Thái-lan hướng tới ổn định chính trị và phát triển kinh tế

Hôm nay (24-3), gần 50 triệu cử tri Thái-lan sẽ tới 90 nghìn điểm bỏ phiếu trên cả nước bầu Hạ viện, tiến tới thành lập một chính phủ dân sự đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2014. Kết quả cuộc bầu cử được dự đoán là khó lường, bởi quy định phức tạp của Luật Bầu cử trong Hiến pháp Thái-lan, cũng như tương quan lực lượng sít sao giữa các đảng phái.

Hôm nay (24-3), gần 50 triệu cử tri Thái-lan sẽ tới 90 nghìn điểm bỏ phiếu trên cả nước bầu Hạ viện, tiến tới thành lập một chính phủ dân sự đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự tháng 5-2014. Kết quả cuộc bầu cử được dự đoán là khó lường, bởi quy định phức tạp của Luật Bầu cử trong Hiến pháp Thái-lan, cũng như tương quan lực lượng sít sao giữa các đảng phái.

Theo Hiến pháp sửa đổi năm 2017, cử tri Thái-lan sẽ bỏ phiếu bầu 500 thành viên Hạ viện, trong đó 350 ghế bầu theo danh sách cá nhân và 150 ghế bầu theo danh sách đảng. Thượng viện gồm 250 thành viên sẽ được Hội đồng Hòa bình và Trật tự quốc gia Thái-lan (NCPO), do Thủ tướng đương nhiệm P.Chan Ô-cha làm Chủ tịch, chỉ định. Sau đó, Quốc hội lưỡng viện gồm 750 thành viên sẽ bầu thủ tướng. Mỗi lá phiếu cử tri có hai lựa chọn theo phương thức "hệ thống bầu cử hỗn hợp", gồm bầu hạ nghị sĩ theo danh sách cá nhân và hạ nghị sĩ theo danh sách đảng. Theo Ủy ban bầu cử Thái-lan (EC), có hơn 100 đảng chính trị đăng ký, song chỉ 77 đảng đủ điều kiện tranh cử. Có 10.792 ứng cử viên theo danh sách cá nhân và 2.810 ứng viên theo danh sách đảng đủ tư cách tham gia tranh cử vào Hạ viện; 68 ứng cử viên của 44 chính đảng đua tranh chức thủ tướng. Trong số gần 80 chính đảng tham gia tranh cử, ba đảng có tiềm lực mạnh nhất gồm đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) thân cận với gia tộc Xin-vắt, đảng Dân chủ có truyền thống lâu đời nhất Thái-lan và đảng Quyền lực nhà nước nhân dân (Palang Pracharath-PPP) mới thành lập năm ngoái để ủng hộ Thủ tướng Chan Ô-cha. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy, đảng Pheu Thai nhận được hơn 36% số cử tri được hỏi ủng hộ, đảng Palang Pracharath đứng thứ hai với gần 23% và đảng Dân chủ với khoảng 15%. Trong số 68 ứng cử viên thủ tướng, ba cái tên nổi bật gồm đương kim Thủ tướng Chan Ô-cha của đảng Palang Pracharath được 26% số người được hỏi ủng hộ, bà S.Kê-du-ra-phan của đảng Pheu Thai với 24% và cựu Thủ tướng, Chủ tịch đảng Dân chủ A.Vê-cha-chi-va với gần 12%.

Trong chiến dịch tranh cử, đảng Palang Pracharath tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri với những cam kết táo bạo, như nâng mức lương tối thiểu từ 300 bạt/ ngày lên hơn 400 bạt, 18 nghìn bạt/ tháng cho lao động có tay nghề và 20 nghìn bạt/ tháng cho lao động có bằng cử nhân. Ðảng này cũng hứa nâng mức thu nhập cá nhân chịu thuế từ 150 nghìn bạt lên 200 nghìn bạt/năm, tăng thêm từ hai đến ba triệu người dân được hưởng trợ cấp an sinh xã hội. Với sự ủng hộ gần như tuyệt đối của Thượng viện gồm 250 ghế, đảng Palang Pracharath cần giành tối thiểu 126 ghế tại Hạ viện để chiếm đa số trong QH Thái-lan, qua đó có quyền thành lập chính phủ. Tuy nhiên, đảng Palang Pracharath vẫn để ngỏ khả năng liên minh với các chính đảng khác để thành lập chính phủ liên hiệp, trong trường hợp họ không giành số ghế quá bán tại Quốc hội. Dù ít nhiều bị sứt mẻ do thiếu một thủ lĩnh có kinh nghiệm, uy tín như cựu Thủ tướng Thặc-xỉn Xin-vắt và người em gái Dinh-lắc Xin-vắt, nhưng đảng Pheu Thai vẫn là một thế lực mạnh, luôn nhận được sự ủng hộ lớn từ tầng lớp người lao động, nhất là ở khu vực thành trì vùng đông bắc Thái-lan. Pheu Thai cũng đưa ra cam kết tăng lương tối thiểu lên 400 bạt/ ngày và 18 nghìn bạt/ tháng cho người lao động tốt nghiệp đại học, giãn nợ trong vòng hai năm đối với nông dân, miễn thuế doanh thu cho doanh nghiệp mới, miễn thuế hai năm cho doanh nghiệp thương mại điện tử, giải quyết vấn đề nợ công được dự báo tăng lên mức 50% GDP vào năm 2022. Tuy nhiên, việc đảng Người Thái bảo vệ quốc gia (Thai Raksa Chart), đảng đồng minh quan trọng của Pheu Thai, bị giải tán và đội ngũ lãnh đạo bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 10 năm, do đề cử công chúa U-bôn-rắt làm ứng cử viên thủ tướng, là một tổn thất to lớn đối với đảng Vì nước Thái ngay trước thềm cuộc bầu cử. Khó có thể nhận được sự ủng hộ của 250 thượng nghị sĩ, cho nên để đứng ra thành lập chính phủ, Pheu Thai phải giành ít nhất 376 ghế tại Hạ viện. Ðây là một nhiệm vụ bất khả thi, bởi theo Luật Bầu cử trong Hiến pháp Thái-lan, nếu được từ 200 ghế Hạ viện trở lên theo danh sách ứng cử cá nhân, Pheu Thai sẽ hết suất trong danh sách đảng. Ðảng Dân chủ, có truyền thống lâu đời nhất chính trường Thái-lan, cam kết với cử tri sẽ đẩy mạnh chống tham nhũng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện an sinh xã hội và tăng quyền tự chủ cho địa phương. Dù không còn là lực lượng mạnh như trước, đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Vê-cha-chi-va vẫn nhận được sự ủng hộ đông đảo của giới tinh hoa, thủ đô Băng-cốc và khu vực miền nam trù phú.

IỚI chuyên gia nhận định, khả năng có một đảng giành đa số ghế trong Quốc hội lưỡng viện Thái-lan là rất khó. Vì vậy, phương án liên minh cũng đã được tính đến. Trước thềm bầu cử, hai đảng Palang Pracharath và Dân chủ đều "bật đèn xanh" có thể liên minh với nhau hoặc các đảng khác để thành lập chính phủ. Song, dù một đảng hoặc liên minh nào chiến thắng, thì ổn định chính trị - xã hội, khôi phục đà phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới ở Thái-lan.

MINH ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/39603902-thai-lan-huong-toi-on-dinh-chinh-tri-va-phat-trien-kinh-te.html