Thái hậu Ỷ Lan: Người phụ nữ vĩ đại

Thái hậu Ỷ Lan là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử triều Lý. Từ thiếu nữ nơi thôn dã, khi cơ hội đến, bằng sắc đẹp và tài năng của mình, bà dần vươn lên giành ngôi cao tột bậc, trở thành Thái hậu. Với tài năng nhiếp chính, bà đã góp phần đưa đất nước Đại Việt đã có một vị trí đáng tự hào, làm nước lớn sợ, nước nhỏ mến phục...

Quê hương

Sử sách ghi: Thái hậu Ỷ Lan quê ở hương Thổ Lỗi (Thượng Lỗi) trấn Kinh Bắc xưa. Thế nhưng, xác định địa danh cụ thể ngày nay không dễ. Hiện cư dân vùng Phú Thị, Dương Xá (thuộc huyện Gia Lâm) và Ghênh (thôn Ngọc Quỳnh xã Như Quỳnh huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) vẫn nhận địa phương mình là nơi sinh thành ra bà. Căn cứ vào nhiều tài liệu: Bia đá, câu đối, truyền miệng, sách lưu tại các đền thì mỗi đền có những chứng cứ khác nhau.

Có nhiều nơi thờ Thái hậu Ỷ Lan, nhưng nơi được biết đến và đầu tư nhiều nhất là đền bà Tấm ở Dương Xá, bên cạnh Quốc lộ 5. Chùa Linh Nhân Tư kính của cụm di tích có 2 cổ vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2019 là: Tượng đôi sư tử có công năng là bệ thờ Phật, kích thước lớn (cao 1,2m; rộng 1,36m) trong tư thế phủ phục, được tạo tác từ đá khối. Tượng đôi sư tử đá có chữ “Vương” trên trán. Phần bờm, tai, quanh miệng sư tử có các biểu tượng ánh chớp, hào quang, thể hiện sức giáo hóa của Phật pháp. Tượng do người Việt chế tác, đường nét mềm mại, phong thái đủ uy nghi mà vẫn hiền hòa, xứng đáng là kiệt tác nghệ thuật thế kỷ XII. Thứ hai là khám thờ gỗ sơn son thếp vàng thế kỷ XVI. Gian phòng thờ giống như cung cấm sinh thời bà từng sống. Bên cạnh tượng thờ Thái hậu còn có tượng sáu cung nữ.

Câu chuyện huyền ảo giữa sử và dân gian

Các bộ sử của Việt Nam như Đại Việt sử ký toàn thư hay Đại Việt sử lược đều ghi Thái hậu với danh xưng là Ỷ Lan. Thực tế, chưa hẳn tên bà đã là “Lan”. Sử không chép về năm sinh của bà, nhưng ghi rõ ngày mất là 25/7/1117. Có thuyết cho rằng bà tên là Lê Khiết Nương, có thuyết thì bảo là Lê Thị Khiết, cũng có thuyết nói là Lê Thị Yến Loan.

Sự xuất hiện của Thái hậu Ỷ Lan trong lịch sử đậm màu sắc thi vị. Chưa rõ bà được tuyển vào cung ngày tháng năm nào. Chỉ biết, trong một lần vua và quần thần xa giá đi các chùa chiền miền Kinh Bắc để cầu tự thì vua bỗng thấy một cô gái đứng nép trong bụi cỏ lan. Có thuyết nói khi đó bà vừa làm vừa hát: “Tay cầm bán nguyệt sênh sang; Hai hàng cỏ dại lai hàng tay ta”.

Vào cung, Ỷ Lan được phong là phu nhân. Năm 1063, vua sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư ở đó, dạy cho Nguyễn Bông thuật đầu thai thác hóa. Bông nghe theo. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông”. Ngày nay, cánh Đồng Bông không còn nhưng chùa Thánh Chúa vẫn còn. Chùa ở trong khuôn viên Đại học Quốc gia, thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong khi điền dã, người viết được ông Nguyễn Huy Thuân ở Sủi (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông là người làng Sủi. Ông làm lễ cầu tự cho Ỷ Lan phu nhân ở chùa “Đại Dương” chính là ngôi chùa trong khu quần thể di tích đình, đền, chùa làng Phú Thị. Sau một thời gian, Nguyễn Bông được minh oan. Người dân Phú Thị lập đền thờ ông và tổ chức lễ hội “Bông Sòng”. Thậm chí trước năm 1945, khi tổ chức hội ở đền Dương Xá, người dân vẫn về rước nước ở chùa Đại Dương làm lễ tắm tượng. Những năm kháng chiến chống Pháp, đền mới bị phá.

Có thuyết nói, vua Lý Nhân Tông sau này là hậu nhân của Nguyễn Bông nhưng thực tế, Đại Việt sử toàn thư viết: Vua Lý Nhân Tông sinh năm 1066, tức là sau sự kiện cầu tự gần 3 năm.
Vì có công sinh được thái tử Càn Đức, Ỷ Lan được phong lên làm Thái phi, rồi Nguyên phi khi bà sinh thêm hoàng tử nữa năm 1068. Quê hương Thổ Lỗi cũng được đổi thành Siêu Loại, có nghĩa là vượt lên trên hết.

Hai lần nhiếp chính

Lần nhiếp chính thứ nhất vào năm 1068. Đó là năm Chiêm Thành sau khi sai sứ dâng voi trắng đã quấy nhiễu biên thùy. Tháng 2/1069, vua Lý Thánh Tông đích thân cầm quân đi đánh Chiêm Thành. Việc nội trị giao cho Nguyên phi Ỷ Lan. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: “Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?”. Bèn quay lại đánh nữa, thắng được”. Kết quả bắt được vua Chế Củ và 5 vạn dân. Vua Chế Củ xin dâng 3 châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội. Ngày nay ba vùng đất này thuộc tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Vua Lý Thánh Tông ưng thuận và tha cho vua Chế Củ về nước.

