Thái Lan: Những ẩn số trước kỳ bầu cử 2019

Cuộc bầu cử vốn đã bị trì hoãn nhiều lần ở Thái Lan cuối cùng cũng đã được ấn định sẽ diễn ra trong khoảng từ 24-2 đến 5-5-2019 bằng một đạo luật bầu cử mới được Vua Maha Vajiralongkorn ký ban hành ngày 12-9-2018.

Cuộc bầu cử chọn ra 500 đại biểu hạ viện và 250 đại biểu thượng viện sẽ được bổ nhiệm không qua bầu cử. Dù hãy còn sớm và vẫn còn những bất ngờ nhưng nhiều người hầu như đã tin chắc rằng khó có ai khác đủ điều kiện, khả năng để thay thế đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha.

Cho đến nay, những hoạt động chuẩn bị cho cuộc đua tranh đang diễn ra một cách khẩn trương trong âm thầm. Trước mắt, trên khắp đất nước Thái Lan không có những hoạt động tập hợp cử tri hay những màn vận động sôi động bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp như những năm trước. Lệnh cấm các hoạt động chính trị hiện vẫn còn hiệu lực, không cho phép tụ họp quá 5 người vì mục đích vận động chính trị.

Ông Prayut Chan-ocha nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Thái Lan sau cuộc bầu cử năm 2019.

Theo lý giải của những người am hiểu tình hình, lệnh cấm này được áp dụng nhằm mục đích ngăn chặn tình trạng những người ủng hộ các đảng phái chính trị đối nghịch nhau cùng xuống đường tuần hành gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông, thậm chí còn gây ra những vụ bạo động, đụng độ đẫm máu làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh đất nước. Tuy nhiên, các nhà bình luận đối lập cho rằng lệnh cấm chủ yếu nhằm khống chế hoạt động của phái chính trị “áo đỏ” có liên quan đến gia tộc Shinawatra.

Giới quan sát chính trị Thái Lan xem cuộc bầu cử vào năm tới là một “phép thử” đối với việc giữ lời hứa của quân đội Thái Lan. Đã 4 năm trôi qua kể từ khi quân đội đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra, cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy quân đội sẽ từ bỏ sự kiểm soát quyền lực đó. Đương kim Thủ tướng Prayut Chan-ocha vốn là một tướng quân đội, được đưa lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2014 và sau đó tự tuyên bố “rời khỏi quân đội” để hợp thức hóa việc nắm quyền, nhằm thể hiện cho thế giới thấy rằng ở Thái Lan không có chính quyền quân sự.

Giới quan sát quốc tế cho rằng, thực chất quân đội vẫn đứng sau lưng ông Chan-ocha trong mọi hành động điều hành đất nước. “Cánh tay” đắc lực của quân đội trong việc này là Hội đồng Hòa bình và Trật tự (NCPO) - một cơ quan được lập ra sau cuộc đảo chính ngày 22-5-2014 với thành viên là các tướng tá quân đội. Ngay khi mới ra đời, NCPO đã tuyên bố nắm quyền kiểm soát, lãnh đạo đất nước Thái Lan cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức. Người đứng đầu NCPO suốt 4 năm qua không ai khác chính là Thủ tướng Chan-ocha.

Để duy trì trật tự, đồng thời tránh tái diễn tình trạng bạo động chính trị trên đường phố, NCPO đã ban hành lệnh “cấm hoạt động chính trị”, bao gồm cả việc họp mặt và vận động cử tri. Cho đến nay lệnh cấm này vẫn còn hiệu lực, mặc dù đã được nới lỏng một phần và đây được xem là dấu hiệu rõ nhất của việc quân đội kiểm soát chặt chẽ chính trị ở Thái Lan.

Tháng 4-2017, hiến pháp mới do NCPO soạn thảo đã được đa số dân Thái Lan đồng ý trong một cuộc trưng cầu dân ý có tỉ lệ người đi bỏ phiếu rất thấp, chủ yếu là thành phần “áo vàng” trung lưu, tư bản giàu có ở các vùng đô thị. Đồng thời, ông Chan-ocha cũng tuyên bố sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới vào năm 2018. Tuy nhiên, lời hứa của ông Chan-ocha dường như khó thực hiện bởi các vấn đề chính trị mới phát sinh.

