Thái Bình: Từ cơ sở vật chất cho đổi mới GD tới sắp xếp lại trường học

Ngày 18/9/2020, Đoàn Kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra thực tế tại các cơ sở GD của tỉnh Thái Bình về các điều kiện CSVC đảm bảo cho triển khai Chương trình GD phổ thông mới; vấn đề sáp nhập trường học; công tác an toàn trường học.

Học sinh Trường Tiểu học Đông Sơn (xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) rửa tay sau giờ ra chơi. Ảnh: An Nhiên

Học sinh Trường Tiểu học Đông Sơn (xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) rửa tay sau giờ ra chơi. Ảnh: An Nhiên

Tập trung ưu tiên cho đổi mới GD

Theo Sở GD&ĐT Thái Bình, trước tháng 6/2018, trên địa bàn tỉnh đã thực hiện công tác giảm điểm trường mầm non, xóa điểm lẻ ở các trường tiểu học. Một số địa phương sáp nhập thành lập trường THCS liên xã. Tính đến nay, toàn tỉnh có 299 trường mầm non, 119 trường tiểu học, 106 trường THCS, 167 trường liên cấp tiểu học và THCS.

“Toàn ngành đã làm tốt công tác tham mưu, đã ban hành được nhiều cơ chế chính sách đầu tư cho GD. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, các địa phương đã chăm lo, quan tâm đầu tư cho GD để tăng cường CSVC, quy hoạch tổng mặt bằng; tỷ lệ phòng học kiên cố tăng nhanh”- ông Nguyễn Viết Hiển (Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình) nêu tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT.

Tỷ lệ kiên cố phòng học ở Thái Bình đạt 93,6% trong tổng số 11.919 phòng. 100% trường tiểu học, THCS và THPT có thư viện/thư viện lớp học. Bình quân phòng học bộ môn của bậc phổ thông đạt bình quân 3,4 phòng/ trường. Đã có 85% số trường từ mầm non đến THPT có diện tích đất bằng và vượt so với quy định. Mặc dù vậy, phòng học bộ môn và việc mua sắm bổ sung thiết bị dạy học vẫn còn khiêm tốn so với các quy định.

Thư viện Trường Tiểu học và THCS Đông Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Ảnh: An Nhiên

Ông Nguyễn Viết Hiển cũng thẳng thắn chia sẻ: “Thái Bình là địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, trong nhiềm năm qua không được thụ hưởng các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho lĩnh vực GD, vì vậy khó khăn cho việc tăng cường CSVC, mua sắm trang thiết bị dạy học. Hệ thống phòng học của Thái Bình cơ bản đủ mỗi lớp 1 phòng. Tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, trên địa bàn thành phố, thị trấn, số học sinh, số trẻ/nhóm lớp còn cao. Còn nhiều khó khăn, nhưng cho đến thời điểm này, ở Thái Bình các điều kiện cơ bản về phòng học, trang thiết bị; bồi dưỡng, tập huấn chương trình và sử dụng sách giáo khoa,… cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới Chương trình GD phổ thông 2018. Về chuẩn bị đội ngũ, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo ưu tiên chỉ tiêu tuyển dụng cho những môn mới, ưu tiên tuyển dụng GV cho cấp tiểu học”.

“Tốc độ xây dựng nông thôn mới nhanh chóng, đã tác động, thúc đẩy sự quan tâm đầu tư cho GD của địa phương, giúp chất lượng của các nhà trường được nâng lên. Nhìn tổng thể, sự đầu tư của chính quyền về CSVC cho giáo dục đáng ghi nhận. Đội ngũ GV của Thái Bình chất lượng, trách nhiệm, thực hiện nhiệm vụ GD nghiêm túc, bài bản”- Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình cho biết.

Về vấn đề sáp nhập cơ sở GD trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Viết Hiển thông tin: “Sau khi thực hiện sáp nhập trường học, Ngành GD đã nhận thấy trách nhiệm trong việc đảm bảo chất lượng dạy học, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở liên cấp học hỏi kinh nghiệm, thực hiện nhiệm vụ GD tốt hơn. Bồi dưỡng công tác nghiệp vụ quản lý, nhằm hiểu biết của hiệu trưởng đối với cấp tiểu học, đảm bảo sự bình đẳng đối với các cấp học”.

Ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình (đứng giữa): "Với các cơ sở GD được sáp nhập sẽ còn ngổn ngang những việc phải làm...". Ảnh: An Nhiên

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, Thái Bình đang cố gắng tìm kiếm các giải pháp để đảm bảo hoạt động, nâng cao hiệu quả các cơ sở GD được sáp nhập. “Sẽ còn ngổn ngang những việc phải làm, Ngành GD Thái Bình sẽ cùng các Sở, ngành liên quan tham mưu quy hoạch để các xã có hai cơ sở trong trường liên cấp về một điểm, nhằm tập trung nguồn lực trong tổ chức hoạt động GD”- Ông Nguyễn Viết Hiển khẳng định.

