Thái Lan 'phá băng' ngành công nghiệp không khói

Sau gần 2 năm bùng phát, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên thế giới. Đến nay, dù mỗi ngày vẫn có gần 500 nghìn ca mắc mới, song với việc đẩy mạnh tiêm chủng, nhiều quốc gia đã tìm biện pháp sống chung với dịch bệnh và khôi phục các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có ngành Du lịch. Tại Đông Nam Á, Thái Lan được đánh giá là quốc gia có chính sách táo bạo để 'phá băng' ngành công nghiệp không khói.

Khách du lịch quốc tế đến sân bay Phuket khi Thái Lan thí điểm mở cửa đón khách du lịch từ 1-7.

Với mục tiêu khởi động sự hồi phục của khu vực du lịch, từ tháng 7 tới tháng 10, nội các Thái Lan đã thông qua 3 chiến dịch kích cầu du lịch. Đầu tiên, chính phủ mạnh tay chi 22,4 tỷ baht để thúc đẩy du lịch nội địa nhờ các chương trình trợ giá cho khách sạn và vé máy bay dành cho 4 triệu người cũng như những chuyến đi nghỉ miễn phí để tri ân 1,2 triệu nhân viên y tế trên toàn quốc. Tiếp theo, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) tham mưu cho chính phủ chia nhỏ số ngày nghỉ bù của dịp Tết Songkran để tạo ra hai kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài bốn ngày trong tháng 7 nhằm vừa tạo điều kiện cho người dân đi nghỉ, vừa tránh tình trạng đông đúc gây nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, TAT còn phát động một chương trình kích thích mua sắm kéo dài trong hai tháng cho tới 15-9 nhằm hỗ trợ ít nhất 10.000 doanh nghiệp liên quan đến ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đáng chú ý, từ ngày 1-7, chính phủ Thái Lan đã triển khai mô hình du lịch thí điểm có tên “Hộp cát Phuket”. Tới hòn đảo nổi tiếng của xứ Chùa vàng này, du khách quốc tế sẽ không phải trải qua thời gian cách ly bắt buộc kéo dài 14 ngày trong khách sạn mà có thể tự do đi lại trên đảo. Sau thời gian này, họ có thể tự do tới tham quan các nơi khác trên khắp Thái Lan. Tuy nhiên, để có thể tham gia chương trình, du khách phải là người đã được tiêm đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 và đến từ các nước được xếp trong danh sách có nguy cơ dịch tễ thấp hoặc trung bình. Trong thời gian ở trên đảo, du khách cũng phải trả chi phí để tiến hành 3 lần xét nghiệm kiểm tra Covid-19. Tính đến nay, đã có 83,34% cư dân trên đảo được tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 và 41,36% đã tiêm mũi tăng cường. Khách du lịch và người dân địa phương đều tiêm vắc xin. Điều đó cho phép Phuket trở thành môi trường du lịch an toàn.

Sau 4 tháng triển khai, lượng khách thực tế đến Phuket ước tính vào khoảng 42.000 lượt, mang lại cho hòn đảo này khoảng 3 tỷ baht (90,8 triệu USD). Phó Thống đốc của Phuket cho biết: “Năm 2019, chúng tôi đón khoảng 20.000 du khách mỗi ngày. Trong khi đó, “Hộp cát Phuket” chỉ mang lại cho chúng tôi 460 khách/ngày. Nếu chỉ nhìn vào con số này sẽ không thấy được sự thành công. Tuy nhiên, 4 tháng qua giúp chúng tôi có được kinh nghiệm quý giá để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại sắp tới”.

Từ thành công của Phuket, 5 khu vực khác của Thái Lan gồm Bangkok, Chiang Mai (các huyện Muang, Mae Rim, Mae Taeng và Doi Tao), Prachuap Khiri Khan (huyện Hua Hin), Phetchaburi (huyện Cha-am) và Chon Buri (các huyện Pattaya, Bang Lamung và Sattahip) được mở cửa từ ngày 1-11. Tổng cục trưởng TAT Yuthasak Supasorn cho biết, để chuẩn bị cho sự hồi phục của ngành Du lịch thời hậu Covid-19, TAT đã thành lập 8 nhóm đặc nhiệm, được chia ra hoạt động trong những lĩnh vực “bình thường mới”, xây dựng lại ngành Du lịch, thị trường nội địa, thị trường khách xa, thị trường khách gần, truyền thông tiếp thị, quản lý số và tổ chức. “Một yếu tố quan trọng là sức khỏe và an toàn, điều mà các công ty du lịch cần chuẩn bị trước. Những hướng dẫn tiêu chuẩn an toàn du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết mà TAT làm việc với Bộ Y tế. Ngoài ra, TAT cũng có kế hoạch tập huấn lại kỹ năng của người lao động trong khu vực du lịch” - ông Yuthasak Supasorn nhấn mạnh.

Những ngày cuối tháng 10, giới chức Thái Lan đã tổ chức diễn tập việc đón máy bay chở khách du lịch nhập cảnh, thử nghiệm các biện pháp sàng lọc điện tử. Tổng Giám đốc sân bay Kittipong Kittikachorn cho hay: “Khách du lịch phải xuất trình thẻ Thailand Pass cho nhân viên y tế và bộ phận xuất nhập cảnh khi đến nơi. Tài liệu có dạng mã QR nhằm mục đích thay thế Giấy chứng nhận nhập cảnh hoặc giấy xác nhận tư cách lưu trú do Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán Thái Lan cấp, trong đó chứa thông tin về bảo hiểm, chứng nhận vắc xin và đặt chỗ tại khách sạn”.

Dự kiến, từ ngày 1-1-2022, Thái Lan sẽ mở cửa đón khách du lịch tới hầu hết các khu vực trên cả nước. Với chính sách này, chính phủ Thái Lan hy vọng đạt doanh thu 1.500 tỷ baht (45 tỷ USD) từ khách du lịch trong năm tới. Gần một nửa trong số đó sẽ đến từ 15 triệu khách du lịch nước ngoài. Doanh thu từ thị trường du lịch nội địa được dự báo vào khoảng 800 tỷ baht (24 tỷ USD).

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/1016370/thai-lan-pha-bang-nganh-cong-nghiep-khong-khoi