năng cũng như nâng cao tay nghề và đào tạo nguồn nhân lực.

Chủ tịch FTI Suphan Mongkolsuthree cho biết ủng hộ việc thành lập trung tâm dữ liệu và muốn DCT giúp đào tạo công nhân về những kỹ năng số. Ngoài ra, FTI có kế hoạch thành lập một quỹ đổi mới sáng tạo và công nghệ để xin tài trợ từ các doanh nghiệp hàng đầu cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo cũng như những doanh nghiệp khởi nghiệp.

Mới đây, Chính phủ Thái-lan đã thông qua một khoản ngân sách trị giá 24,6 tỷ baht (khoảng 809 triệu USD) để hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm chuyển đổi quốc gia này thành một xã hội hoàn toàn dựa trên công nghệ. Số tiền này sẽ được dùng cho việc phát triển nhân lực và các thể chế, thực hiện nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề chính của đất nước, đồng thời đưa nghiên cứu và đổi mới sáng tạo vào việc tăng tính cạnh tranh của đất nước và giảm những bất bình đẳng trong xã hội.

Chính phủ Thái-lan còn có chính sách đào tạo các nhà nghiên cứu có chất lượng bằng cách cấp kinh phí cho những cơ sở giáo dục đại học cũng như nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Thái-lan có kế hoạch tăng số lượng sinh viên đại học trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học (STEM) trong vòng ba năm tới lên tỷ lệ 40% tổng số sinh viên mỗi năm và 50% trong vòng năm năm tới so với mức 34% hiện nay. Dự kiến, sẽ có khoảng 107 nghìn vị trí cho những người có trình độ về STEM trong vòng bốn năm nữa, trong đó khoảng 34 nghìn vị trí sẽ ở trong ngành công nghiệp số.

Theo kế hoạch, tất cả các cơ quan chính phủ của Thái-lan sẽ được chuyển đổi thành những đơn vị số hóa hoàn toàn trong ba năm nữa theo Lộ trình phát triển chính phủ số giai đoạn 2020-2022.

MINH ĐỨC

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/41919302-thai-lan-phan-dau-thanh-trung-tam-sang-tao-so-o-asean.html