Thái Lan nỗ lực đối phó với đợt dịch Covid-19 mới

Sau nửa năm không xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, một đợt dịch mới đã bùng phát mạnh mẽ ở Thái Lan vào đầu tháng 12 với gần hai nghìn ca nhiễm. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ những nỗ lực kiểm soát dịch chặt chẽ trong suốt nhiều tháng của chính phủ và người dân Thái Lan đã bị quét sạch.

Các nhân viên y tế khử trùng tại khu chợ hải sản ở Samut Sakhon. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Các nhân viên y tế khử trùng tại khu chợ hải sản ở Samut Sakhon. (Ảnh: Bưu điện Bangkok)

Sau nửa năm không xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng, một đợt dịch mới đã bùng phát mạnh mẽ ở Thái Lan vào đầu tháng 12 với gần hai nghìn ca nhiễm. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ những nỗ lực kiểm soát dịch chặt chẽ trong suốt nhiều tháng của chính phủ và người dân Thái Lan đã bị quét sạch.

Là quốc gia thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc phát hiện ca nhiễm Covid-19, Thái Lan đã nhanh chóng áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc và triển khai nhiều biện pháp quyết liệt và đã ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch Covid-19. Tính đến cuối tháng 11, quốc gia này đã có nửa năm không phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng nào và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Chính phủ và người dân Thái Lan tràn đầy tự tin vào chiến thắng trước đại dịch nguy hiểm này và đang tính toán các phương án khôi phục nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Đồng thời, nỗ lực triển khai nghiên cứu chế tạo và mua sắm vaccine để tiêm phòng cho người dân. Thậm chí, trong những ngày đầu tháng 12, tin tức về việc phát hiện gần 50 ca nhiễm Covid-19 từ những người trốn qua biên giới từ Myamar trở về Thái Lan hay một phụ nữ bán hàng ở khu chợ hải sản đầu mối tỉnh Samut Sakhon nhiễm Covid-19 dường như không gây ra nhiều lo ngại, tất cả vẫn trong tầm kiểm soát. Nhưng đến ngày 19-12, sau khi kết quả xét nghiệm nhóm lao động nhập cư người Myanmar tại khu chợ này được công bố, thì người ta mới nhận ra rằng nguy cơ bùng phát dịch còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 19-12, Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, Tiến sĩ Opas Karnkawinpong cho biết, sau khi xét nghiệm 1.192 người có nguy cơ ở tỉnh Samut Sakhon, đã phát hiện 548 ca nhiễm Covid-19, phần lớn là các lao động nhập cư người Myanmar. Ông Opas nói: “Tỷ lệ lây nhiễm lên tới 43% trong tổng số những người được xét nghiệm và 90% trong số đó không hề có triệu chứng nhiễm bệnh”.

Ngay lập tức, Tỉnh trưởng Samut Sakhon Veerasak Vichitsaengsri tuyên bố đóng cửa một số cơ sở thương mại, trường học, trung tâm thể thao và sân vận động trong tỉnh để ngăn chặn sự lây lan của virus. Bên cạnh đó, các cửa hàng tiện ích sẽ phải đóng cửa từ 22 giờ tối cho tới 5 giờ sáng hôm sau. Còn các nhà hàng sẽ không được cung cấp dịch vụ tại chỗ, ngoại trừ các nhà hàng trong khách sạn và bệnh viện. Người dân được yêu cầu không đi lại trong khoảng thời gian từ 22 giờ tối hôm trước tới 5 giờ sáng hôm sau. Toàn bộ các lao động nhập cư bị cấm di chuyển. Đồng thời, việc ra vào tỉnh Samut Sakhon cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Các lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ ngày 19-12-2020 đến 3-1-2011. Các trạm kiểm soát của cảnh sát sẽ được lập để kiểm soát đi lại từ tối ngày 19-12.

