Thái Lan gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng

Ngày 29-6, Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo sau phiên họp toàn thể do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì, cơ quan này đã quyết định gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp tới cuối tháng 7, sau khi sắc lệnh này hết hiệu lực vào ngày 30-6.

Các công dân Thái Lan hồi hương từ Vương quốc Anh tiến hành kiểm dịch tại sân bay Suvarnabhumi -Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.

Các công dân Thái Lan hồi hương từ Vương quốc Anh tiến hành kiểm dịch tại sân bay Suvarnabhumi -Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.

NDĐT – Ngày 29-6, Trung tâm xử lý tình hình Covid-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo sau phiên họp toàn thể do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì, cơ quan này đã quyết định gia hạn Sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp tới cuối tháng 7, sau khi sắc lệnh này hết hiệu lực vào ngày 30-6.

CCSA cho rằng quyết định trên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay do Thái Lan sẽ tiến hành nới lỏng hạn chế đối với hầu hết các ngành nghề kinh doanh, các trường học và cho phép di chuyển nhiều hơn từ ngày 1-7.

Cùng ngày, CCSA thông báo Thái Lan ghi nhận thêm bảy ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, tất cả đều là những công dân hồi hương từ nước ngoài và không ghi nhận trường hợp tử vong. Tính đến thời điểm này, Thái Lan có tổng cộng 3.169 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 58 trường hợp tử vong. Ngoài ra, nước này cũng đã trải qua 35 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Trong một diễn biến khác, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 29-6 khuyến cáo các chính phủ nên cân nhắc việc sử dụng các biện pháp cách ly sau khi tái khởi động nền kinh tế.

IATA cho rằng việc áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc sau khi nhập cảnh sẽ khiến các quốc gia bị cô lập, kéo theo đó là ngành dịch vụ vận chuyển và du lịch cũng bị ảnh hưởng.

Theo Tổng Giám đốc IATA, Alexandre de Juniac, Hiệp hội này đang đề xuất một thỏa thuận với nhiều điều khoản nhằm ngăn chặn những người có nguy cơ lây nhiễm cao di chuyển và hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm có thể của những hành khách này sau khi nhập cảnh.

Dẫn một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy 83% số người được hỏi cho biết sẽ không di chuyển nếu bắt buộc phải kiểm dịch tại điểm đến, ngoài ra các quốc gia áp dụng kiểm dịch nghiêm ngặt đã chứng kiến lượng khách giảm tới 90% - một kết quả tương tự so với những quốc gia cấm hoàn toàn du khách nước ngoài. Ông Juniac cho rằng việc khởi động lại nền kinh tế là ưu tiên hàng đầu và các biện pháp kiểm dịch có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giữ an toàn cho mọi người nhưng nó cũng sẽ khiến nhiều người mất việc.

Ông Juniac cho biết đề xuất của IATA sẽ hỗ trợ giảm rủi ro của các trường hợp nhập cảnh thông qua việc ngăn chặn các hành khách có triệu chứng đi lại và yêu cầu cung cấp xét nghiệm Covid-19 đối với hành khách từ các quốc gia được coi là có tỉ lệ lây nhiễm cao. Giám đốc IATA khuyến cáo các biện pháp kiểm dịch nên được thực hiện trước khi hành khách tới sân bay nhằm tránh gây tắc nghẽn tại sân bay cũng như hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

MINH ĐỨC - TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/45032502-thai-lan-gia-han-sac-lenh-ve-tinh-trang-khan-cap-them-1-thang.html