Thái Bình: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thái Bình (LĐTB&XH) cho biết, đến hết tháng 6/2019, tổng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm được Trung ương ủy quyền tại tỉnh là hơn 67,8 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh quản lý hơn 58,5 tỷ đồng; các tổ chức, đoàn thể trong tỉnh quản lý hơn 9,3 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh số cho vay trên địa bàn đạt hơn 22,1 tỷ đồng. Toàn tỉnh Thái Bình hiện có 7 dự án (D.A) do doanh nghiệp nhỏ và vừa và 2.895 D.A do hộ gia đình, người lao động đứng tên vay. Tổng số lao động được tạo việc làm mới thông qua hình thức vay vốn là 610 lao động; tạo việc làm tăng thêm cho khoảng trên 6.000 lao động.

Tiến hành kiểm tra tại 16 D.A sử dụng nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm, Sở LĐTB&XH Thái Bình nhận xét, các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ D.A vay vốn; sử dụng vốn đúng mục đích; thanh toán lãi suất đúng thời gian hợp đồng.

Một số D.A đã phát huy tốt hiệu quả, tạo thêm việc làm mới và việc làm tăng thêm cho nhiều lao động. Tiêu biểu như Công ty TNHH Mỹ nghệ Tây An, vay 400 triệu đồng để đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua nguyên liệu, đã tạo việc làm mới cho 12 lao động tại xưởng của doanh nghiệp, tạo việc làm tăng thêm cho trên 6.000 lao động khu vực nông thôn ở trong và ngoài tỉnh.

Hay như doanh nghiệp Sản xuất Thủy tinh Hồng Quang, vay 250 triệu đồng đầu tư mở rộng nhà xưởng, thiết bị đã tạo việc làm mới cho 10 lao động với mức thu nhập ổn định 5,5 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Hoàng Ngọc Sơn (thôn Nghĩa, xã Tây Lương, huyện Tiền Hải) vay 50 triệu đồng đầu tư máy móc, thiết bị thi công xây dựng công trình dân dụng, tạo việc làm cho 20 lao động…

Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở LĐTB&XH Thái Bình Nguyễn Văn Bái đánh giá, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, cho vay đối với các D.A vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng vay vốn. Trên thực tế đã có nhiều D.A, mô hình vay vốn phát huy tốt hiệu quả chương trình.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở LĐTB&XH Thái Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận, nguồn vốn từ chương trình này chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người lao động; thủ tục, cơ chế vay vốn chưa có nhiều cải cách; vẫn còn D.A vay vốn chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa gắn với giải quyết việc làm cho người lao động; năng lực hoạt động của một số tổ tiết kiệm, vay vốn ở cơ sở còn hạn chế, chưa thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý, cho vay và thu nợ...

Qua thực tế triển khai, để tăng cường hiệu quả của chương trình này, Sở LĐTB&XH Thái Bình đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với bộ, ngành Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm cho địa phương. Bên cạnh đó, trình HĐND tỉnh phê duyệt sổ sung thêm nguồn vốn vay, tạo thêm việc làm bền vững người lao động trên địa bàn.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội nghiên cứu, sửa đổi cơ chế cho vay đối với việc thế chấp tài sản của doanh nghiệp và hạn mức cho vay đối với người lao động đi xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người lao động tiếp cận được nguồn vốn vay.

Trọng Tài

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/tai-chinh-ngan-hang/thai-binh-su-dung-hieu-qua-nguon-von-vay-tu-quy-quoc-gia-ve-viec-lam_t114c1068n154418