Kể từ đó cho đến nay, số ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng và nhóm lao động nhập cư gia tăng hằng ngày. Phạm vi phát hiện các ca nhiễm Covid-19 mới cũng nhanh chóng lan rộng. Chỉ tính riêng số ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan tới khu chợ hải sản ở Samut Sakhon đã lên tới 234 người từ 38 tỉnh, thành phố. Đó là chưa kể tới 1.356 ca là lao động nhập cư ở tỉnh Samut Sakhon. Trong vài ngày qua, nhà chức trách vừa phát hiện thêm hai ổ dịch Covid-19 tại Rayong (85 ca) và Krabi (17 ca), tất cả đều có liên quan tới ổ dịch Samut Sakhon.

Mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã trở nên rất căng thẳng, nhưng cho tới nay, Chính phủ Thái Lan vẫn mới chỉ tiến hành các biện pháp hạn chế cục bộ.Trước đó, trong đợt bùng phát dịch đầu tiên hồi tháng 3, tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã giúp Chính phủ của ông triển khai nhiều biện pháp như phong tỏa, bắt buộc đeo khẩu trang, đóng cửa các trường học, khu vui chơi, siêu thị... nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang phải chịu những thiệt hại to lớn do dịch Covid-19 gây ra trong gần một năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, giờ đây có vẻ Chính phủ Thái Lan không muốn áp dụng những biện pháp mạnh như thế nữa. Theo dự báo của Bộ Tài chính Thái Lan, nền kinh tế nước này năm 2019 có thể bị suy thoái lên tới 8,5% do tác động của đại dịch Covid-19. Chủ tịch Phòng Thương mại tỉnh Samut Sakhon Amphai Harnkraiwilai đánh giá, đợt bùng phát dịch mới ở tỉnh này có thể gây thiệt hại lên tới 1 tỷ baht mỗi ngày. Nếu lệnh phong tỏa toàn quốc bị áp đặt, rất nhiều hãng du lịch sẽ rơi vào nguy cơ sụp đổ.

Bởi vậy, trong đợt bùng phát dịch mới này, thay vì tiến hành các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra hệ thống xếp hạng màu đối với các tỉnh để kiểm soát sự lây lan của dịch. Vùng màu đỏ, với sự kiểm soát ở mức tối đa, được áp dụng đối với các tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 cao. Hiện nay mới chỉ có Samut Sakhon là thuộc loại này. Tiếp đó là vùng màu da cam, là vùng có từ 10 ca nhiễm Covid-19 trở lên và đang gia tăng, là vùng sẽ có các biện pháp kiểm soát nhẹ hơn. Vùng màu vàng, là vùng được giám sát cao, với số lượng ca nhiễm Covid-19 dưới 10 ca. Và cuối cùng là vùng màu xanh được áp dụng cho các tỉnh không có ca lây nhiễm. Như vậy, các biện pháp kiểm soát khi được áp dụng sẽ chỉ bị giới hạn trong từng khu vực mà không gây ảnh hưởng nhiều tới các khu vực khác. Từ đó, giúp hạn chế sự lây nhiễm của dịch mà vẫn duy trì được hoạt động kinh tế - xã hội của các vùng không có dịch.

Tuy nhiên, với diễn biến của dịch trong những ngày qua, dường như đà lây nhiễm chưa có dấu hiệu bị chặn lại. Mặc dù số ca nhiễm được phát hiện trong lao động nhập cư đã giảm xuống, song số ca lây nhiễm cộng đồng mới được phát hiện mỗi ngày lại cao hơn hôm trước.

Cho đến nay, mặc dù chưa thể xác định rõ nguồn gốc của đợt bùng phát dịch lần này, nhưng giới chức Thái Lan có xu hướng cho rằng, chính các lao động nhập cư nước ngoài là nguồn lây nhiễm bệnh. Trong bài phát biểu ngày 22-12, Thủ tướng Thái Lan Prayut đã đánh giá “những người nước ngoài mang theo dịch bệnh vào đất nước chúng ta là nguy cơ lớn nhất” và yêu cầu siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu đường không, đường sắt, đường bộ và đường biển.

