Thái Lan cũng xuất rác sang Việt Nam

Việt Nam vẫn nhập lượng rác lớn từ các nước, trong số đó Thái Lan cũng góp mặt

Báo cáo của Liên minh toàn cầu, ngày 23/4 về bức tranh toàn cảnh thị trường xuất nhập khẩu rác châu Á sau động thái của Trung Quốc cho biết, nhập khẩu rác thải nhựa của Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đã tăng trong giai đoạn từ giữa 2017 đến đầu 2018, thời điểm lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc sắp sửa có hiệu lực.

Hàng loạt phế liệu đang được nhập khẩu về VN như tàu cũ, máy móc loại thải, vỏ ô tô, giấy. Ảnh: Dân trí

Hàng loạt phế liệu đang được nhập khẩu về VN như tàu cũ, máy móc loại thải, vỏ ô tô, giấy. Ảnh: Dân trí

Theo dữ liệu của tổ chức Greenpeace Đông Á, đỉnh điểm nhập khẩu rác của Việt Nam rơi vào tháng 11/2017, với hơn 100.000 tấn rác mỗi tháng nhưng đã giảm xuống khoảng 16.000 tấn/tháng cuối năm ngoái.

Tính đến tháng 12/2018, rác nhập vào Việt Nam vẫn đến từ Nhật Bản, kế đến là Mỹ, Đức, Anh, Hàn Quốc. Thái Lan cũng góp mặt trong danh sách các nước xuất rác sang Việt Nam.

Ồ ạt rác vào Việt Nam

Theo các điều tra quốc tế, từ đầu năm 2018, Trung Quốc đã cấm nhập rác và Đông Nam Á trở thành nơi thu nhận phế thải của các nước phát triển trong điều kiện môi sinh và vệ sinh kém. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy mỗi năm có hơn 270 triệu tấn rác được xử lý trên thế giới.

Trung Quốc từng là trung tâm xử lý rác thải quốc tế nhưng vào năm 2018, nước này đã quyết định không nhận vật liệu để xử lý với lý do là phần lớn vật liệu này bẩn hoặc nguy hiểm, đe dọa cho môi trường. Trung Quốc và đặc khu hành chính HongKong từ chỗ mua đến 60% lượng rác thải nhựa từ các nước thuộc G7 trong 6 tháng đầu năm 2017 thì một năm sau chỉ còn nhập khoảng 10%.

Trước khi ban hành lệnh cấm, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn rác nhựa hàng năm, trị giá trên 6 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam cũng ghi nhận hàng nghìn container rác tràn vào, chưa xử lý được.

Cụ thể, tại báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (hơn 16.900 tỉ đồng).

Việt Nam là một trong những quốc gia cho phép nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu cho ngành sản xuất. Đến nay cả nước có 928 DN nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, bên cạnh những danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu, không ít DN nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng theo quy định, thậm chí làm giả hồ sơ để nhập khẩu phế liệu vào VN.

Xuất ngoại phế liệu nguy hại: Ai nhập?

Tính đến ngày 31/5/2018, số lượng hàng hóa chậm luân chuyển có nguy cơ tồn đọng tại các cảng biển VN lên tới 27.944 container. Trong đó khu vực cảng biển Hải Phòng hơn 6.700 container, khu vực cảng biển TP.HCM trên 14.600 container, khu vực cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu hơn 6.500 container.

Số container có nguy cơ tồn đọng này chủ yếu là dây cáp điện, máy móc, thiết bị cũ, phân bón, hàng nông sản, nguyên liệu may mặc, nhôm nguyên liệu, phế liệu nhựa, giấy, ô tô…

Thái An (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/thai-lan-cung-xuat-rac-sang-viet-nam-3378773/