Thái Lan không muốn đón du khách quốc tế 'đến chỉ để hút cần sa'

Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul tuyên bố, Thái Lan không khuyến khích du khách tới đây để hút cần sa. Tuyên bố này được đưa ra chỉ 2 tháng sau khi Thái Lan hợp pháp hóa việc trồng và tiêu thụ cần sa trong lĩnh vực y tế, thực phẩm và đồ uống.

Nhân viên của một quán cà phê tại Thái Lan cầm một mẩu cần sa. Ảnh: Reuters

Nhân viên của một quán cà phê tại Thái Lan cầm một mẩu cần sa. Ảnh: Reuters

“Chúng tôi không chào đón kiểu du khách đó”, ông Anutin hôm 17/8 trả lời phóng viên sau khi được hỏi về vấn đề khách du lịch nước ngoài tới quốc gia này để sử dụng cần sa cho mục đích giải trí, theo Reuters.

Quan điểm cứng rắn của Bộ trưởng Y tế được đưa ra ngay cả khi Thái Lan là quốc gia phụ thuộc vào du lịch. Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này dự kiến sẽ thu hút từ 8 triệu đến 10 triệu lượt khách trong năm nay, cao hơn mức dự báo trước đó là 7 triệu. Năm ngoái, đại dịch Covid-19 khiến lượng du khách nước ngoài tới Thái Lan giảm còn 428.000 lượt, giảm sâu so với mức kỷ lục gần 40 triệu lượt vào năm 2019.

Tuy nhiên, ông Anutin cho biết, việc sử dụng cần sa với mục đích giải trí có thể được nghiên cứu sau khi chất này được hiểu biết tốt hơn. “Điều có thể xem xét trong tương lai gần", ông nói thêm.

Công nhân sản xuất thuốc tẩm cần sa tại Tổ chức Dược phẩm Chính phủ Thái Lan ở tỉnh Pathum Thani, ngày 17/8. Ảnh: Reuters

Năm 2018, Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa cần sa trong nghiên cứu y khoa. Đến tháng 6 năm nay, quốc gia này chính thức rút cần sa khỏi danh sách chất ma túy, cho phép người dân trồng và sử dụng với mục đích y tế.

Thái Lan cũng hợp pháp hóa việc tiêu thụ cần sa trong thực phẩm và đồ uống và là quốc gia châu Á đầu tiên làm vậy nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp và du lịch. Bộ Y tế nước này cho biết đã phê duyệt 1.181 sản phẩm bao gồm mỹ phẩm và thực phẩm, có chứa chiết xuất từ cần sa và dự kiến rằng ngành công nghiệp này sẽ kiếm được 15 tỷ Baht (435,16 triệu USD) vào năm 2026.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan cũng đã ban hành các quy định kiểm soát việc sử dụng mặt hàng này như cấm hành vi hút cần sa nơi công cộng, cấm bán cần sa cho những người dưới 20 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, cấm sử dụng cho mục đích giải trí. Những người hút cần sa ở nơi công cộng có nguy cơ phải đối mặt với án tù 3 tháng hoặc tiền phạt lên tới 25.000 Baht (705,82 USD).

Đặc biệt, người dân không được phép sở hữu và buôn bán các chất chiết xuất từ cần sa có nồng độ tetrahydrocannabinol (THC - chất gây hưng phấn thần kinh) vượt quá 0,2%.

Một lọ chứa cần sa trong cửa hàng thuốc ở Bangkok, Thái Lan, ngày 17/8. Ảnh: Reuters

Trong lúc này, các cơ sở kinh doanh với các phòng hút cần sa đặc biệt vẫn thu hút sự chú ý của người dân địa phương và khách du lịch. Tại Khao San, Bangkok, một quán cà phê cần sa đã đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày.

Ông Ong-ard Panyachatiraksa, chủ quán cà phê, nói với Reuters rằng: “Người châu Âu, Nhật Bản và Mỹ đang tìm kiếm loại sativa của Thái Lan. Cần sa và du lịch đúng là cặp bài trùng”. Trong khi đó, ông Chokwan Kitty Chopaka, chủ một cửa hàng bán kẹo cao su cần sa, cho biết: “Sau Covid-19, nền kinh tế đã đi xuống, nên chúng tôi thực sự cần thứ này”.

Tuy nhiên, nhiều người dân Thái Lan không đồng tính với hình ảnh các sản phẩm cần sa tràn ngập trên các con phố. Bà Yada Pornpetrampa, chủ một quầy đồ ăn tại Khaosan trong hơn 30 năm qua, cho biết: "Không phải ai cũng đến Khaosan vì cần sa. Đây là điểm đến cho mọi đối tượng du khách, trong đó có những gia đình".

"Hành vi hút cần sa có thể gây phiền toái cho người khác, mùi cần sa cũng vậy. Nó giống như việc hút thuốc nơi công cộng làm ảnh hưởng đến mọi người", bà nói.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thai-lan-khong-muon-don-du-khach-quoc-te-den-chi-de-hut-can-sa-post10157.html