Thái Hòa và 'Chàng vợ của em' lấy lại phong độ cho Charlie Nguyễn

Bằng lối kể chuyện hài hước, dung dị mà không kém phần sâu sắc, 'Chàng vợ của em' đã 'thổi bay' quan niệm từ muôn đời về người phụ nữ Việt Nam phải 'giỏi việc nước, đảm việc nhà'. Đằng sau người phụ nữ thành đạt hoàn toàn có thể có bóng dáng của người đàn ông.

Mặc dù cái tên Charlie Nguyễn vẫn luôn được đánh giá là “ăn khách” nhưng đã 8 năm kể từ phim Để Mai tính, mới thấy vị đạo diễn này lấy lại được phong độ thủa nào. Sau hàng loạt những thảm họa hài nhảm như Long Ruồi, Cưới ngay kẻo lỡ, Tèo Em, vv…, khán giả đã dè dặt hơn khi đặt kỳ vọng vào mỗi tác phẩm mới của anh, thì Chàng vợ của em đã giúp kéo tên tuổi Charlie cất cánh trở lại.

Chàng vợ của em xoay quanh Mai (Phương Anh Đào), một phụ nữ trẻ đẹp, thông minh, thành đạt nhưng lúc nào cũng bận rộn vì công việc, không còn thời gian dành cho chính mình và người thân, dẫn đến cuộc sống ngoài công việc luôn cô độc, buồn tẻ. Điều Mai ao ước là gặp được “một nửa” của mình, người có thể giúp cô chăm lo nhà cửa để yên tâm phát triển sự nghiệp. Và mong ước của Mai đã thành sự thật theo một cách oái oăm đến khó tin…

Thành công đầu tiên không thể phủ nhận chính là câu chuyện thú vị từ tiểu thuyết gốc Busy Woman Seeks Wife. Nhưng dưới bàn tay của Charlie Nguyễn, phim trở nên “đời” hơn khi “chàng vợ” Hùng (Thái Hòa) không mang hình ảnh một “soái ca” cho tương xứng với cô gái gần như hoàn hảo. Trái lại, Hùng chẳng có gì đặc biệt hơn hai chữ “bình thường”, từ ngoại hình cho đến tiền bạc, sự nghiệp.

Đoàn phim 'Chàng vợ của em' ra mắt tối 15.8

Thế nhưng tình huống để Hùng bước vào đời Mai lại hết sức “ngọt”, không một chút khiên cưỡng. Ngay cả nút thắt biến Hùng trở thành “chàng vợ” cũng gói gọn trong một chữ “duyên”, khiến câu chuyện được cho là khó tin cuối cùng đã được giải quyết thỏa đáng.

Bằng một tư duy mới mẻ, phim đã “thổi bay” quan niệm truyền thống rằng phụ nữ phải “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Tại sao phụ nữ lại phải giỏi trên mọi “mặt trận” trong khi cuộc sống còn có cả đàn ông? Chẳng phải dù là đàn ông hay phụ nữ thì điều cốt lõi vẫn là được sống đúng với sở trường của mình hay sao? Vậy thì thay vì nỗ lực trong tuyệt vọng đi tìm sự hoàn hảo của bản thân, nên chăng là tìm cho mình miếng ghép vừa vặn để bù vào những khiếm khuyết?

Để củng cố cho thông điệp mới mẻ và thú vị này, đạo diễn còn phát triển tuyến nhân vật phụ là những hình mẫu hoàn hảo. Đó là trưởng phòng Mạnh (Hứa Vĩ Văn) đẹp trai, lịch thiệp, thành đạt, hay “nàng vợ kiểu mẫu” Hà (Vân Trang), hàng ngày ở nhà chăm sóc nhà cửa, chờ chồng đi làm về. Nhưng trong mỗi con người đó vẫn luôn tồn tại những khoảng trống bất hạnh không thể lấp đầy.

Giá trị gia đình trong Chàng vợ của em đặc biệt được đề cao, không chỉ trong quan hệ vợ - chồng, mà còn giữa cha mẹ - con cái, anh em, thậm chí còn được lồng ghép vào cả triết lý kinh doanh, khiến cho câu chuyện, dù ở góc độ nào cũng phản ánh tình cảm gia đình và dễ đi vào lòng người.

Góp phần làm nên sự thành công của phim còn nhờ dàn diễn viên, dù là mới mẻ hay kỳ cựu. Thái Hòa vẫn diễn như không diễn, khiến Hùng trở nên thật như giữa đời thường: một người đàn ông của gia đình, quan tâm, lo lắng cho những người mình yêu thương từng li từng tí. Phương Anh Đào mang hình mẫu trẻ trung, năng động nhưng đôi lúc mong manh dễ vỡ. Cô em gái Thanh Trúc thể hiện rõ sự láu lỉnh ngang ngạnh, dù không ít tâm tư. Hứa Vĩ Văn, Vân Trang ở phía đối lập làm tăng thêm kịch tính cho phim. Và trên hết vẫn là tài nhào nặn, tiết chế, gia giảm cho vừa phải của đạo diễn Charlie Nguyễn để làm nên một món ăn hấp dẫn, cả về vị giác lẫn thị giác.

Chàng vợ của em đang được công chiếu tại các rạp trên toàn quốc.

Kim Vân

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/van-hoc-nghe-thuat-c-129/thai-hoa-va-chang-vo-cua-em-lay-lai-phong-do-cho-charlie-nguyen-94764.html