Về chi tiết này, Đại Việt sử lược không chép việc vua đánh thua, đem quân rút về đến châu Cư Liên (Hưng Yên) rồi quay lại vì thấy dân ca ngợi Nguyên phi. Đại Việt sử lược lại chép chi tiết việc vua và Lý Thường Kiệt đem quân đánh, bắt Chế Củ tận biên giới Chân Lạp. Cuộc thân chinh của vua đi đánh kéo dài từ tháng 2 tới tháng 7. Việc nhiếp chính của Nguyên phi Ỷ Lan lần thứ nhất không có gì lạ. Lạ chăng là tại sao cả đoàn quân đi chinh chiến đã vượt vài trăm km quay về đến vùng đất giáp kinh đô rồi mà lại quay lại?

Ở lần nhiếp chính thứ nhất, tuy sử không viết nhưng dân gian truyền tụng Nguyên phi Ỷ Lan cùng sự trợ giúp của Thái sư Lý Đạo Thành đã cai trị đất nước rất tốt trên nhiều lĩnh vực. Bà chú trọng đến nông nghiệp, mở kho phát chẩn cho những vùng đói, khuyến kích nghề thủ công, nhất là nghề ươm tơ dệt lụa. Đặc biệt nghiêm cấm việc giết trâu.

Để có được lần nhiếp chính thứ 2, một vụ việc tang thương đã diễn ra.

Theo luật lệ triều đình, khi vua Lý Thánh Tông băng hà (năm 1072) thì thái tử nối ngôi. Thái hậu dù không phải mẹ của vua cũng sẽ được nhiếp chính. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Quý Sửu, Thái Ninh năm thứ 2 (1072)… giam Hoàng Thái hậu họ Dương, tôn Hoàng thái phi làm Linh Nhân hoàng thái hậu. Linh nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: “Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?”. Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông”. Thái sư Lý Đạo Thành vì can gián nên bị đẩy đi Nghệ An với chức Tả gián nghị Đại phu. Lý Thường Kiệt vì phò tá được phong tể chấp (Tể tướng cùng chấp chính).

Thời kỳ nhiếp chính thứ hai này mới tỏ rõ sự vĩ đại của Thái hậu Ỷ Lan. Bởi vì ngay khi vua nhỏ vừa lên ngôi, chính sự chưa ổn định, thì quân Tống đã ngấp nghé biên giới Đại Việt. Gác mâu thuẫn nhỏ, Thái hậu Ỷ Lan đã mời Lý Đạo Thành về cung trao chức Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự lo nội trị. Còn Thái úy Lý Thường Kiệt thì lo việc binh, chủ động đánh sâu vào hậu phương địch để làm chậm cuộc chiến tranh.

Năm 1075, trước chiến tranh có vài tháng mà triều đình còn lo tổ chức được cuộc thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Kỳ thi đã chọn được nhân tài đỗ đầu là Lê Văn Thịnh. Vị tân khoa đã trở thành người thầy dạy vua, sau đó là Thị Lang Bộ Binh, làm Chánh sứ đàm phán biên giới và thắng lợi sau chiến tranh. Năm 1076, trong chiến tranh mà bà còn cho xây dựng Quốc Tử Giám, làm nơi đào tạo người tài.

Nhiếp chính cùng lãnh đạo toàn quân, dân đánh thắng giặc Tống xâm lược năm 1076-1077, Thái hậu Ỷ Lan còn đưa đất nước lên một mức phát triển mới. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi rõ 5 tháng trước khi mất (2/1117), Thái hậu còn nói: “Gần đây ở kinh thành, hương ấp, có nhiều người trốn tránh, lấy việc ăn trộm trâu làm nghề nghiệp, trăm họ cùng quẫn, mấy nhà cày chung một con trâu. Trước đây, ta đã từng nói đến việc ấy nhà nước đã có lệnh cấm. Nay giết trâu lại càng nhiều hơn trước”. Nghe lời, vua bèn xuống chiếu kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp (kẻ phục dịch), vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu; Láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng.

Thái hậu còn là một người uyên bác thiền học. Năm 1096, trong buổi tham vấn thiền học, bà đã truy các vị thiền sư về việc nói có sách , mách có chứng và kê cứu rõ ràng các tông phái. Hãy đọc bài thơ: “Sắc, không” của bà tại tham vấn thiền này:

Sắc là không, không tức sắc
Không là sắc, sắc tức không
Sắc, Không? thôi mặc cả,
Mới thấu được chân tông.

Ở đỉnh cao chót vót của quyền lực, là người sùng Phật, lại ân hận vì bức hại Thái hậu Thượng Dương nên Thái hậu Ỷ Lan cho xây dựng hàng trăm ngôi chùa, tháp lớn nhỏ. Có thể kể: chùa Dạm (1086, Bắc Ninh), chùa Một Mái (1099, Quốc Oai, Hà Nội), chùa Phật Tích (1100, Bắc Ninh), chùa Báo Ân (1100, Thanh Hóa), tháp Chương Sơn (1108, Nam Định). Đặc biệt tại quê hương là chùa Linh nhân tư phúc. Bên cạnh chùa mới khôi phục là đền cổ nguy nga với 72 cửa.

Từ Khôi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/thai-hau-y-lan-nguoi-phu-nu-vi-dai-tintuc464602