Thái-lan đẩy mạnh đầu tư, phát triển công nghệ

Thái-lan vừa có một loạt các quyết định trong đầu tư và phát triển công nghệ nhằm chuyển đổi nền kinh tế lớn thứ hai Đông - Nam Á này thành một xã hội hoàn toàn dựa trên công nghệ.

(Ảnh: The Nation)

(Ảnh: The Nation)

810 triệu USD nghiên cứu đổi mới sáng tạo

Chính phủ Thái-lan vừa thông qua một khoản ngân sách trị giá 24,6 tỷ baht (khoảng 810 triệu USD) để hỗ trợ nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm chuyển đổi nền kinh tế lớn thứ hai Đông - Nam Á này thành một xã hội hoàn toàn dựa trên công nghệ.

Hội đồng chính sách về khoa học, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quốc gia cho biết, khoản ngân quỹ nói trên, được trích từ ngân sách tài khóa hiện nay, sẽ tài trợ cho các dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành xây dựng một xã hội dựa trên công nghệ.

Số tiền này sẽ được đầu tư cho việc phát triển nhân lực và các thể chế, thực hiện nghiên cứu và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề chính của đất nước, đồng thời đưa nghiên cứu và đổi mới sáng tạo vào việc tăng tính cạnh tranh của đất nước và giảm bất bình đẳng trong xã hội.

Chủ tịch Hội đồng, ông Kittipong Promwong, nhận xét những mục tiêu nói trên có thể nâng cao sức mạnh của đất nước thông qua các chương trình như “Hành động BCG” (nền kinh tế sinh học, tuần hoàn và xanh).

Nếu phát triển thành công, BCG có thể thúc đẩy thu nhập bình quân đầu người của nông dân Thái-lan lên 150.000 baht/năm so với mức 58.000 baht/năm hiện nay (gần gấp ba).

BCG cũng có thể giảm ít nhất 3 triệu tấn chất thải mỗi năm bằng các biện pháp tái chế và tái sử dụng.

Khoản ngân sách nói trên còn được dùng để tài trợ cho một số dự án hỗ trợ những dạng kinh doanh mới như doanh nghiệp cộng đồng và khởi nghiệp. Nghiên cứu mới trong những lĩnh vực cụ thể, cũng như các dự án đào tạo lại và nâng cao kỹ năng và sáng kiến tái đầu tư vào hệ thống đại học, cũng sẽ được hưởng lợi.

Số hóa cơ quan nhà nước vào năm 2020

Phó Thủ tướng Thái-lan Somkid Jatusripitak vừa công bố khung thời gian cho Lộ trình phát triển chính phủ số giai đoạn 2020-2022, trong đó yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ phải được số hóa hoàn toàn.

Ông Somkid đề nghị Cơ quan phát triển chính phủ số (DGA) hoàn tất lộ trình này vào đầu tháng 11-2019 và trình Chính phủ thông qua thành chính sách chính thức.

Trước đó, Phó Thủ tướng Somkid đã yêu cầu DGA phối hợp Bộ Thương mại và Cục Hải quan để phát triển cơ chế một cửa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô rất nhỏ hoặc kinh doanh cộng đồng.

DGA được thành lập năm 2018 dưới sự quản lý của Văn phòng Thủ tướng nhằm cung cấp các dịch vụ và hỗ trợ tất cả các cơ quan chính phủ trong quá trình chuyển đổi chính phủ số.

Đầu năm nay, DGA đã phát triển một ứng dụng có tên gọi là CITIZENinfo để hỗ trợ người dân tìm kiếm 8.000 địa điểm của các cơ quan nhà nước trên toàn quốc cũng như những giấy tờ, thủ tục trước khi liên hệ với những cơ quan đó.

DGA cũng đang phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động có tên gọi là “OSS Foreigner” dành cho những người nước ngoài sinh sống ở Thái-lan trên 90 ngày phải khai báo địa chỉ cư trú cho Cơ quan nhập cư nhằm tiết kiệm thời gian và tạo thuận lợi cho người nước ngoài ở lại Thái-lan.

MINH ĐỨC

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/41850802-thai-lan-day-manh-dau-tu-phat-trien-cong-nghe.html