Thái Bình: Xã buông lỏng quản lý, huyện 'giơ cao đánh khẽ'?

UBND xã Hồng Việt (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) buông lỏng quản lý đất đai, có dấu hiệu cố ý làm trái nhưng huyện không xử lý nghiêm minh, chỉ 'giơ cao đánh khẽ'.

Buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật có căn cứ

Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải bài viết “Nghịch lý thân nhân cán bộ xã được ưu tiên, hộ nghèo neo đơn mòn mỏi chờ chính sách” (5/2019) phản ánh hàng loạt bất cập trong công tác quản lý ở xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình trong phân bổ chính sách thương binh xã hội, buông lỏng quản lý đất đai, quản lý hoạt động xây dựng cơ bản...

Sau khi phản ánh, cùng với nội dung tố cáo của công dân, ngày 08/01/2020, UBND huyện Đông Hưng đã có thông báo giải quyết đơn thư tố cáo, trong đó khẳng định tại thời điểm kiểm tra đã có 21 hộ ở xã Hồng Việt xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang thủy lợi…

Trong đó, theo điều tra của PV, điển hình là trường hợp của ông Phạm Minh Tuấn - Kế toán xã Hồng Việt có nhà xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng được “cho phép” tồn tại.

Trong thông báo nêu ra, trách nhiệm để xảy ra việc vi phạm trật tự xây dựng tràn lan thuộc về người đứng đầu UBND xã Hồng Việt là ông Nguyễn Thanh Khuyến đã buông lỏng quản lý, chưa thực hiện hết trách nhiệm.

 Một công trình xây dựng trái phép tại xã Hồng Việt

Một công trình xây dựng trái phép tại xã Hồng Việt

Ngoài ra, ở nội dung khác như phản ánh, trong giai đoạn 2015 - 2016, UBND xã Hồng Việt được giao làm chủ đầu tư một số công trình xây dựng cơ bản như: Trường mầm non (hơn 6 tỷ đồng); Trạm y tế ( hơn 5 tỷ đồng); Trường tiểu học (hơn 5 tỷ đồng).

Dù không đủ điều kiện năng lực quản lý dự án nhưng ông Khuyến đứng đầu là Chủ tịch UBND vẫn ký quyết định số 39/UBND - QĐ ngày 08/8/2016, thành lập Ban quản lý hoạt động xây dựng gồm 9 thành viên, trong đó ông Khuyến làm Trưởng ban, ông Nguyễn Duyên Hiệp Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Việt làm Phó ban quản lý Dự án xây dựng trường Tiểu học Hồng Việt.

Nội dung sai phạm này là có cơ sở, mà trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu UBND xã Hồng Việt là ông Khuyến đã không hiểu rõ, kịp thời nắm bắt các quy định của pháp luật về hoạt động quản lý đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, trong Thông báo kết giải quyết tố cáo của UBND huyện Đông Hưng không đề cập đến trách nhiệm và vai trò của Ban quản lý dự án xã Hồng Việt trong việc quản lý hoạt động xây dựng dự án Trường Mầm non và Trạm y tế xã Hồng Việt?

Ngoài ra, thông báo còn nêu nội dung ông Khuyến với cương vị Chủ tịch UBND xã Hồng Việt tuyển dụng con trai là Nguyễn Trung Hiếu làm cán bộ chuyên trách tại UBND xã là không có cơ sở.

“Không thể giơ cao đánh khẽ”.

Trước hàng loạt sai phạm nghiêm trọng đã được nêu ra, UBND huyện Đông Hưng yêu cầu UBND xã Hồng Việt kịp thời tổ chức kiểm điểm, nhưng khắc phục theo phương án đối với các hộ vi phạm xây nhà ở, nếu phù hợp quy hoạch khu dân cư thì lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, sau đó mới tính đến phải phải tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu? Cách định hướng xử lý của UBND huyện Đông Hưng như trên thì không khác là “vẽ đường cho hươu chạy”.

Đặc biệt, đối với Ban quản lý dự án tự phát của xã Hồng Việt đã được UBND huyện Đông Hưng khẳng định là thành lập trái quy định của pháp luật. Nhưng UBND huyện Đông Hưng thêm một lần nữa thể hiện quan điểm “vừa đấm vừa xoa”, khi cho rằng Ban quản lý dự án tự phát trong quá trình thực hiện cơ bản giúp UBND xã Hồng Việt thực hiện các bước về trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, xét thấy trong ban có thành viên có bằng Trung cấp xây dựng, hoặc Giấy chứng nhận về việc hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã. Điển hình là ông Nguyễn Thanh Khuyến có chứng chỉ nêu trên được Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cấp năm 2011.

Với kết luận như trên thì UBND Huyện Đông Hưng cũng đã cố tình “dung túng” hoặc chưa thực hiện hết trách nhiệm, thậm chí còn “phản lại” chính những kết luận trước đó về sai phạm của UBND xã Hồng Việt.

Bởi theo tìm hiểu, Luật Xây dựng năm 2014 chỉ quy định thành lập Ban quản lý dự án cấp khu vực (huyện, thành phố) và chuyên ngành (cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương), chưa có văn bản pháp lý nào thể hiện cho phép việc thành lập Ban quản lý dự án cấp UBND xã.

Hơn nữa, để hoạt động Ban quản lý dự án còn phải có chứng chỉ hành nghề quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, các thành viên cũng phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng do Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng cấp. Ngoài ra, để quản lý dự án thì còn phải đòi hỏi kinh nghiệm năng lực tương tự… không thể lấy Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã để làm căn cứ “châm trước” cổ xúy cho việc cố ý làm trái của UBND xã Hồng Việt.

Do đó, việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh, cần thiết phải đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ những sai phạm trong buông lỏng quản lý, cố ý làm trái ở xã Hồng Việt là cần thiết.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật.

Cũng liên quan đến nội dung trên, Báo Pháp luật VN còn nhận được đơn tố cáo của ông N.H.S (xã Hồng Việt) tố cáo ông Phạm Duyên Hiệp là PCT xã Hồng Việt sử dụng bằng cấp 3 giả, làm giả hồ sơ lý lịch đảng trong quá trình công tác, thiếu trách nhiệm trong quản lý. Ngoài ra, còn ưu ái khi phân bổ tiền hỗ trợ chính sách thương binh xã hội cho người thân.

Tiến Phong / Câu chuyện Pháp luật

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/cau-chuyen-phap-luat/thai-binh-xa-buong-long-quan-ly-huyen-gio-cao-danh-khe-507862.html