Thái Bình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá

Tỉnh ủy Thái Bình khẳng định chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Thái Bình.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở tỉnh Thái Bình.

Tầm nhìn

Nhìn nhận về tương lai những năm tới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải cho biết, dự báo tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh Thái Bình tiếp tục có những thời cơ, vận hội và khó khăn, thách thức mới. Trên thế giới, xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, phát triển vẫn là chủ đạo, nhưng xu thế cường quyền, áp đặt, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, xung đột vũ trang cục bộ vẫn diễn ra phức tạp, khó dự báo. Song hành với đó, chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại, nhất là giữa các nước lớn làm cản trở xu thế hội nhập. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, cùng với tác động của đại dịch COVID-19 dẫn đến nguy cơ khủng hoảng và suy thoái. Khu vực Đông Nam Á tiếp tục là khu vực phát triển năng động, nhưng đồng thời là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia. Tranh chấp chủ quyền, tranh chấp ảnh hưởng, nhất là trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp.

Ở trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tạo điều kiện để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng. Xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành tất yếu. Đảng, Nhà nước chủ trương phát huy nội lực, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân. Nước ta hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn, đặc biệt là tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới vừa tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng vừa đặt ra nhiều khó khăn, thách thức khi phải thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn; các thế lực thù địch tiếp tục chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta.

Trong tỉnh Thái Bình, Bí thư Ngô Đông Hải cho rằng, tình hình chính trị - xã hội tiếp tục ổn định; những thành quả và kinh nghiệm của giai đoạn đổi mới được phát huy. Những dự án lớn được hoàn thành, phát huy hiệu quả, làm thay đổi vị trí địa chính trị, địa kinh tế của tỉnh. Thái Bình nằm trong vùng động lực phát triển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của tam giác phát triển (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).

Khu Kinh tế Thái Bình, Khu công nghiệp Thaco Thái Bình được triển khai xây dựng mở ra cơ hội mới, tạo động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn và du lịch làm hai bệ đỡ sẽ góp phần cải thiện đáng kể năng lực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trong tỉnh. Trình độ quản lý, năng lực chỉ đạo, điều hành của cán bộ, công chức được nâng lên. Tiềm năng con người, truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng và các đặc tính tốt đẹp của con người Thái Bình được chú trọng, phát huy, nhất là khát vọng vươn lên và quyết tâm vượt khó là thế mạnh, nguồn lực to lớn cho sự phát triển.

Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh phát triển chưa vững chắc, quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tuy đã chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đại dịch COVID-19 có khả năng kéo dài, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư, làm gián đoạn nguồn cung nguyên liệu và hạn chế thị trường tiêu thụ, có thể dẫn đến đỉnh đến sản xuất, mất việc làm. Còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác cần được tiếp tục quan tâm giải quyết. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ, hiện đại. Nguồn thu ngân sách hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Ảnh hưởng của biển đổi khí hậu, thời tiết bất thường, thiên tai và dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến khó lường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn một số yếu tổ bất ổn.

Quyết tâm với mục tiêu dẫn đầu

Công nhâ tại nhà máy nhiệt điện Thái Bình.

Bối cảnh nêu trên đặt ra nhiều vấn đề và yêu cầu mới, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình phải tiếp tục ra sức phấn đấu, tranh thủ thuận lợi, tận dụng thời cơ, khắc phục hạn chế, yếu kém, vượt qua khó khăn, thách thức để phát triển nhanh và bền vững.

Bí thư Ngô Đông Hải khẳng định, phát huy thành quả và kinh nghiệm của các nhiệm kỳ qua, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phấn đấu xây dựng Thái Bình đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá, đến năm 2030 theo kịp nhóm dẫn đầu và đến năm 2045 là tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Trong các chỉ tiêu cơ bản phấn đấu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045, nổi bật là hằng năm tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 90% trở lên; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt từ 80% trở lên. Cơ quan chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xếp loại tốt đạt 90% trở lên.

Bình quân giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10%/năm trở lên. Năng suất lao động (theo giá so sánh) tăng từ 9%/năm trở lên. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 10%/năm trở lên. Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm so với GRDP đạt 60% trở lên. Tốc độ tăng thu ngân sách nội địa (không tính tiền thu sử dụng đất) đạt 12%/năm trở lên.

Đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) đạt 80% trở lên. GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người (3.500 USD) trở lên. Tỷ trong lao động nông nghiệp trong tổng lao động toàn xã hội giảm còn 22%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 30% trở lên. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên. Số bác sỹ trên 1 vạn dân đạt 14 bác sỹ trở lên. Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 99% trở lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 78 triệu đồng/năm trở lên. Giảm 1/3 số hộ nghèo so với năm 2020. Tỷ lệ gia đình, thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hỏa đạt 90% trở lên. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao đạt 20% trở lên. Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80% trở lên.

Theo mục tiêu của Tỉnh ủy Thái Bình, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững. Quy mô nền kinh tế đến năm 2030 (tính theo GRDP, giá thực tế) tăng gấp 1,8 lần so với năm 2025 và đến năm 2045 tăng gấp 6 lần năm 2025. Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ trong GRDP (không tính thuế sản phẩm) đến năm 2030 đạt 85% trở lên và đến năm 2045 khoảng 90%. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 tương đương với bình quân chung của cả nước và đến năm 2045 cao gấp 1,2 lần trở lên mức bình quân chung của cả nước.

Bài, ảnh: KC

Nguồn ĐCSVN: https://daihoi13.dangcongsan.vn/tin-moi/phong-trao-thi-dua/thai-binh-phan-dau-tro-thanh-tinh-phat-trien-kha-7121