Thái Lan: Mơ cao ngã nặng!

Tối 6/1, ở lượt trận vòng bảng Asian Cup 2019, Thái Lan thua thảm hại trước đội tuyển Ấn Độ với tỷ số 1-4. Đây là điều gây ngạc nhiên với nhiều người bởi Thái vốn được coi là đội cửa trên, thậm chí người Thái còn khá tự tin sẽ giành chiến thắng trận đầu tại sân chơi hàng đầu châu lục. Thế nhưng...

Các cầu thủ Ấn Độ ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Thái Lan. Ảnh: AFC.

Các cầu thủ Ấn Độ ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Thái Lan. Ảnh: AFC.

“Voi chiến” Đông Nam Á – Thái Lan bị đội bóng đến từ đất nước dân số đông thứ hai thế giới dùng các đòn phản công sắc nhọn “bắn hạ” tơi tả. Không ai hình dung ra một ông vua - dù là vũng trũng lại thua đau, lại sụp đổ trước đội bóng Ấn Độ vốn chẳng có tên tuổi, số má gì ở làng túc cầu Á châu.

Thương cho người Thái, nhưng ngẫm lại hành trình mơ mộng của họ mới thấy sự chí lý: Họ “chết” vì ảo mộng quá nhiều, sự ảo mộng kéo dài triền miên mấy thập kỷ chứ chẳng phải “giấc mộng đêm hè” vốn đến nhanh, qua mau.

Từ ngày liên tục làm trùm Đông Nam Á, Thái Lan đã tính đến một suất dự World Cup. Và họ đã bày mưu tính kế ngay từ World Cup 2006 với kế hoạch rất rõ ràng, sau khi hai quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc thành công tại World Cup 2002. Hàng loạt HLV tên tuổi đến từ trời Âu được người Thái gọi về với sự hậu đãi đình đám, nhưng rốt cuộc người Thái lại thất bại tệ hại suốt chặng đường kéo dài ngót chục năm, từ quãng 2003 tới tận 2012.

Trong suốt chục năm đó, người Thái ôm mộng giành vé dự World Cup 2006, 2010 nhưng họ bị loại ngay từ vòng sơ loại thứ hai. Đắng cay hơn, chẳng những không làm nên trò trống gì ở châu Á mà ngay tại vùng trũng Đông Nam Á, nơi người Thái xưng vua bá chủ từ lâu thì 10 năm ấy, Thái cũng bị những Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia... cho “ngửi khói”. Mười năm, Thái không giành được chức vô địch AFF cup nào, thậm chí có kỳ Seagames, họ còn bị loại ngay từ vòng bảng.

Thật đớn đau!

Nhưng mộng của người Thái không thay đổi. Năm 2010, Nam Phi làm chủ nhà World Cup, thi thố với các bậc tài năng. Người Thái có ý coi thường đội chủ nhà Nam Phi bởi nền bóng đá này có số má gì đâu mà chơi World Cup nên xách quân sang đây đá giao hữu, ý là kiểm chứng xem anh đá World Cup, anh có hơn gì trình tôi không. Rốt cuộc, Thái Lan bị chủ nhà Nam Phi “nện” cho 4 bàn không gỡ.

Từ ngày đó, không thấy họ nói gì đến mấy ông chủ nhà World Cup nữa.

Nhưng Thái Lan đặt mục tiêu rõ ràng: giành vé dự World Cup 2014. Tại vòng loại thứ 3 kỳ đó, Thái chung bảng với Úc, Ả rập, Oman. Trận ra quân, họ hạ Oman 3 bàn trắng, khí thế hừng hực, mộng World Cup lên cao. “Các cầu thủ Australia cao to nhưng họ lại hơi chậm. Tôi nghĩ rằng chúng tôi có tốc độ để đánh bại họ, tất nhiên điều này không hề dễ dàng chút nào” - ông Nakasai, trưởng đoàn bóng đá Thái khi đó tự tin nói.

Tuy nhiên, hành trình của người Thái khép lại sau khi đứng bét bảng chung cuộc. Nhưng mộng World Cup của người Thái vẫn không thay đổi, lần này là mục tiêu săn vé World Cup 2018.

Các cầu thủ Thái Lan buồn bã trong trận thua thảm hại trước Ấn Độ. Ảnh: AFC.