Từ năm 2017, liên tiếp các cáo buộc tham nhũng xuất hiện nhắm vào các thành viên nội các chính phủ và NCPO khiến cho việc chuẩn bị tổ chức bầu cử gặp trở ngại, thậm chí đình trệ. Trong đó, bê bối đáng chú ý nhất là việc Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn NCPO Prawit Wongsuwan bị cáo buộc tham nhũng do không khai báo nhiều chiếc đồng hồ xa xỉ trị giá 1 triệu USD. Ông Wongsuwan giải thích rằng số đồng hồ đó là “mượn tạm” của bạn bè, không thể thuyết phục dư luận. Người ta cho rằng vấn đề của ông Wongsuwan và lời giải thích này chủ yếu là động thái “câu giờ” để chính phủ đương nhiệm tranh thủ thời gian hoàn thành một số việc trước khi chuyển giao quyền lực cho chính phủ mới được bầu lên.

Tháng 9-2018, đạo luật ấn định cuộc bầu cử 2019 đã được ban hành. Các đảng phái chính trị đối lập tiếp tục yêu cầu gỡ bỏ lệnh cấm sinh hoạt chính trị và Thủ tướng Chan-ocha cũng hứa rằng lệnh cấm “có thể được gỡ bỏ” vào tháng 12 năm nay nhằm tạo điều kiện cho tiến trình tranh cử “tự do”.

Dù không nhắc đến nhưng gia tộc Shinawatra vẫn còn phủ bóng lên chính trị Thái Lan mỗi khi mùa bầu cử đến. Trong những năm sau khi ông Thaksin bị lật đổ đã có vài đảng phái do ông trực tiếp tài trợ hoặc ủng hộ ông đã bị giải tán. Trong cuộc bầu cử hiện tại, đảng Puea Thai đang có nguy cơ tương tự.

Tháng 10-2018, NCPO đã ra lệnh cho Ủy ban Bầu cử quốc gia điều tra để tìm hiểu xem ông Thaksin có còn kiểm soát đảng Puea Thai hay không. Nếu có dấu hiệu liên quan đến ông Thaksin dù nhỏ cũng sẽ là lý do để giải tán đảng này. Lệnh điều tra xuất phát từ việc ông Thaksin mới đây đã phát biểu trên Đài NHK TV rằng “các phái dân chủ” có thể giành khoảng 300 trong tổng số 500 ghế đại biểu trong cuộc bầu cử sắp tới. Ngay lập tức, đảng Puea Thai đã bác bỏ nghi vấn mối liên hệ với ông Thaksin. Bên cạnh đó, để đề phòng bất trắc, các cựu thành viên của Puea Thai đã thành lập ít nhất 3 đảng dự phòng, gồm Puea Tham, Puea Chart và Thai Raksa Chart.

Mọi con mắt hiện đang chú ý vào việc đảng phái chính trị nào sẽ được ông Chan-ocha “chiếu cố” gia nhập để tiếp tục ứng cử chức Thủ tướng Thái Lan. Hiến pháp mới quy định mặc dù không ra ứng cử nhưng ông vẫn có thể tiếp tục làm thủ tướng thông qua một cuộc bỏ phiếu bầu trong quốc hội.

Trước mắt, hầu hết các đảng phái đăng ký tham gia cuộc bầu cử đều bày tỏ ý định muốn liên kết với ông Chan-ocha, đánh giá ông là người duy nhất hiện nay có đủ khả năng duy trì hòa bình và ổn định trên chính trường Thái Lan. Đây mới chính là mục tiêu quan trọng nhất của Thái Lan hiện tại. Và đảng phái nào hướng đúng vào mục tiêu này sẽ có cơ may giành chiến thắng.

An Châu (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/thai-lan-nhung-an-so-truoc-ky-bau-cu-2019-523065/