Thái Bình: Nuôi thỏ an toàn sinh học 'nhả ngọc' trên vùng đất lúa

Từng gắn bó với nghề trồng màu, sản xuất lúa nhưng vẫn khó khăn về kinh tế, một số hộ dân ở xã Thái Dương (Thái Thụy, Thái Bình) quyết tâm chuyển đổi sang mô hình nuôi thỏ. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mô hình sản xuất của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ chăn nuôi thỏ Thái Thụy còn đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường.

HTX chú trọng chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường (Ảnh:TL)

HTX chú trọng chăn nuôi đi đôi với bảo vệ môi trường (Ảnh:TL)

Các thành viên HTX lựa chọn thỏ là vật nuôi chính bởi so với những đối tượng nuôi truyền thống, thỏ được đánh giá là có nhiều ưu thế: dễ nuôi, đầu tư ít, thị trường tiêu thụ thuận lợi và phù hợp với quy mô chăn nuôi liên kết tại địa phương.

Chú trọng yếu tố môi trường

Theo Ban giám đốc HTX, thỏ ít nhiễm bệnh nếu được vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Nuôi thỏ không đòi hỏi diện tích nuôi lớn; thời gian nuôi ngắn nên rất nhanh thu hồi vốn. Một trong những ưu điểm nổi bật của thỏ là sinh sản rất nhanh, mỗi năm có thể đẻ 5 - 6 lứa trở lên, nên số lượng đàn thỏ tăng khá nhanh.

Với số lượng trung bình 3.000 con thỏ/năm, HTX rất chú trọng đến vấn đề xử lý chất thải bởi phân và nước tiểu thỏ có mùi rất hắc, nếu không áp dụng quy trình phù hợp thì quá trình chăn nuôi ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người.

Khu vực chuồng thỏ của HTX đều xây dựng theo mô hình khép kín, kiên cố và có hệ thống quạt gió để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho thỏ trong mọi điều kiện thời tiết.

Toàn bộ lồng nuôi thỏ được làm bằng sắt chắc chắn, có hệ thống nước uống tự động. Các lồng nuôi được đặt cách mặt nền bê tông khoảng 60 cm để thỏ luôn sạch sẽ, khô ráo. Phân thỏ được xử lý trong hầm biogas, đảm bảo môi trường và tận dụng làm nhiên liệu.

Chăn nuôi thỏ được đánh giá cao về giá trị kinh tế (Ảnh:TL)

Không dừng lại ở đó, HTX còn áp dụng quy trình nuôi thỏ sinh học để hạn chế triệt để mùi hôi trong quá trình sản xuất. Thức ăn của thỏ được bổ sung thêm chế phẩm vi sinh. Khẩu phần thức ăn này không phải ngày nào, bữa nào cũng áp dụng, mà chỉ cho ăn bổ sung 2 ngày/lần.

Theo các thành viên, thức ăn thô xanh chiếm 70%, còn lại là thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, đối với thỏ sinh sản, các thành viên đều cho ăn thức ăn công nghiệp lên tới 40% vì chúng cần nhiều chất dinh dưỡng để cho con bú. Đặc biệt, HTX không cho thỏ ăn những thức ăn chứa nhiều nước hay ôi thiu. Muốn giảm lượng nước trong cỏ, HTX thực hiện phơi nắng khoảng 4 giờ, lúc đó thức ăn đảm bảo độ an toàn và giàu chất xơ.

Thỏ là con vật không khó nuôi, nhưng có đường ruột yếu, dễ tiêu chảy nên ngoài nguồn thức ăn an toàn, nước uống cũng phải sạch sẽ, đặc biệt là không được để thiếu nước. Căn bệnh phổ biến của thỏ là bệnh bại huyết nên HTX luôn thực hiện tiêm phòng vắc xin định kỳ 6 tháng/lần và chú ý để thỏ không bị bệnh ghẻ.

Nhờ áp dụng đồng loạt các biện pháp khoa học, trang trại chăn nuôi của HTX không có mùi hôi khó chịu. Đàn thỏ cũng không bị chết do dịch bệnh nên bảo đảm được yếu tố vệ sinh môi trường trong suốt quá trình chăn nuôi.

Hiệu quả từ chuỗi

Hiện, tỷ lệ nuôi thỏ sống của HTX đạt trung bình 98%; thỏ phát triển khỏe mạnh, nuôi trong thời gian 80 - 90 ngày được xuất bán với trọng lượng trung bình đạt 2,3 - 2,5 kg/con.

Bằng việc hợp tác với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị khi liên kết với doanh nghiệp. Thực hiện chăn nuôi theo hình thức gối vụ nên hầu như lúc nào HTX cũng có sản phẩm để bán.

Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường 6 - 7 tạ thịt thỏ với giá 80.000 - 90.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn bán thỏ giống với giá 130.000 - 150.000 đồng/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi thành viên có thể thu về 6 - 8 triệu đồng/tháng.

Điều đặc biệt là khi xây dựng được chuỗi giá trị, các thành viên ngày càng có thêm nhiều kiến thức về nuôi thỏ an toàn sinh học từ khâu chuẩn bị chuồng trại, thỏ giống, sử dụng thức ăn, phòng, chống dịch bệnh..., từ đó áp dụng hiệu quả vào quá trình chăn nuôi.

Nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên để duy trì và phát triển bền vững, HTX khuyến cáo các hộ dân không nên mở rộng dàn trải, tránh nuôi ồ ạt; hạn chế rủi ro về dịch bệnh, giá cả, nên liên kết, cùng nhau học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định.

Với sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm cùng với quá trình học hỏi, quy trình sản xuất của HTX đang “nhả ngọc” trên vùng đất lúa. Không chỉ giúp các thành viên phát triển kinh tế, mô hình sản xuất này còn là địa chỉ tin cậy để nhiều đơn vị và người dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm sản xuất thỏ an toàn sinh học đi đôi với bảo vệ môi trường.

Theo Huyền Trang/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/thai-binh-nuoi-tho-an-toan-sinh-hoc-nha-ngoc-tren-vung-dat-lua/20200622064922450