Cũng chính trong thời gian này, Hiệp hội bóng đá Thái Lan (FAT) bổ nhiệm HLV Kiatisak Senamuang dẫn dắt đội tuyển quốc gia nước này sau thành công của tuyển U23 tại SEA Games 27, năm 2013.

Có thể thấy, từ ngày Kiatisak dẫn dắt, bóng đá Thái đã thay da đổi thịt và trong suốt 5 năm ông cầm trịch. Bóng đá Thái đã lấy lại vị thế vua Đông Nam Á với hai chức vô địch AFF cup 2014, 2016, vô địch Seagames 2015, 2017 và đứng thứ 4 tại ASIAD 2014. Đặc biệt, Thái gây sốc khi từng thắng Trung Quốc tới 5-1 trong trận giao hữu ngay tại đất khách.

Cũng dưới triều đại Kiatisak, lần đầu tiên, Thái Lan lọt vào vòng loại cuối cùng, săn vé World Cup 2018. Tại đây, Thái Lan đụng các “ngáo ộp”: Úc, Nhật, Ả rập, Iraq, UAE. Dù đối đầu những tên tuổi lớn làng túc cầu châu Á song người hâm mộ phải nể phục tài năng của “thầy Sắc” khi gây ra rất nhiều khó khăn cho Úc, Ả rập, thậm chí suýt giành điểm ngay trên đất đại gia Tây Á. Tuy nhiên, với đường trường đầy chông gai, sức lực có hạn, Thái Lan rốt cuộc không tránh khỏi phận lót đường, trong đó có những trận thua đậm Nhật, Iraq tới 0-4. Kết quả là Kiatisak phải đội mũ ra đi.

Kiatisak ra đi vì đơn giản không thể giúp Thái giành vé dự World Cup và cùng với đó là những bất đồng với Liên đoàn bóng đá Thái FAT. Chủ tịch FAT là Somyot Poompunmuang thừa nhận muốn người thay thế HLV Kiatisak Senamuang dẫn dắt tuyển quốc gia phải có kinh nghiệm ở đấu trường World Cup, trong đó ông còn nhắm đến cựu HLV tuyển Anh Sven-Goran Eriksson và 'phù thủy' Guus Hiddink.

Nghĩa là Thái Lan không thiếu tiền, mơ mộng lại có thừa. Giấc mộng ấy kéo dài mấy thập kỷ, dù lần nào người Thái cũng vừa chèo thuyền ra khơi đã đắm ngay tại cửa biển. Thái Lan trảm Kiatisak vì quá mơ mộng, quá ảo tưởng. Họ không hiểu rằng, thực lực của mình chỉ là vua vùng trũng thôi, sao đọ sức với vua khu vực.

Kiatisak là người thầy làm khởi sắc bóng đá Thái tốt nhất, nhiều thành tích nhất trong 2 thập kỷ qua và lần đầu đưa Thái lọt tới vòng loại cuối cùng tranh vé dự World Cup. Nhưng khi có được điều đó, FAT lại ảo mộng, ngỡ rằng thành tích đó là điều hiển nhiên mà không coi trọng Kiatisak, muốn phải bằng Nhật, bằng Hàn, bằng Úc.

Thái Lan đã từ bỏ lối đá ban bật kiểu Bacelona vốn làm khổ bao đội bóng Đông Nam Á đến châu Á. Xem lại 3 bàn thắng Thái ghi được ở Mỹ Đình vào lưới tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2018, trong đó có pha đập nhả mười mấy chạm mới thấy “Sắc” giỏi thế nào. Còn nay, điều ấy đã bị phá sản bởi ông thầy ngoại.

Và sau khi Kiatisak ra đi, điều gì đã xảy ra với bóng đá Thái? Hơn một năm qua, Thái chìm dần, chìm dần, từ U123, ASIAD, U16, U19, AFF Cup. Và nay, bị “anh bạn hiền” Ấn Độ giương nỏ bắn gục, đâu có gì lạ.

Mơ cao ngã nặng, Thái lúc này thật đáng thương!

Nghĩ về bạn Thái, lại giật mình khi mới đây, Chủ tịch VFF nói, VN phải nhắm vé World Cup 2026!

Xem thêm clip: Quế Ngọc Hải tiết lộ mục tiêu của đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019

Nhà báo Phan Đăng Trường - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/thai-lan-mo-cao-nga-nang-58660-9.html