Có thể thấy rõ một thực tế, sau thời gian dài không xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng, chính quyền một số địa phương đã có phần lơi lỏng, đặc biệt trong việc quản lý lao động nước ngoài và người nhập cảnh trái phép. Hiện nay, lao động nhập cư là lực lượng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế Thái Lan, làm việc ở nhiều lĩnh vực từ các nhà máy cho tới những ngành đánh cá, xây dựng. Theo Bộ Lao động Thái Lan, chỉ tính riêng ở tỉnh Samut Sakhon đã có tới 233 nghìn lao động nhập cư có đăng ký. Đó là chưa kể tới một số lượng lớn lao động nhập cư bất hợp pháp.

Tâm điểm đợt bùng phát dịch lần này, khu chợ Mahachai ở tỉnh Samut Sakhon, là một trong những chợ hải sản đầu mối lớn nhất ở Thái Lan. Mỗi ngày có hàng nghìn nhà buôn từ khắp các nơi đổ về đây để mua hải sản đưa về các tỉnh. Khu chợ này cũng là nơi có hàng nghìn lao động nhập cư người Myanmar đang làm việc. Những lao động nhập cư này lại có thói quen sinh sống tập trung thành từng nhóm trong cùng các tòa nhà. Trong khi đó, Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính, con số lao động nước ngoài làm việc tại Thái Lan có thể từ 4-5 triệu người. Bên cạnh đó, bất chấp việc các cửa khẩu dọc biên giới giữa Thái Lan và Myanmar đã bị đóng lại kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều người Myamnar vẫn lẻn được vào Thái Lan theo các đường dây đưa người lậu qua biên giới. Bởi vậy, có thể nói nguy cơ đợt bùng phát dịch còn lan rộng là rất lớn.

Hiện nhiều tỉnh ở Thái Lan đã áp dụng một số biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 như tạm thời đóng cửa các trường học, nhà trẻ, các khu vui chơi giải trí, hạn chế sự di chuyển của các lao động nhập cư và kiểm soát người ra vào tỉnh... Ngày 25-12, Chính phủ Thái Lan cũng đã ban hành sắc lệnh áp dụng một số biện pháp để kiềm chế đợt bùng phát dịch mới. Theo đó, đóng cửa và cấm tất cả mọi người ra vào khu vực có nguy cơ lây nhiễm dịch, cấm tụ tập đông người và yêu cầu các nhân viên y tế giám sát chặt chẽ sự di chuyển của các lao động nhập cư.

Trong thông báo đưa ra tối 27-12, Tiến sĩ Taweesilp Visanuyothin, người phát ngôn Trung tâm Quản lý Tình hình dịch Covid-19 Thái Lan (CCSA) đã phải thừa nhận, đợt bùng phát dịch Covid-19 mới lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều so với đợt bùng phát đầu tiên hồi đầu năm và kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch để loại trừ nguy cơ bị áp đặt các biện pháp mạnh mẽ hơn. Ông Taweesilp cũng khẳng định, hiện nay các nhân viên y tế đã được chuẩn bị sẵn và có kinh nghiệm hơn so với lần trước. Lượng khẩu trang y tế cũng đã được chuẩn bị đầy đủ. Ông nói: “Bởi vậy việc các biện pháp kiểm soát dịch có được tăng cường hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của người dân. Nếu chúng ta hợp tác, sẽ không cần phải áp đặt các lệnh phong tỏa hay giới nghiêm. Chính phủ không muốn áp đặt những biện pháp hạn chế này”.

Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 22-12, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cũng kêu gọi kêu gọi tất cả mọi người hợp tác với chính phủ và cơ quan y tế trong việc kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19 “hoặc nguy cơ phong tỏa sẽ là không tránh khỏi”. Mặc dù vậy, Thủ tướng Thái Lan vẫn kêu gọi công chúng không nên hoảng loạn và bày tỏ hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện.

NAM ĐÔNG (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/thai-lan-no-luc-doi-pho-voi-dot-dich-covid-19-moi-629766/