Thái Lan: Diễn biến trước bầu cử, tin đồn nhạy cảm

Sự quan tâm đến cuộc bầu cử này cũng dẫn đến hàng loạt các hoạt động chính trị nhạy cảm.

Ngày 8/2, Công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi (Ubolratana Barnavadi) - chị gái của đương kim quốc vương Thái Lan tuyên bố chính thức tham gia tranh cử cuộc bầu cử sắp tới ở Thái Lan.

Đảng Thái Raksa Chart, một nhánh quan trọng của đảng Vì người Thái ủng hộ cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra trước đây ngay lập tức công nhận công chúa 62 tuổi này là đại diện duy nhất của họ.

Tuy nhiên, ngay trong đêm 8/2, Hoàng gia Thái Lan đã đăng tải một thông báo từ chính Quốc vương Maha Vajiralongkorn cho rằng những người thuộc hoàng tộc không phù hợp để tham gia các hoạt động chính trị.

Tuyên bố đăng trên Công báo Hoàng gia Thái Lan cho biết: "Đưa một thành viên gia đình hoàng gia cấp cao vào hệ thống chính trị là việc đi ngược lại truyền thống hoàng gia và văn hóa đất nước. Hành động này là không thích hợp".

Công chúa Ubolratana muốn tham gia vào con đường chính trị, nhưng chấp nhận những yêu cầu của Hoàng gia trong chiến dịch tranh cử lần này

Trong ngày 9/2, đảng Thai Raksa Chart cũng đã có thông báo chính thức liên quan đến yêu cầu của Quốc vương.

Theo đó, đảng Thai Raksa Chart sẽ tuân lệnh hoàng gia. Như vậy, đảng này sẽ phải chọn đại diện khác ra tranh cử.

Đảng Thai Raksa Chart vẫn còn sự ủng hộ rất lớn từ nhiều ứng cử viên có uy tín. Đáng chú ý, đã có 10 ứng viên nam đổi tên thành Thaksin và 5 ứng viên nữa đổi tên mình thành Yingluck.

Hiện tại, người dân Thái Lan đang rất háo hức mong chờ cuộc tổng tuyển cừ diễn ra vào ngày 24/3 tới đây. Hồi tháng 1, chính quyền quân sự Thái Lan đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với các hoạt động chính trị và cho phép tiến hành bầu cử.

Bản thân người đứng đầu chính quyền quân sự Thái Lan, ông Prayuth Chan-ocha cũng tuyên bố sẽ tranh cử thủ tướng với tư cách là một ứng cử viên của đảng Palang Pracharat (Quyền lực nhân dân của nhà nước) ủng hộ chính quyền quân sự ở Thái Lan.

Sự quan tâm đến cuộc bầu cử này cũng dẫn đến hàng loạt các hoạt động chính trị nhạy cảm. Đáng chú ý trong ngày 9/2, tại khu vực trung tâm tỉnh Phichit, cảnh sát chống bạo động đã được điều động khẩn và đặt mình trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.

Hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao quân lệnh khẩn được ban bố và liệu các tỉnh khác tại Thái Lan có ra quyết định điều động tương tự hay không. Công văn của tỉnh trưởng tỉnh Phichit chỉ cho biết việc huy động lực lượng an ninh là do "vấn đề cấp thiết của chính phủ".

Tuy nhiên, mạng xã hội Thái Lan cũng bắt đầu rộ lên các tin đồn về việc nguy cơ xảy ra đảo chính quân sự. "Đảo chính" cũng đang là từ khóa nóng nhất trên mạng xã hội nước này vào đêm 10/2.

Ngay lập tức, hàng ngàn bình luận, chia sẻ đã được đăng tải bày tỏ sự chán nản của người dân với những vấn đề liên quan tới đảo chính. Người dân Thái Lan kêu gọi tin tưởng vào các kết quả bầu cử và sự lựa chọn của nhân dân.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thai-lan-dien-bien-truoc-bau-cu-tin-don-nhay-cam-3374352/