Chính quyền cấpđã có trăn trở, thấu hiểu về GD

Qua kiểm tra các cơ sở GD tại huyện Thái Thụy và huyện Đông Hưng (Thái Bình), Đoàn công tác Bộ GD&ĐT, do Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (CSVC) Phạm Hùng Anh làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện các cục, vụ chuyên môn, đã có những đánh giá, khuyến nghị cụ thể về việc đảm bảo CSVC, nâng cao chất lượng dạy học ở địa phương; đồng thời, giải đáp những băn khoăn của cơ sở GD.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã cùng Sở GD&ĐT Thái Bình nhận diện tình hình thực tế, qua đó hướng dẫn Ngành GD Thái Bình thực hiện đúng các quy định về CSVC; quy hoạch mạng lưới trường học… Nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất về chất lượng GD và thực hiện chương trình GD phổ thông mới.

Đoàn Kiểm tra của Bộ GD&ĐT làm việc với Sở GD&ĐT Thái Bình.

Trưởng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, ông Phạm Hùng Anh (Cục trưởng Cục Cơ sở Vật chất, Bộ GD&ĐT) nhận xét: “GD Thái Bình theo thời gian đã có nhiều thay đổi. Cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới, ý thức chính quyền cấp xã về GD cũng thay đổi. Chính quyền đã có trăn trở, thấu hiểu về GD. Chất lượng GD của Thái Bình thay đổi đáng kể so với trước. Thái Bình là một trong những mảnh đất hiếu học, vì vậy đội ngũ GV các cấp học đều có những nhận thức tích cực về đổi mới. Kiểm tra thực tế, việc chuẩn bị những điều kiện cơ bản phục vụ cho Chương trình GD phổ thông mới ở tiểu học, nhất là lớp 1 đã là thực hiện được. Trên đà đó, Thái Bình cần chuẩn bị tốt hơn nữa các điều kiện cho đổi mới GD trong thời gian tới, giai đoạn 2021- 2025”.

Theo Cục trưởng Cục CSVC, để thực hiện tốt các mục tiêu đổi mới GD, Ngành GD Thái Bình cần có sự tham mưu với các ngành, các cấp, để có được sự đồng lòng từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Đông Tân (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) trên đường đi học về. Ảnh: An Nhiên

“XHH tốt là chính quyền sẵn sàng dành đất vàng cho GD, người dân sẵn sàng hiến đất ủng hộ xây dựng trường lớp” - Ông Phạm Hùng Anh phân tích - “Trong giai đoạn tới, Thái Bình cần quan tâm tập trung xây dựng đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho đổi mới chương trình GD giai đoạn 2021 - 2025. Nếu không tính toán sớm và triển khai các điều kiện cần thiết, khi triển khai thực hiện sẽ rất khó khăn. Để làm được, Sở GD&ĐT có thể là đầu mối, truyền đạt chủ trương này tới chính quyền cấp xã. Cần quan tâm, đẩy nhanh tiến độ đưa thiết bị dạy học cần bổ sung, mua mới về nhà trường”.

Cần xây dựng lộ trình ưu tiên xây dựng phòng học bộ môn cho cấp tiểu học và THCS. Sang năm tới sẽ áp dụng chương trình GD phổ thông mới đối với lớp 6. Việc đang dạy 3 môn Lý, Hóa, Sinh chuyển sang dạy môn tích hợp KHTN, do vậy cần phòng học bộ môn KHTN. Cần cấu trúc lại phòng học bộ môn, lựa chọn thiết bị nào đảm bảo công tác dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

“Theo tôi, trong thời gian tới đây, Thái Bình cần tiếp tục bồi dưỡng tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GD tốt hơn nữa, đồng đều hơn nữa”- Cục trưởng Cục CSVC nhận định.

Riêng về vấn đề dồn dịch trường lớp, theo Đoàn công tác của Bộ, Thái Bình cần cần nhìn nhận lại việc sắp xếp trên tinh thần mục tiêu đảm bảo chất lượng GD. Cần dựa vào các tiêu chí đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả, tiết kiệm cho hoạt động trường học. Cần có đánh giá trên cơ sở thực tiễn triển khai, tránh tình trạng sáp nhập cơ học.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thai-binh-tu-co-so-vat-chat-cho-doi-moi-gd-toi-sap-xep-lai-truong-hoc-kCqDgBdGR.html